Tránh lắp đặt biển báo mỗi nơi một kiểu

- Thứ Hai, 16/11/2020, 23:10 - Chia sẻ
Sáng nay (16.11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Với tình hình thực tế về tai nạn giao thông hiện nay, việc cần sửa luật này là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, để bảo đảm sự thống nhất cũng như góp phần giảm tai nạn giao thông, có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về tổ chức giao thông, theo đó, tổ chức giao thông là các hoạt động được thực hiện từ giai đoạn quy hoạch, đầu tư xây dựng đến quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả. Dự thảo Luật cũng cho phép trong quá trình khai thác, cơ quan quản lý đường bộ được điều chỉnh tổ chức giao thông để giải quyết các bất cập về tổ chức giao thông, phù hợp với hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lưu lượng phương tiện, nguồn lực và các điều kiện khác để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Phân luồng, phân làn, lắp đặt báo hiệu đường bộ, hệ thống trang thiết bị quản lý, giám sát giao thông trong giai đoạn thiết kế, đầu tư, xây dựng và cải tạo nâng cấp công trình đường bộ. Ngoài ra, để bảo đảm tổ chức giao thông, dự thảo Luật quy định tốc độ, tải trọng khai thác, thời gian đi lại, các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe, điểm dừng đón, trả khách, điều hành hệ thống trang thiết bị quản lý giao thông, cung cấp thông tin hướng dẫn cho người tham gia giao thông…

Thời gian qua, tai nạn giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh, bình quân, tại Việt Nam mỗi ngày có hơn 20 người ra đường rồi vĩnh viễn không trở về nhà vì những vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay: Tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 334.901 vụ, làm chết 101.810 người, trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động, bị thương 336.094 người, chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông nói chung, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. So với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam đang ở mức cao.

Ngoài nguyên nhân do người tham gia giao thông chưa tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông,  do cơ sở hạ tầng có nơi chưa đảm bảo, còn có lý do từ việc biển báo giao thông chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống biển báo, chỉ dẫn giao thông đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, tiếc rằng thời gian qua việc này mỗi nơi thực hiện một kiểu, thiếu thống nhất. Có những biển báo được lắp đặt ở những nơi khó quan sát, vô hình trung trở thành “bẫy” cho người tham gia giao thông.

Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thẳng thắn chỉ rõ: tổ chức giao thông thời gian qua của chúng ta còn “khá lộn xộn”. Theo ông Thường, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi ban hành QCVN 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ không ban hành hướng dẫn cắm biển báo và báo hiệu đường bộ thống nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên, Quy chuẩn 41 dường như chỉ quy định về các biển báo, còn việc sắp xếp, kết hợp các biển như thế nào trong các tình huống cụ thể thì không quy định. Chính vì chưa có hướng dẫn chính thức đã dẫn tới tình trạng triển khai không đồng bộ, đôi lúc mang tính chủ quan, thậm chí tùy tiện. Cùng một báo hiệu nhưng các địa phương có thể triển khai khác nhau về tầm nhìn, chiều cao kết hợp các biển, khoảng cách các biển. Có tình trạng, nơi cần thì không có biển, nơi không cần thì thừa biển, có quá nhiều biển báo cấm nhưng ít biển hướng dẫn. Tại các khu vực phức tạp về giao thông, có nhiều người đi lại qua đường chưa có quy định thống nhất về kiểm soát tốc độ, chưa có hướng dẫn về kiểm soát tốc độ, dẫn tới thực tế nhiều nơi đường tốt không giao cắt nhưng tốc độ giới hạn thấp, trở thành “bẫy” với người lái xe. Ngược lại, nhiều nơi giao thông phức tạp, tốc độ không được kiểm soát, dẫn tới nhiều vụ tai nạn giao thông, điều này gây bức xúc cho người dân và dư luận. Do đó, cần bổ sung khoản mới trong điều Điều 27 của dự thảo Luật quy định Bộ Giao thông Vận tải ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc, ông Thường đề nghị.

Đề nghị của đại biểu Nguyễn Phi Thường là điều cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét. Bởi chỉ khi được quy định tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc mới tránh được tình trạng mỗi nơi một kiểu trong lắp đặt biển báo, và tránh được tình trạng người tham gia giao thông vi phạm pháp luật giao thông “bất đắc dĩ” chỉ vì những biển báo thực hiện "mỗi nơi một kiểu".

Lê Hùng