Xem - Nghe - Đọc

Tranh cãi kiểu Cannes

- Chủ Nhật, 31/10/2021, 06:46 - Chia sẻ
Với "Titane", đừng cố để đi tìm thông điệp hay ẩn dụ gì đằng sau mỗi khung hình, hãy để cho thứ cảm giác kỳ lạ dẫn dắt ta đi và xem đạo diễn có thể dẫn ta đến tận đâu...

"Titane" - bộ phim thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay, đưa Liên hoan phim số 1 này trở lại với phong vị quen thuộc của nó - tôn vinh những bộ phim gây sốc và tranh cãi nhất, sau vài năm nhường vị thế đó cho những bộ phim đề cập đến các chủ đề social issues (vấn nạn xã hội) của điện ảnh châu Á như "Shoplifters" của Kore-eda (Nhật Bản) và "Parasite" của Bong Joon Ho (Hàn Quốc). "Titane" cũng mới chỉ là bộ phim thứ 2 của một đạo diễn nữ thắng giải Cành cọ vàng sau Jane Campion (New Zealand) lần đầu chiến thắng với The Piano (1993, năm đó đồng hạng với "Bá vương biệt cơ" của Trần Khải Ca). Biên kịch và đạo diễn của "Titane" là Julia Ducournau, một nữ đạo diễn người Pháp sinh năm 1983 và mới chỉ làm bộ phim thứ 2. Bộ phim đầu tay của cô là "Raw" ra mắt năm 2016 cũng điên rồ và táo tợn không kém, đã được chọn trình chiếu trong chương trình Midnight Madness tại Liên hoan phim Toronto, từng gây choáng cho những khán giả yếu tim. 

 "Titane" khiến tôi nhớ đến "Crash" (1996) của đạo diễn lập dị người Canada David Cronenberg. Hai phim cùng thuộc dòng điện ảnh cực đoan (extreme cinema), thứ điện ảnh dễ gây chia rẽ, thậm chí tạo nên những cuộc bút chiến dữ dội - nhưng vẫn phải công nhận sự tồn tại của nó vì tính đặc thù và sự đa dạng của điện ảnh.

 Có thứ điện ảnh siêu thực và đầy chất thơ của Andrei Tarkovsky, có thứ điện ảnh bay bổng và suy tưởng sâu xa của Terrence Malick, có thứ điện ảnh duy mĩ và cảm giác của Vương Gia Vệ thì cũng có thứ điện ảnh biến thái, đánh đố mà David Cronenberg và Julia Ducournau là những đại diện tiêu biểu. 

"Crash" ra mắt năm 1996 tại Cannes và giành chiến thắng với giải đặc biệt của Ban Giám khảo. Năm đó "Bố già" Francis Ford Coppola làm Chủ tịch Ban Giám khảo rất ghét bộ phim này, nhưng các thành viên khác của Ban Giám khảo thì rất thích nên xảy ra một cuộc chia rẽ trong Ban Giám khảo, báo hiệu sự sóng gió cho bộ phim này. Cuối cùng, với 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống, "Crash" thắng giải quan trọng thứ 3 tại Cannes năm đó. David Cronenberg kể lại rằng Coppola cử một người lên sân khấu trao giải cho David vì không muốn xướng giải cho một bộ phim mà ông ghét. 

Cần phân biệt Crash của David Cronenberg với Crash (2004) của Paul Haggis, cho dù cả hai đều đề cập đến một vụ tai nạn xe hơi và làm thay đổi cuộc đời của những kẻ liên đới trong vụ tai nạn đó. Crash của Paul Haggis cũng gây tranh cãi lớn khi vượt qua Brokeback Mountain của Lý An để thắng giải Best Picture vì các ông già trong Viện Hàn lâm Mỹ không dám trao giải cho một bộ phim đồng tính, cho dù nó vượt trội hơn đối thủ rất nhiều (Crash của Paul Haggis được bình chọn là một trong những phim thắng giải Oscar tệ nhất). Trong khi đó Cannes, vốn luôn chào đón những kẻ thích gây hấn, những kẻ phá vỡ các giới hạn đã không ngần ngại trao giải cho một bộ phim cùng tên từ gần một thập niên trước, nói tới một hành vi biến thái có thể gây tác động nguy hiểm về mặt xã hội nhưng phản ánh chính xác tình trạng đời sống tinh thần kiệt quệ của con người trong xã hội hiện đại. 

