TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị mọi điều kiện cho chiến dịch tiêm chủng

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 16:45 - Chia sẻ
Để sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại 1.000 điểm tiêm trên địa bàn, cùng với việc xây dựng kế hoạch theo đúng tinh thần của chiến dịch tiêm chủng (trong thời gian 5 - 7 ngày), TP Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành danh sách tiêm chủng trong hôm nay (18.6), đồng thời bảo đảm an toàn chất lượng vaccine khi đưa vào tiêm chủng.

Tuân thủ điều kiện bảo quản vaccine

Kiểm tra nơi bảo quản vaccine chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch Covid-19 PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, để thực hiện chiến dịch tiêm chủng này, trong đợt này, Việt Nam nhập về 966.300 liều vaccine cho toàn quốc, trong đó 836.000 liều được vận chuyển cho TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ này chiếm 86%. Chiến dịch tiêm chủng lần này sẽ diễn ra khoảng 5 - 7 ngày. Trong đó, 708.600 liều sẽ sử dụng cho các đối tượng thuộc Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ, 50.000 liều cho lực lượng biên phòng, công an thành phố...

Theo đó, vaccine được tiêm trong đợt này là của AstraZeneca, thời hạn sử dụng còn tương đối dài, bảo đảm an toàn cho chiến dịch tiêm chủng của TP Hồ Chí Minh trong đợt này. Bộ Y tế có bộ phận điều phối lượng vaccine theo đề xuất của Chính phủ và theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. 

Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Bộ Y tế
Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh

Nguồn: Bộ Y tế 

Trực tiếp kiểm tra điều kiện bảo quản vaccine tại một đơn vị cung cấp dịch vụ kho lạnh ở khu công nghiệp Cát Lái, TP Thủ Đức, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, đoàn công tác đánh giá cao quy trình và điều kiện bảo quản vaccine tại đơn vị cung cấp dịch vụ kho lạnh. Hệ thống kho lạnh ở đây cho phép bảo quản ở mức âm 21 độ C, đáp ứng yêu cầu bảo quản đặc biệt. Vaccine được bảo quản trong hệ thống kho lạnh, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như các cơ quan chuyên môn. Toàn bộ số vaccine này được Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế kiểm định trước khi sử dụng.  

"Chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động tổ chức, vận chuyển, lưu trữ của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, bảo đảm chất lượng khi nhập vào kho cũng như khi đưa đến nơi sử dụng để tiêm cho các đối tượng trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại thành phố" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.

Gấp rút hoàn thành danh sách tiêm chủng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và các đơn bị có liên quan cần nhanh chóng khẩn trương triển khai tổ chức các điểm tiêm, lập danh sách đối tượng tiêm, xây dựng lịch tiêm chủng, cơ sở bảo đảm an toàn tiêm chủng, hệ thống truyền thông trước tiêm chủng và xây dựng hotline giải đáp thắc mắc sau tiêm chủng.

Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tổng quát, cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho chiến dịch tiêm chủng; xin ý kiến chỉ đạo đối với các đối tượng tiêm không thuộc Nghị quyết 21, với trường hợp người trên 65 tuổi và nhóm đối tượng công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất giao Bộ phận thường trực đặc biệt thực hiện văn bản gửi Bộ Y tế để xin ý kiến. Đặc biệt, dựa trên tiến độ dự kiến của vaccine, danh sách đối tượng tiêm chủng phải được hoàn thành trong ngày 18.6, với đầy đủ các thông tin về nhóm đối tượng, địa chỉ, nơi làm việc, địa điểm tiêm…

Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Bộ Y tế
Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh

Nguồn: Bộ Y tế 

Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, về việc tổ chức tiêm chủng, dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng bao gồm các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày, tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày. Để thực hiện kế hoạch đó TP sẽ huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn, các bệnh viện đa khoa thành phố, quận, huyện; các đơn vị bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế… để đáp ứng quy mô, tiến độ đã đề ra. 

Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, nên chủ động xây dựng danh sách, phân chia theo từng nhóm tiêm, từng mốc thời gian để hạn chế tập trung đông người, tuân thủ các quy định về việc đeo khẩu trang; xây dựng hệ thống hotline cũng như số điện thoại tư vấn để người được tiêm chủng có thể liên hệ khi cần. Đối với người trên 65 tuổi mà TP Hồ Chí Minh dự định tiêm đợt này, cần xin ý kiến chỉ đạo để bảo đảm quy định về mặt pháp lý.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn giao Bệnh viện Chợ Rẫy làm đầu mối phụ trách làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực hỗ trợ TP Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch tiêm chủng; giao Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn toàn bộ lực lượng tham gia tiêm chủng, hoàn tất trong ngày 18.6.

Bảo đảm an toàn cho công tác tiêm chủng

Cân nhắc việc triển khai kế hoạch tiêm chủng lưu động tại các địa điểm như trường học, nhà văn hóa để tận dụng các nguồn lực ứng trực, cấp cứu… bảo đảm an toàn tiêm chủng là kiến nghị của nhiều chuyên gia. Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh TS. Nguyễn Vũ Thượng chia sẻ, quá trình tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm phải bảo đảm các quy định phòng dịch; sẵn sàng công tác đáp ứng, cấp cứu các trường hợp phản ứng sau tiêm ở mức độ nặng; thực hiện tốt việc truyền thông về công tác tiêm chủng.

Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Bộ Y tế
Cận cảnh nơi bảo quản 836.000 liều vaccine cho chiến dịch tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh

Nguồn: Bộ Y tế 

Đối với kế hoạch tiêm chủng 836.000 liều được phân bổ trong đợt thứ 4, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, TP Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất…

Có ý kiến cho rằng, cần vận dụng các nền tảng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu có sẵn vào kế hoạch tiêm chủng để thông tin về thời gian, địa điểm đến đối tượng được tiêm cụ thể nhằm hạn chế sự tập trung đông người, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch. Các nhân lực trực tiếp giải đáp thông tin liên quan tiêm chủng cần có quy chuẩn, hướng dẫn chung bảo đảm truyền đạt thông tin chính xác, nhất quán. Dựa trên kế hoạch về địa điểm tiêm, tiến hành rà soát và bố trí lực lượng nhân sự, xe cấp cứu cho phù hợp; trong trường hợp còn thiếu, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn sẽ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định; bảo đảm yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng chống dịch Covid-19; thực hiện sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng. Đối với các phản ứng bất lợi sau tiêm, tại tất cả các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu; bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm với lực lượng mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng; tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết; tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần…

_______________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Thảo Mộc