Tránh rập khuôn trong tư duy phát triển

- Thứ Tư, 19/01/2022, 06:26 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, từ “phát triển” được dùng khá phổ biến với cách hiểu thiên về sự gia tăng giá trị vật chất, biến đổi phong tục, lối sống theo xu hướng đa số... Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, không có mẫu số chung trong cách nhìn nhận cho toàn bộ cộng đồng, cần tránh rập khuôn trong tư duy phát triển. Câu chuyện phát triển ở các cộng đồng dân tộc thiểu số cho thấy rõ hơn điều này.

Thách thức của phát triển
“Phát triển” trong tiếng Việt, qua ngôn ngữ các dân tộc sẽ có nhiều cách viết, cách đọc, cách hiểu khác nhau. Với dân tộc Mông, từ này là “vam meej”, trong khi được viết là “vát chen” trong ngôn ngữ của dân tộc Sán Dìu, “pây khửn” của dân tộc Tày, “ti lêênh” dân tộc Mường, “rưh” theo cách viết của đồng bào Pakoh, “cak rok” của dân tộc Chăm... Sau cách gọi ấy cũng là hàm nghĩa, mong muốn, cách hiểu khác nhau từ các cộng đồng. 

Chị Sầm Thị Nguyệt, dân tộc Thái, Nghệ An kể: Trước sự quảng bá, thu hút khách du lịch, đền thờ bà Nhả Póm của dân tộc Thái tại xóm Yên Luốm, xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An đã được tu sửa khang trang, đường sá được mở rộng. Tuy nhiên, điều này cũng làm thay đổi căn bản việc thờ cúng của người Thái tại ngôi đền. Trước đây, lễ tục định kỳ của người Thái diễn ra mỗi năm một lần, trong không gian tĩnh lặng. Nhưng nay đông đảo du khách đến cúng trong đền theo cách của người Kinh, phần nào làm mất không gian thiêng theo quan niệm người Thái. 
Anh Sohaniim dân tộc Chăm, Ninh Thuận cho biết, phát triển du lịch tâm linh trên các đền tháp cũng tác động đến việc kiêng cữ trong quan niệm người Chăm. Chẳng hạn, theo phong tục Chăm, việc mở cửa đền tháp chỉ diễn ra định kỳ theo lễ tục, nhưng kể từ khi tháp được đưa vào phát triển du lịch, cửa đền luôn mở, du khách vào đền chưa thể hiện sự tôn nghiêm, có những vị khách do chưa hiểu văn hóa địa phương thắp nhang thờ cúng, thậm chí tổ chức tiệc lễ trong không gian linh thiêng...
Trong khi đó, anh Giàng A Bê, dân tộc Mông, Yên Bái bày tỏ: “Ai cũng nói hòa nhập, nơi tôi sống có sóng 4G, internet tốc độ cao, nhưng người trẻ mất dần kết nối với người già, không được trao truyền văn hóa; thế hệ trẻ không hào hứng với học khèn, đánh trống, các nghi lễ, ứng xử với tập tục vòng đời của cộng đồng... Nhiều người cho rằng phải có nhà khang trang, xe đẹp, thanh niên phải khởi nghiệp làm giàu để tiến kịp các vùng miền. Không phủ nhận điều đó, nhưng nhiều người trẻ dần quên đi nguồn gốc, văn hóa của mình”.
Thời gian qua, nhiều dự án thủy điện được triển khai. Bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường, Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết: Đập thủy điện tạo sự phát triển, nhưng cũng có khó khăn, mỗi khi xả lũ, người dân vô cùng lo lắng vì nguy cơ chìm trong nước... 

	Cần hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa, giàu bản sắc – Nguồn:datviettour.vn
Cần hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa, giàu bản sắc
Nguồn:datviettour.vn

Không đánh đổi văn hóa, môi trường
Theo PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương, Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, phát triển thường được nhắc đến khi nói về điều gì mới, hiện đại, hoàn thiện, không giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, định nghĩa phát triển với mỗi người đã khác nhau, chưa nói tới mỗi cộng đồng; tác động của phát triển với cuộc sống của mỗi người cũng ở các góc độ khác nhau. Trong cùng một cộng đồng, có thể với người này, phát triển có nghĩa là trong thôn có nhiều nhà cao tầng, nhà vệ sinh sạch sẽ, nhưng cũng có người cho rằng, phát triển nghĩa là con cháu vẫn giữ được bài cúng, bài dân ca, cách dệt trang phục truyền thống...
Có thể thấy, trong những diễn ngôn về phát triển hiện nay, các yếu tố vật chất như đường rộng đẹp, nhà cao, đời sống vật chất đầy đủ đầy... đang chi phối cách suy nghĩ của nhiều người. Đặt giá trị vật chất là quan trọng, sẽ có những thứ bị coi nhẹ hơn. “Nếu phải lựa chọn, có thể mỗi người, mỗi cộng đồng sẽ chọn thứ hiện hữu rõ ràng, có thể không coi trọng đời sống tinh thần, những thứ sâu thẳm trong tâm hồn, tính cách tộc người, các giá trị về tâm linh. Điều đó có thể dẫn tới sự mai một bản sắc tộc người” - PGS. TS. Phạm Quỳnh Phương nhận định. 
Các yếu tố vật chất vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiều mô hình, chính sách phát triển được thực hiện những năm gần đây đã làm suy giảm sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là đa dạng sinh kế và quản lý tài nguyên; suy thoái môi trường ở mức báo động; suy giảm giá trị đoàn kết, tương trợ, tương hỗ và hệ thống tri thức bản địa trong cộng đồng... Trong khi đó, chúng ta cần một xã hội thực sự phát triển vì con người, đậm bản sắc, với các giá trị nhân văn, lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên... 
Bởi vậy, cần cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa để không phải đánh đổi văn hóa, môi trường, lợi ích của cộng đồng cho phát triển kinh tế. Trong đó, cần khắc phục cách nhìn một chiều: Khai thác, sử dụng tối đa nguồn tài nguyên văn hóa vào mục đích duy nhất là tăng trưởng kinh tế. Cách nhìn này rất nguy hiểm vì tài nguyên văn hóa nào không đem lại giá trị kinh tế dễ có nguy cơ bị loại bỏ hoặc thay đổi chức năng sử dụng. Trong khi đó, tài nguyên văn hóa là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển bao trùm, giàu bản sắc, đa chiều, nhân văn và bền vững. 

Ngọc Phương