Trắng tay vì “tiền ảo”

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 06:59 - Chia sẻ
Chưa bao giờ một loại hình kiếm tiền mới ra đời mà nở rộ như các sàn giao dịch tiền ảo ở Việt Nam lúc này. Với những lời mời gọi hấp dẫn “ngồi không tiền cũng về”, “lợi nhuận lên tới 20 - 30%/ngày”, “bảo toàn vốn 100%”, “kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng”… Đó là cách mà các đối tượng mang ra “nhử” các con mồi đầu tư vào cái gọi là “kinh doanh hệ thống”, “sàn thương mại điện tử”... đã ném tiền thật vào tiền ảo để rồi mất trắng.

Mới đây, Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh vừa triệt phá 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép và nhiều website giống các sàn forex. Nhưng đáng nói, khi lực lượng chức năng đấu tranh, làm rõ hành vi lừa đảo của sàn giao dịch này, thì ngay lập tức các sàn khác lại mọc ra. Hiện có hàng trăm sàn giao dịch ngoại hối được lập ra để kinh doanh tiền điện tử, huy động vốn theo phương thức đa cấp như vậy. Theo thống kê của Công an Hà Nội, tại Việt Nam có khoảng 240 sàn giao dịch vàng, ngoại hối (Forex) trái phép và thu hút lượng người tham gia đầu tư đặc biệt lớn.

Trước đó, công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá được 2 đường dây có dấu hiệu lừa đảo theo mô hình đa cấp tiền ảo. Cụ thể là 2 sàn ngoại hối tự xưng có tên là F5trader.com và Tradenew.io. Chỉ trong một thời gian ngắn, các sàn này đã nhanh chóng kêu gọi được hàng nghìn người trên địa bàn 11 tỉnh, thành trong cả nước tham gia. Riêng trên địa bàn Thanh Hóa đã có hơn 1.000 người. Sau khi các sàn ngoại hối tự xưng này bị sập, những người tham gia mất trắng tiền. Không ít người vẫn chưa biết tại sao họ lại bị mất tiền.

Thủ đoạn chung là các đối tượng dựng lên sàn đầu tư tài chính ảo, không có giấy phép đăng ký và để che giấu hành vi phạm tội, các đối tượng đã thuê máy chủ dữ liệu đặt tại nước ngoài. Hình thức không khác gì một loại hình đánh bạc qua mạng (đặt cược dự đoán giá tiền ảo, cổ phiếu tăng/giảm). Các admin có thể can thiệp để người chơi thắng thua tùy ý. Thường nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận ngay tức khắc, là động lực để thôi thúc họ nhanh chóng nộp tiền vào tài khoản. Sau đó, cướp đoạt tiền của nhà đầu tư bằng cách đánh sập sàn hoặc khi nhà đầu tư muốn rút vốn thì cài thế họ giao dịch với chính mình sao cho tài khoản của nhà đầu tư "cháy" sạch tiền.

Sự hấp dẫn của những sàn dạng này là lợi nhuận quá lớn, tham gia quá dễ và gần như không phải tư duy nhiều. Dẫu thực tế có những người biết rõ đây là kênh đầu tư nhiều rủi ro song vẫn ùn ùn tham gia vì bản thân có được lợi ích nhất định. Những người này dày dặn kinh nghiệm, họ đi hết sàn này đến sàn khác kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia. Rồi khi có lời, họ sẽ tìm cách tháo chạy bỏ lại những nạn nhân sau bị thiệt hại nặng nề. Một hiện tượng nguy hiểm khác là có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc. Điều này chính là lý do vì sao tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều.

Một công thức rất cũ nhưng số nạn nhân thì lạ thay, ngày càng nhiều. Bài học đổ vỡ liên tục xảy ra có vẻ không làm nhà đầu tư chùn bước trong công cuộc đi tìm siêu lợi nhuận. Nhiều người lựa chọn hình thức đầu tư mạo hiểm này và chấp nhận rủi ro có thể mất trắng tiền bạc, một dạng của học thuyết rủi ro cao lợi nhuận khủng. Khi các sàn này sập, việc khắc phục hậu quả là rất khó khăn bởi thường họ đã sử dụng số tiền này vào các mục đích khác nhau rất khó thu hồi.

Mặc dù việc đấu tranh với nhóm tội phạm hoạt động theo phương thức đa cấp trái phép, trên không gian mạng thường gặp khó khăn. Tuy nhiên, với việc triệt phá các sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép thời gian qua, dư luận kỳ vọng sẽ là khởi đầu thuận lợi để lực lượng chức năng triệt phá các đường dây tương tự trong thời gian tiếp theo.

Chi An