Với một bộ phim như vậy, việc nó gây tranh cãi là điều dễ hiểu. Tại Anh, bộ phim gây ra một cuộc bút chiến dữ dội giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến. Thậm chí, hai tờ The Daily Mail và The Evenng Standard còn tổ chức hẳn một chiến dịch để cấm phát hành vĩnh viễn bộ phim tại nước Anh. Sự bảo thủ này đã khiến hai ông nhà văn tầm cỡ thế giới là Salman Rushdie và Martin Amis (cũng là hai tay phê bình phim gạo cội) phải đứng ra bảo vệ bộ phim. Trước cuộc bút chiến dữ dội này, Hội đồng phân loại phim của Anh (BBFC) đã mời hẳn cố vấn của Nữ hoàng Anh và một nhà tâm lý học hàng đầu xem phim và đưa ra lời nhận xét. Không ai trong số họ tìm ra lý do gì để cấm chiếu bộ phim cả. Thậm chí 11 người khuyết tật (mà phe bảo thủ cho rằng bộ phim này xúc phạm họ) cũng không thấy xúc phạm gì cả. Thế là phe bảo thủ thua. Crash sau đó được trình chiếu giới hạn tại Anh (tất nhiên là loại R) và rất thành công về doanh thu. Tại Mỹ, Ted Turner đã buộc tập đoàn phân phối phim của ông ta từ chối phát hành bộ phim do lo ngại về mặt đạo đức và  các hành vi bắt chước. Nhưng sau đó, một hãng phát hành khác cũng mua bản quyền để trình chiếu bộ phim tại Mỹ. Tại Hàn Quốc, nó cũng gây ra một cuộc tranh cãi lớn khi Hội đồng kiểm duyệt phim của Hàn đòi cắt bỏ 10 phút phim. Cuộc tranh cãi đã khiến Hàn Quốc phải từ bỏ hệ thống kiểm duyệt để chuyển sang hệ thống phân loại phim theo độ tuổi. Sự kiện này diễn ra vào năm 1997, mở đường cho sự cởi bỏ kiểm duyệt và tạo điều kiện cho các tay đạo diễn quái kiệt của Hàn tung ra những thước phim khốc liệt suốt cả thập niên sau đó. 

Tương tự, là Titane của  Julia Ducournau. Tất nhiên không có sự bắt chước hay đạo nhái gì ở đây cả, đơn giản là chúng đều tung ra một thứ phong vị quái đản và dị hợm về con người trong thời đại hậu công nghiệp. Titane là một bộ phim kì dị, nó dẫn ta đi từ sự quái đản này đến điên rồ khác mà không chịu có lấy một lời giải thích. Biên kịch và đạo diễn cứ bày ra câu chuyện, tung ra những cảnh phim thách thức, đưa nhân vật vào một vòng xoáy của mê cung không lối ra. Với Titane, đừng cố để đi tìm thông điệp hay ẩn dụ gì đằng sau mỗi khung hình, hãy để cho thứ cảm giác kỳ lạ dẫn dắt ta đi và xem đạo diễn có thể dẫn ta đến tận đâu.

 Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nữ đạo diễn Julia Ducournau không truyền vào bộ phim một ý đồ gì, cho dù ý đồ đó được ẩn bên dưới một bề mặt quá cực đoan. Titane là một bộ phim mà ở đó, những hình ảnh gây sốc về cơ thể con người đặt ra những câu hỏi về bản dạng giới và sự nô lệ của con người khi bị mắc kẹt trong một cái xác phàm cần được giải phóng. 

Crash của David Cronenberg hay Raw, Titane của Julia Ducournau là những bộ phim táo bạo và vượt ra khỏi mọi cái chuẩn mực của điện ảnh mà ta đã từng xem trước đó. Đó không hẳn là những bộ phim tôi thích, nhưng chúng là những bộ phim tạo cảm giác mạnh mẽ nhất về bản năng và sự nô lệ của con người trong thời đại hậu công nghiệp.

Lê Quân