Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai

- Thứ Ba, 25/02/2020, 14:26 - Chia sẻ
Tối 9.12, tại Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, Gia Lai đã diễn ra Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu.

Cách đây 66 năm, ngày 19.4.1946, Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam – sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với các dân tộc thiểu số Việt Nam – lần đầu tiên được tổ chức tại Pleiku, Gia Lai. Đại hội đã vinh dự được đón Thư của Bác Hồ với những lời dạy ân cần và sâu sắc: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta. Lời thư của Bác như ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, như tiếp thêm sức mạnh thần kỳ của tinh thần đại đoàn kết cho các dân tộc Tây Nguyên. Nay Bác đã đi xa, nhưng lời thư và hình ảnh của Bác vẫn sống mãi với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; là nguồn động viên, khích lệ to lớn để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên quyết tâm chiến đấu, xây dựng và bảo vệ những thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã phải đánh đổi máu xương mới giành được.

Phát biểu chào mừng tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin trân trọng: công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai là ước nguyện của nhiều thế hệ cán bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; khẳng định tấm lòng sắt son, thủy chung của đồng bào đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu; là món quà thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Từ nay, Tượng đài sẽ là nơi để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thể hiện lòng tôn kính đối với Bác Hồ, là nơi để đồng bào dâng hoa, báo công với Người và tự sửa mình khi làm những điều chưa tốt, có hại với đất nước, với nhân dân.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, phát biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bồi hồi xúc động: sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến thăm Tây Nguyên, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim Người lúc nào cũng đau đáu một niềm thương nhớ, yêu quý đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Và đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Bác Hồ luôn luôn là vị cha già muôn vàn kính yêu, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối để Tây Nguyên cùng cả nước vượt qua mọi gian khổ, khó khăn giành độc lập tự do và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Tổng bí thư khẳng định, những tình cảm của Bác đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và tấm lòng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác thật lớn lao, cao cả và sâu sắc. Từ cội nguồn tình cảm đó, từ niềm tin son sắt đối với Bác Hồ, với Đảng; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai mong muốn có một công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được xây dựng tại Pleiku – nơi tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Thấu hiểu nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, năm 2008, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đồng ý cho xây dựng Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai; và ngày 21.9.2010, Ban Bí thư đã chọn duyệt mẫu tượng Bác Hồ, cùng phù điêu các dân tộc Tây Nguyên. Sau hơn 2 năm dồn hết tâm sức chuẩn bị và xây dựng, hôm nay, tại Quảng trường Đại đoàn kết của thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khánh thành. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và nhân văn tiêu biểu của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, và là niềm vui chung của tất cả chúng ta.

Tổng bí thư tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và khai thác công trình tượng đài Bác một cách hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết của Tây Nguyên bất khuất, của Việt Nam văn hiến và anh hùng. Chúng ta nguyện mãi mãi noi theo gương Bác; làm theo lời Bác, đi con đường Bác đã vạch ra, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước bạn bè trên thế giới.

Công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được khởi công xây dựng ngày 3.10.2010, nằm trong quần thể kiến trúc có diện tích 12,5ha. Phần mỹ thuật của công trình gồm: Tượng Bác, Phù điêu, Tháp đá Bazan; Thạch thư Bác Hồ và Dàn cồng chiêng Tây Nguyên.

Tượng Bác được làm bằng chất liệu đồng nguyên chất, dày 5 ly theo công nghệ ép tạo hình và hàn, công nghệ mới lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta. Tượng cao 10,8m, trọng lượng 16 tấn với khung xương tượng làm bằng thép không gỉ, cường độ cao. Bệ tượng cao 4,5m bằng đá xanh tự nhiên, có khối lượng 95m3. Phía sau Tượng Bác là bức Phù điêu với điểm cao nhất là 11m, rộng 58m, diện tích 600m2, bằng chất liệu đá tự nhiên, trọng lượng trên 1.000 tấn, được đặt trên bệ cao 1,5m. Phía trước bên phải Quảng trường Đại đoàn kết là Tháp đá bazan có chiều cao 12m, gồm 54 trụ đá bazan tự nhiên, biểu tượng đại đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Phía trước bên trái Quảng trường là Thạch thư Bác Hồ bằng tảng đá granite rộng 3m, cao 4m, dày 2,5m, mặt trước khắc Thư Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku ngày 19.4.1946. Hai bên sân lễ đài là hai dàn cồng chiêng gồm các chiêng bằng, chiêng núm – biểu tượng của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản phi vật thể của nhân loại.

+ Trước đó, chiều cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghe Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hà Sơn Nhin báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn và công tác chuẩn bị cho Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.

Nhật Khánh