Tránh phát sinh thủ tục cho nhà đầu tư

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:31 - Chia sẻ
Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư ngày 19.11, nhiều ý kiến cho rằng ban soạn thảo cần rà soát và dẫn chiếu những luật khác để bảo đảm sự thống nhất, tránh phát sinh thủ tục, gây phiền hà cho nhà đầu tư.

Không “đẻ thêm" thủ tục

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến nhận xét dự thảo Nghị định đã quy định rõ danh mục tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; rạch ròi trong việc bảo đảm đầu tư đối với đối tượng nào, hình thức nào, nội dung nào... Như vậy sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo còn nhiều nội dung gây băn khoăn.

Góp ý chi tiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam Hoàng Hải Anh đề xuất nên quy định cụ thể việc tách hay sáp nhập dự án đầu tư được thực hiện trong giai đoạn nào của dự án. 

Trưởng Phòng pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho hay, thời gian qua, VCCI đã nhận rất nhiều đơn “kêu cứu” của doanh nghiệp. Có nhiều dự án đã thực hiện 4 - 5 năm, chỉ vì điều khoản trong luật không rõ ràng, cách hiểu khác nhau về chuyển tiếp, hợp tác và sáp nhập dự án, nên hoạt động của doanh nghiệp bị đình trệ. Hơn 60 dự án nhà ở trên cả nước chịu hệ lụy bởi điều khoản này.

Luật sư Lê Văn Hà, Giám đốc công ty tư vấn Quang Minh cho rằng, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Đầu tư cần lưu ý 2 vấn đề.

Một là, về điều kiện đầu tư kinh doanh. Nhìn chung các luật chuyên ngành đều có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh như: vốn, mặt bằng đất đai, phòng cháy chữa cháy... Khi nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được cấp chứng nhận. Nhưng khi “soi” vào khoảng 60 nghị định hướng dẫn điều kiện đầu tư kinh doanh thì nghị định nào cũng có thủ tục “cấp giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh”. Như vậy có nghĩa là “đẻ” thêm một thủ tục hành chính mới đó là “chứng nhận của chứng nhận”. Ông Hà cho rằng, dự thảo Nghị định cần yêu cầu các bộ, ban, ngành khi ban hành điều kiện kinh doanh thực hiện thủ tục hậu kiểm phải bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Hai là, vấn đề về chấp nhận chủ trương đầu tư. “Từ 2014 đến nay, chúng tôi đã giải quyết vài trăm thủ tục hồ sơ liên quan đến chủ trương đầu tư”. Ông Hà cho rằng, việc thẩm định chấp nhận chủ trương đầu tư là một thủ tục mang tính “mặt trận”, cơ quan quản lý đưa ra một giấy quyết định nhưng không giải thích tại sao không phản đối và tại sao phản đối.

Theo ông Hà, Điều 33 của Luật Đầu tư đã nêu rõ một trong những căn cứ quan trọng để thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư là phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, tích hợp quy hoạch tỉnh và đã giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể điều kiện thẩm định chung cho Điều 33 Luật Đầu tư. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định này, ban soạn thảo lại đưa vấn đề này dẫn chiếu ngược trở lại luật, tức là điều kiện thẩm định phù hợp với quy hoạch căn cứ vào quy định của luật, mà không có hướng dẫn thêm gì. “Cả một câu chuyện lớn như vậy mà chỉ có một dòng trong luật, điều này sẽ tạo ra cơ chế “xin - cho” và không rõ ràng trong thẩm định”, ông Hà nói và đề nghị  ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm thẩm định.

Nguồn: ITN

Không được mâu thuẫn với luật khác

Góp ý về thời hạn hoạt động của dự án, luật sư Trần Thị Ngân, Công ty TNHH Bizlink cho hay, tại Khoản 4 Điều 44 Luật Đầu tư 2020 chưa làm rõ vấn đề: Khi hết thời hạn hoạt động của dự án và dự án đủ điều kiện để được tham gia hạn thời hạn hoạt động, thì dự án đầu tư đó sẽ được gia hạn thêm 50, 70 năm nữa hay chỉ được gia hạn một khoảng thời gian mà tổng thời gian hoạt động của dự án (bao gồm cả thời hạn ban đầu và thời hạn được gia hạn) không vượt quá 50 hoặc 70 năm?

Theo Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Xây dựng Việt Nam Trần Hồng Mai, dự thảo Nghị định chưa nêu được nội dung chi tiết về việc lựa chọn nhà đầu tư; nhất là các quy định liên quan giữa Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư trong những công trình, dự án triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để tránh trùng lặp và mâu thuẫn có thể có. 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) Đặng Thị Hải Yến cho rằng, ban soạn thảo cần có sự rà soát, nghiên cứu kỹ dựa trên nguyên tắc không được mâu thuẫn với các luật khác. “Cần thiết phải có sự thẩm định và dẫn chiếu những luật khác để bảo đảm sự thống nhất, tránh phát sinh thủ tục gây phiền hà cho nhà đầu tư” bà Yến nói.

Bà Yến nêu ví dụ về điều chỉnh dự án liên quan đến chuyển nhượng. Theo Luật Đầu tư, không phải quy định tất cả trường hợp dự án đầu tư đều phải nghĩ tới vấn đề này, nhưng dự thảo Nghị định lại đang quy định theo hướng bao gồm tất cả. Trong khi đó, Luật Kinh doanh bất động sản đã có nghị định hướng dẫn đầy đủ. "Ban soạn thảo cần cân nhắc có nên làm phức tạp hơn không, hay nên dẫn chiếu những gì pháp luật chuyên ngành đã quy định, tránh tình trạng quy định thêm gây phiền hà cho nhà đầu tư", bà Yến đề xuất.

An Thiện