Dạy nghề cho lao động nông thôn

Trang bị niềm tin, khát vọng vươn lên

- Thứ Hai, 23/11/2020, 08:27 - Chia sẻ
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp liên tục biến đổi, người lao động khu vực này gặp rất nhiều khó khăn khi chọn nghề. Ngoài truyền tải kỹ năng làm việc, quá trình dạy nghề còn phải làm sao cung cấp cho họ kiến thức thị trường, niềm tin và khát vọng vươn lên.

Không phải lối rẽ nhất thời

Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhưng không tìm được việc làm, Hoàng A Dê, 28 tuổi, ở bản Cò, Mai Châu, Hòa Bình, quyết định tham gia lớp học nghề du lịch do huyện tổ chức. Học nghề xong, do không có điều kiện nên A Dê tự tìm tòi, học thêm tiếng Anh trên điện thoại, máy tính, rồi may mắn xin làm hướng dẫn viên du lịch ở Mai Châu. Quá trình tiếp xúc với khách du lịch, bổ sung vốn từ càng nhiều, công việc vững hơn, đã giúp A Dê duy trì được đời sống ổn định trong suốt thời gian dài.

Câu chuyện của chàng thanh niên miền núi Hoàng A Dê như điểm sáng trong bức tranh đào tạo nghề cho lao động nông thôn những năm qua, khi nhiều chương trình dạy nghề được đưa về tận thôn bản, góp phần tăng năng suất lao động ở các khu vực này. Còn nhiều lối rẽ khác cho lao động nông thôn sau khi tham gia học nghề. Bà Mai Phương, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Lao động Hoàng Long CMS dẫn chứng, con đường “học nghề, đi xuất khẩu có được tiền tỷ” không hề xa vời với nhiều lao động nông thôn. “Được đào tạo công việc nhất định, với tay nghề đó đi làm ở nước ngoài, lao động nông thôn không chỉ tích luỹ được kinh tế mà còn tích luỹ được kiến thức. Từ những kiến thức, kinh nghiệm và số vốn đó, nhiều người lúc về quê đã khởi nghiệp trong các lĩnh vực có liên quan. Số khác thì làm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc cho công ty từng đưa họ đi xuất khẩu lao động”, bà Mai Phương cho biết.

Không phải sự chuyển hướng nhất thời, nhiều kỹ năng được đào tạo đã đem đến cho lao động nông thôn nguồn thu nhập, tạo dựng cuộc sống ổn định. Nhưng sâu xa trong câu chuyện đào tạo ấy không đơn thuần là trang bị cho người lao động cách làm một việc cụ thể, mà còn cho họ tâm thế chủ động bắt nhịp với bối cảnh thị trường nghề nghiệp liên tục biến động như hiện nay. Trả lời câu hỏi: Làm gì để chuyển đổi việc làm, dạy nghề cho nhóm lao động nông thôn bị mất việc? - bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến, Vĩnh Phúc kể chuyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Trung tâm.

Theo bà Oanh, hiện nay nhiều lao động nông thôn không có việc làm, có xu hướng dịch chuyển ra thành phố tìm việc với mức thu nhập cao nhưng bấp bênh. Muốn giữ chân họ ở lại làng quê cần tư vấn để họ chủ động tham gia học nghề khởi nghiệp. “Hiện nay, Trung tâm không chỉ đào tạo nghề mà còn mở xưởng làm nghề, giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 600 lao động. Quan trọng là trong quá trình sản xuất, chúng tôi luôn cập nhật nhu cầu thị trường để đào tạo lại cho lao động thích ứng. Thực tế, nhiều lao động đã học nghề và khởi nghiệp thành công. Họ không chỉ có thu nhập cao mà còn tạo ra nhiều công việc cho lao động khác”.

Tạo ra nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn  

Sáng tạo và làm chủ

Trở lại câu chuyện của Hoàng A Dê, từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động du lịch ở Mai Châu, nên A Dê tạm thời không làm hướng dẫn viên du lịch nữa. Tuy nhiên, anh cho biết mới đầu tư mở cửa hàng kinh doanh bán đồ thổ cẩm, cung cấp sản phẩm thủ công của đồng bào dân tộc. Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cơ điện cho rằng, đây chính là kỹ năng thích nghi, thích ứng, dịch chuyển nghề nghiệp một cách linh hoạt của người lao động, mà có lẽ quá trình học nghề, làm nghề đã trang bị cho họ. “Tôi gọi đó là giá trị của người lao động. Kiến thức, kỹ năng đến từ bên ngoài nhưng giá trị thuộc về bên trong, mang tính bền vững và tác động tới các yếu tố bên ngoài”.

Thống kê cho thấy, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng phần lớn nguồn nhân lực làm việc trong khu vực này, với tỷ trọng khoảng 46%, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới. Ước tính năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Vấn đề đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nhằm cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao, có khả năng sáng tạo, làm chủ kỹ năng nghề, chủ động thích ứng với thị trường lao động là yêu cầu cấp bách và thách thức lớn của nông nghiệp, nông thôn.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phân tích, khái niệm nghề trong nông nghiệp rất đa dạng. Đào tạo kỹ thuật không chỉ quan tâm đến kỹ thuật mà còn cả quy trình, tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng kỹ thuật đó như thế nào, cộng thêm niềm tin vào phát triển nghề. “Ngày trước cho con cá là không ổn, nhưng bây giờ cho cái cần cũng chưa ổn. Bên cạnh quan tâm kỹ năng nghề, phải thay đổi thói quen, tầm nhìn, tạo cho họ khát vọng vươn lên. Ví dụ, muốn hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, muốn số hóa thì phải có ghi chép, nhưng nông dân đi làm về rất khó bảo họ ngồi ghi vào sổ. Mà không bao giờ ghi chép thì làm thế nào tạo ra nhật ký sản xuất, chuyển đổi thành thông tin? Trong nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến chuyện như vậy”.

Nhận định thay đổi thói quen, nâng cao chất lượng lao động nông thôn là quá trình không phải ngày một ngày hai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh nhấn mạnh, vấn đề tạo ra nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vẫn là điều cần thiết. “Không chỉ đào tạo nghề cho lao động nông thôn mà phải đào tạo ra một ông chủ là nông dân, để họ chỉ cần chiếc điện thoại thông minh là có thể điều khiển cả trang trại, nông trại. Muốn vậy cần tập trung, tăng cường đào tạo, dựa trên chiến lược về nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn nhất quán và dài hơi”.

Thái Minh