Nhịp cầu

Trách nhiệm hơn trong thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ

- Thứ Hai, 18/01/2021, 07:01 - Chia sẻ

Giám sát tình hình triển khai thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31.10.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Kon Tum nhận thấy: Nhìn chung, công tác xét duyệt đối tượng được thụ hưởng công khai, dân chủ đến tận thôn, làng, bảo đảm đúng các bước theo quy trình quy định, đúng đối tượng thụ hưởng và nội dung phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Quá trình triển khai thực hiện luôn được sự quan tâm lãnh chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp chặt giữa các cấp, các ngành và các địa phương từ khi triển khai rà soát nhu cầu xây dựng Đề án đến triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm, từ đó đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở. Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, việc chấp hành quy định về cho vay vốn, chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng vốn sai mục đích phải thu hồi vốn trước hạn.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân tộc có lúc, có nơi chưa tốt, chưa được thường xuyên. Đề án của các huyện, thành phố xây dựng không sát thực tế. Việc phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ và đăng ký vay vốn của UBND các huyện, thành phố còn chậm. Tiến độ triển khai thực hiện Quyết định 2085 chậm, quá trình triển khai thực hiện các nội dung không đồng bộ, đạt thấp so với Đề án được phê duyệt, có huyện có nội dung chưa triển khai. Việc triển khai thực hiện Quyết định 2085 của một số xã còn lúng túng, không nắm chắc tình hình thực hiện, nhất là nguồn vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Bên cạnh đó, một số hộ dân được hỗ trợ khai hoang đất sản xuất năm 2019 đã khai hoang nhưng do UBND cấp xã thực hiện các thủ tục hỗ trợ chậm, đến năm 2020 các hộ này đã thoát nghèo nên không nhận được tiền hỗ trợ. Một số hộ dân được hưởng hỗ trợ chuyển đổi nghề trong năm 2019 nhưng chỉ mới được vay từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chưa nhận được hỗ trợ 5 triệu đồng, đến năm 2020 các hộ này thoát nghèo nên không còn nằm trong danh sách các hộ được thụ hưởng Quyết định 2085 nữa nên không được nhận tiền hỗ trợ... Nhu cầu nguồn vốn để thực hiện các nội dung lớn nhưng nguồn vốn trung ương hỗ trợ phân bổ còn ít, chậm, do đó, quá trình triển khai thực hiện các nội dung không đạt mục tiêu của Đề án đề ra trong giai đoạn 2017-2020.

Thực tế trên cho thấy, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân, UBND các cấp và các ngành hữu quan cần phải trách nhiệm hơn trong thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho người dân.

HẢI LÂM