TP. Hồ Chí Minh nên lùi thời gian thu phí dịch vụ cảng?

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 07:32 - Chia sẻ
Từ ngày 1.7.2021, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, nhiều ý kiến đề xuất, TP. Hồ Chí Minh nên lùi thời gian thu phí và chỉ áp dụng một mức phí để tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Lo ngại chi phí dịch vụ vận tải tăng cao

Tháng 12.2020, HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn, áp dụng đối với các lô hàng xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, chuyển khẩu.

Cụ thể, hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu áp dụng mức thu 50.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; 4,4 triệu đồng/container 40ft và 2,2 triệu đồng với container 20ft.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai ngoài thành phố sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/container 20ft; 1 triệu đồng/container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại thành phố áp dụng mức thu 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.

Theo TP. Hồ Chí Minh, khoản thu này nhằm bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mức phí này sẽ áp dụng từ ngày 1.7.2021 cho cảng Cát Lái, và áp dụng cho tất cả cảng biển trên địa bàn thành phố từ ngày 1.8.2021.

Tuy vậy, theo giới doanh nghiệp thu phí dịch vụ cảng biển sẽ làm tăng chi phí vận chuyển, kéo chi phí xuất nhập khẩu tăng theo khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp chế biến gỗ gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải đàm phán lại hợp đồng với đối tác để bảo đảm sản xuất không bị lỗ. Hiện tại, giá nguyên liệu tăng rất cao buộc doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí, linh hoạt phân bổ khấu hao. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất khiến doanh nghiệp Việt khó nâng cao sức cạnh tranh là chi phí dịch vụ vận tải và vận chuyển quá cao. Đặc biệt, với mặt hàng gỗ, cước vận tải chiếm tỷ trọng rất lớn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt tình trạng căng thẳng thuê container rỗng và gặp áp lực về chi phí vận hành đang tăng cao.

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn kiến nghị Bộ Tư pháp báo cáo và đề nghị Chính phủ có ý kiến với TP. Hồ Chí Minh xem xét không thu một số loại phí có tính “phí chồng phí” trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

VASEP cho biết, hiện nay có hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh. Để vận chuyển hàng đến cảng biển, doanh nghiệp phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí BOT, phí sử dụng đường bộ... Đơn cử từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái có 7 trạm thu phí BOT, với 1 container hàng, doanh nghiệp phải trả hơn 2,5 triệu đồng. Nếu phải gánh thêm khoản phí hạ tầng cảng biển ở TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp từ Khánh Hòa sẽ trả thêm khoản chi phí lớn cho mỗi container.

Tăng phí hạ tầng cảng biển sẽ làm thêm gánh nặng chi phí, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của doanh nghiệp, VASEP nhấn mạnh.

Quang cảnh cảng Cát Lái, TP.Hồ Chí Minh

Nguồn: Internet 

Nên áp dụng một mức phí

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, trước mắt, nếu áp dụng mức phí này sẽ khiến cước vận tải tăng và làm giảm sự cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên về lâu dài, việc thu phí hạ tầng cảng biển là cần thiết để hoàn thiện hạ tầng giao thông cảng biển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giảm chi phí dịch vụ hậu cần...

Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Chính phủ cũng đã có nhiều hình thức hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng TP. Hồ Chí Minh nên lùi thời gian thu phí ít nhất hết năm 2021.

Khẳng định TP. Hồ Chí Minh thu phí để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông bến cảng không sai, ông Nguyễn Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đề xuất thành phố xem xét lùi thời gian thực hiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn dịch bệnh gây ra. 

Đánh giá mức phí như quy định là cao, đại diện một doanh nghiệp dịch vụ hậu cần đề xuất, việc thu phí cần thực hiện theo lộ trình tăng từ từ để doanh nghiệp quen dần và đỡ gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, khi triển khai cần phải minh bạch nguồn thu và có cam kết đầu tư hạ tầng. Chẳng hạn, nguồn thu này sẽ đầu tư những công trình nào, đoạn đường nào, chi phí mất bao nhiêu, bao giờ làm xong, và phải cam kết không còn hiện tượng ách tắc đường vào cảng.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng đang có sự phân biệt đối xử, tạo bất bình đẳng khi doanh nghiệp mở tờ khai hải quan ngoài TP. Hồ Chí Minh phải đóng phí cao gấp đôi so với doanh nghiệp mở tờ khai tại thành phố. Điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng, tạo tiền lệ xấu sau này. Đồng thời ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Vì vậy, thành phố nên áp dụng thu đồng bộ một mức phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

An Thiện