Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu sáng kiến của nhân dân

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:02 - Chia sẻ
Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng được chính thức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân từ hôm nay, 20.10. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để nhân dân đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng đất nước. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS. TS. Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, mọi đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực. Vì vậy, quá trình xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Tại tọa đàm trực tuyến Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng chia sẻ về nhiều điểm mới của dự thảo Văn kiện. Theo GS. TS. Phùng Hữu Phú, “những điểm nhấn, điểm mới này không phải do Bộ Chính trị, Trung ương nghĩ ra, không phải do anh em trong tổ biên tập nghĩ ra, mà là sản phẩm của đòi hỏi khách quan. Tức là bây giờ, thời cuộc thay đổi rất nhanh, đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta phải tiếp cận để tồn tại, phát triển, nếu không muốn tụt hậu”.

Dự thảo Văn kiện lần này đã kế thừa được sự sáng tạo vĩ đại của nhân dân qua 30 năm đổi mới, tiếp cận được xu thế của thời đại, kinh nghiệm thành công của các nước. Nhấn mạnh điều này, ông Phùng Hữu Phú mong muốn, khi dự thảo Văn kiện được công bố, nhân dân, các nhà khoa học sẽ đóng góp thêm, xem những cái mới đã đúng chưa, đã phù hợp chưa, phải bổ sung gì, điều chỉnh gì?

Nêu 5 quan điểm chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian tới, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Cao Viết Sinh cho biết, bên cạnh việc kế thừa quan điểm còn phù hợp của Chiến lược 10 năm trước, thì điểm mới là chúng ta đưa ra quan điểm phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vì chuyển đổi số và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư là rất mới, tạo cơ hội cho Việt Nam có thể đi nhanh hơn so với các nước.

Cùng với đó là quan điểm lấy cải cách nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm mục tiêu để phấn đấu. Ở đây chất lượng thể chế rất quan trọng, đặc biệt nữa là chất lượng tổ chức thực thi pháp luật. Chúng ta hay nói rằng, “chủ trương rất hay nhưng thực thi có vấn đề”. Lần này, trong quan điểm phát triển phải bảo đảm về pháp luật, nhưng tổ chức thực hiện pháp luật trong thực tế là cốt lõi, ông Cao Viết Sinh cho biết. 

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước cũng là vấn đề rất mới, trước đây chưa được đề cập. Ông Phùng Hữu Phú cho rằng, khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần, song lại có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua đói nghèo, lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc. Cho nên lần này phải nhấn mạnh nội dung khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS. TS. Nguyễn Viết Thông nêu rõ, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng dành hai mục lớn, một về văn hóa, con người và một về xã hội. Trong đó, văn hóa có những điểm mới nổi bật: 

Một là, tập trung nghiên cứu xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia và chuẩn mực con người gắn với phát triển gia đình Việt Nam trong thời đại mới. Lần đầu tiên trong văn kiện trình Đại hội Đảng chúng ta đề cập vấn đề phải tập trung xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đất nước ta mấy nghìn năm lịch sử, có nhiều giá trị phải được tổng kết và xây dựng. Hai là, phải có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự xuống cấp về lối sống, đạo đức. Ba là, nhấn mạnh hơn phát triển công nghiệp văn hóa. Nhiều nước trên thế giới có nền công nghiệp văn hóa phát triển rất mạnh, nước ta dù đã đề ra tại các Đại hội trước nhưng triển khai trên thực tế chưa được bao nhiêu.

Trong dự thảo Văn kiện lần này, nhiệm vụ quan trọng cần triển khai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm là ngành công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, ông Nguyễn Viết Thông nói.

Nhân dân thụ hưởng

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng không chỉ nhấn mạnh phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mà còn bổ sung yếu tố dân giám sát. Theo GS. TS. Phùng Hữu Phú, cần nhấn mạnh vấn đề dân giám sát bởi dân giám sát tốt thì khắc phục được nhiều yếu kém. Đơn cử trong phòng, chống tham nhũng, dân biết hết, không ai hiểu bằng dân về việc đồng chí này có bao nhiêu đất, có bao nhiêu nhà, sinh hoạt ra sao... Nếu có cơ chế để dân giám sát hiệu quả thì sẽ phòng, ngừa được những hạn chế, tham nhũng, tiêu cực của bộ máy, cán bộ, công chức. 

Đặc biệt, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng bổ sung quan điểm nhân dân thụ hưởng. Nếu như thời kỳ chiến tranh, chúng ta đặt cao lợi ích dân tộc, thà hy sinh tất cả, đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì khi hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, nhất là khi thực hiện kinh tế thị trường, lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng, lợi ích cá nhân phải hài hòa. Nhân dân phải được thụ hưởng. Đây là động lực, nếu dân làm, dân kiểm tra, giám sát mà không được thụ hưởng thì cũng vô nghĩa. "Thêm 4 chữ thôi mà rất quan trọng", ông Phùng Hữu Phú nhấn mạnh. 

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông bổ sung, sau khi giành độc lập, Bác Hồ có nói, giành độc lập, tự do mà dân vẫn đói, vẫn khổ thì giành độc lập, tự do làm gì? Như vậy, để thấy rằng, sau khi giành được hòa bình, chúng ta mang lại gì cho nhân dân. Và yếu tố hạnh phúc được nhấn mạnh như thế nào trong thực tế. Điển hình như chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta hướng tới đích đến trực tiếp là người dân, dân làm, dân thụ hưởng. Như vậy, hiệu quả rất tốt.

Hôm nay, 20.10, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính thức được xin ý kiến nhân dân. GS. TS. Phùng Hữu Phú chia sẻ, quá trình xây dựng dự thảo các văn kiện đã kết hợp ở cả hai nguồn: Một là, tổng kết thực tiễn. Chúng ta tiến hành tổng kết nghiêm túc 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Tổng kết thực hiện Cương lĩnh là tổng kết các sáng kiến trong lao động sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân ta.

Hai là, xin ý kiến của Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, đảng bộ cấp quận, huyện, tỉnh, thành và tương đương. Các cấp ủy đảng cũng là nơi tập hợp, phản ánh nguyện vọng của nhân dân. Lần này, sau khi đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, Trung ương cho hoàn thiện một bước dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và công bố rộng rãi để xin ý kiến toàn dân.

Như thế để thấy rằng, quá trình xây dựng Nghị quyết của Đại hội, các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Bởi đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực.

Anh Thảo