Tranh cãi trước giờ G

- Thứ Sáu, 23/10/2020, 06:53 - Chia sẻ
Ngày 6.11, tân lãnh đạo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ chính thức lộ diện khi cuộc đua thứ 3 và cũng là cuối cùng giữa hai ứng ứng cử viên Okonjo-Iweala (Nigeria) và Yoo Myung-hee (Hàn Quốc) ngã ngũ. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Mỹ lẫn châu Âu, hai thế lực với tiếng nói trọng lượng, vẫn đang tranh cãi về ủng hộ ứng cử viên nào.

Chỉ chọn được tân lãnh đạo nhờ sự đồng thuận

Theo Bloomberg, Liên minh châu Âu (EU) có xu hướng ủng hộ bà Ngozi Okonjo-Iweala, còn chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang nghiêng về bà Yoo Myung-hee. Trong khi đó, quan điểm của Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác như Brazil và Ấn Độ vẫn chưa rõ ràng.

WTO dự kiến sẽ công bố nữ lãnh đạo đầu tiên của cơ quan này vào tháng tới để thay thế ông Roberto Azevedo, người Brazil, đã xin từ chức cuối tháng 8 vừa qua vì lý do cá nhân, sớm 1 năm trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Ông là vị Tổng giám đốc thứ 6 của cơ quan 25 tuổi đời này.

Nguồn: AFP

Mặc dù một số quốc gia có thể công khai ủng hộ ai trong số hai nữ ứng cử viên, nhưng quá trình chọn ra tân Tổng giám đốc đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả 164 thành viên WTO. Điều đó có nghĩa là chỉ cần một nước “có ý kiến khác” cũng có thể chặn cơ hội của bà Yoo hoặc bà Okonjo-Iweala. Bức tranh trên càng dễ bị xáo trộn hơn khi mà các liên minh thương mại từ châu Phi đến châu Á trở nên căng thẳng vì các cuộc chiến thuế quan kéo dài 3 năm qua cùng với tâm lý bảo hộ tiếp tục tăng cao do chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Thương mại Yoo Myung-hee của Hàn Quốc đã phải chật vật để bảo đảm sự hỗ trợ từ Nhật Bản, đối tác kiêm đối thủ thương mại của đất nước kim chi. Thực tế, quan hệ thương mại xấu đi giữa hai cường quốc xuất khẩu châu Á đã có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch của bà Yoo ban đầu và nó vẫn là yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong giai đoạn cuối của cuộc đua.

 Trong một cuộc trả lời phỏng vấn thứ Sáu tuần trước, bà Yoo thừa nhận mình có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. “Mọi người đều thích câu chuyện của bên thua thiệt. Tôi tin rằng mình đã giành được sự tin tưởng của các thành viên nhờ tinh thần chăm chỉ, đổ mồ hôi, kiên trì và sự chân thành. Tôi sẽ tiếp tục làm điều đó ”.

EU từng đóng vai trò quan trọng trong vòng lựa chọn trước, khi khối liên minh 27 quốc gia này chọn cả bà Yoo lẫn bà Okonjo-Iweala làm ứng viên ưu tiên cho giai đoạn cuối cùng. Điều đó đã “đánh chìm” ứng cử viên Amina Mohamed của Kenya, người vốn được xem là có triển vọng thành công sớm nhất trong cuộc đua.

Tăng tốc giai đoạn then chốt

Kể từ khi danh sách được rút xuống còn hai người vào đầu tháng này, cả bà Yoo và bà Okonjo-Iweala đều tích cực vận động hậu trường để tranh thủ ủng hộ. Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in vừa tăng tốc chiến thuật “ngoại giao điện thoại” nhằm hỗ trợ cho Bộ trưởng Thương mại Yoo Myung-hee khi đích thân gọi điện cho Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cách đây vài hôm. Trước đó, ông còn điện đàm với lãnh đạo Luxembourg, Italy và Ai Cập với mục đích tương tự. Người đứng đầu Nhà Xanh nói rằng, nữ bộ trưởng trong nội các của mình là người tốt nhất có thể cân bằng được lợi ích của các nước đang phát triển và các nước tiên tiến, cũng như có khả năng cải tổ WTO thành công. Giới phân tích cũng đánh giá, ứng cử viên Hàn Quốc là người có khả năng làm trung gian cân bằng giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước đang phát triển để có thể đương đầu với một loạt cuộc khủng hoảng của WTO, đồng thời bình thường hóa chủ nghĩa đa phương.

Ở mặt trận khác, truyền thông Nigeria mới đây đưa tin, bà Okonjo-Iweala đã bảo đảm nhận được sự hỗ trợ của Liên minh châu Phi gồm 55 thành viên, để lãnh đạo tổ chức thương mại toàn cầu. Điều này cộng với sự chứng thực của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), các quốc gia vùng Caribe và Thái Bình Dương, nâng tổng số lên khoảng 79 quốc gia hiện ủng hộ bà. Nữ cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria tự định vị mình là nhân vật ngoài cuộc - người chưa bao giờ làm việc tại WTO hoặc dẫn đầu một cuộc đàm phán thương mại. Tuần trước, bà kêu gọi trở lại hệ thống đa phương, củng cố nó vì “đó là điều sẽ phục vụ thế giới”.  

Tuy nhiên, bà Okonjo-Iweala lại bị phía Mỹ đánh giá là quá gần gũi với những người theo chủ nghĩa thương mại toàn cầu. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nhân vật hoài nghi WTO lâu năm, được cho là ủng hộ một ứng cử viên kỹ trị hơn như Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee, người có 25 năm kinh nghiệm mở rộng mạng lưới thương mại của xứ sở kim chi thông qua các hiệp định song phương với cả Trung Quốc, EU, Anh và Mỹ. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc đua vào chức Tổng Giám đốc WTO hiện nay chịu sự ảnh hưởng rất nhiều từ Washington. Thực tế, chính quyền của Tổng thống Donald Trump, vốn không còn tin tưởng vào định chế quốc tế đa phương này, thậm chí từng dọa sẽ rút khỏi tổ chức nếu WTO không công bằng với Mỹ. Vì vậy, để “giữ chân” và hóa giải bất đồng với Mỹ, kết quả cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo mới của WTO sẽ phần nào phải “lựa” theo ý của Washington.

Thực tế, đất nước cờ hoa luôn đóng vai trò chủ chốt trong việc quyết định ai là người lãnh đạo WTO, nhưng lúc nào họ cũng nhận được sự hợp tác của hầu hết đồng minh châu Âu, vốn cũng là bên liên quan rất quan trọng trong tổ chức thương mại toàn cầu. Chính vì thế, việc cả hai có quan điểm khác nhau lần này rất có thể khiến cho quá trình chọn lựa người kế vị ông Roberto Azevedo rơi vào bế tắc, nếu như không nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trước giờ G.

Linh Anh