Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam

- Thứ Tư, 05/05/2021, 15:44 - Chia sẻ
Ngày 5.5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6.5.1951 – 6.5.2021), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Lễ kỷ niệm được tổ chức tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu.
Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và nhiều địa phương, cán bộ, lãnh đạo ngành ngân hàng qua các thời kỳ, đại diện các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế tại Hà Nội...

Nhân dịp này, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã gửi lẵng hoa chúc mừng các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng qua các thời kỳ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương một số nước: Liên bang Nga, Thái Lan, Lào, Campuchia, Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản, Cơ quan dịch vụ tài chính Hàn Quốc gửi thư chúc mừng ngành Ngân hàng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.

Tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong những năm tới, Ban cán sự Đảng, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành Ngân hàng sẽ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII để chỉ đạo, điều hành mọi mặt hoạt động ngân hàng, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) và tầm nhìn 2045 đã đề ra.

Ngân hàng Nhà nước nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chú thích ảnh

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đọc diễn văn Lễ kỷ niệm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu và củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả, tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế, để thực hiện tốt hơn vai trò chu chuyển vốn và nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế; hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với bối cảnh mới; phát triển và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tiện ích cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy thật tốt những kết quả và bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công đã đúc rút được; nghiêm túc, quyết liệt khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém còn tồn đọng để nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời kỳ mới.

Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, khó lường; tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngành Ngân hàng tiếp tục phát huy những thành quả lớn lao mà các thế hệ đi trước đã để lại, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tư duy để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức; khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập; phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo an ninh, an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngành Ngân hàng thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và huy động, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Lễ kỷ niệm. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, ngành Ngân hàng cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới, phát triển ngành ngân hàng nói riêng. Ngành Ngân hàng cần "Tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối" như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Cán bộ, đảng viên, nhân viên trong ngành cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Ngân hàng là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế; rất phức tạp, nhạy cảm; có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, ngành Ngân hàng cần tập trung ưu tiên xây dựng, triển khai thực hiện thật tốt chiến lược, kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, ngành Ngân hàng cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng, an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động ngân hàng.

Ngành tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh, phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Ngành Ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng nhà nước, cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, phát triển của Ngành, của đất nước; sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân, dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đổi mới phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn. "

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và với nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh chính trị vững vàng cùng sự năng động, sáng tạo, trong thời gian tới ngành Ngân hàng Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020.

PV