Tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục

- Thứ Ba, 28/12/2021, 06:17 - Chia sẻ
Ngoài việc giảm chi phí gia nhập thị trường, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính; thanh kiểm tra, chi phí không chính thức và mức độ minh bạch của môi trường kinh doanh, thì việc chính quyền tiếp nhận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc như thế nào cũng góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Báo cáo Nghiên cứu giải pháp cắt giảm gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự linh hoạt và năng động của chính quyền các tỉnh, thành phố trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2020 có 81% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, tăng so với mức 73,6% của năm 2015.

Đây cũng là con số cao nhất trong 15 năm VCCI tiến hành điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Có 72% doanh nghiệp nhận thấy “UBND tỉnh/thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, cao nhất kể từ năm 2006. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết tỉnh trì hoãn thực hiện, xin chỉ đạo từ Trung ương hoặc không làm gì cả khi có vấn đề mới phát sinh cũng chỉ còn 26% năm 2020, con số thấp nhất kể từ khi VCCI bắt đầu thu thập thông tin về chỉ tiêu này vào năm 2013. Khoảng 50% doanh nghiệp nhận thấy thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân, dù sụt giảm so với năm 2019, song vẫn giữ được xu hướng tăng từ năm 2015 tới nay.

Cùng với những đánh giá chung về chính quyền, doanh nghiệp cũng đã đánh giá cụ thể về việc chính quyền địa phương tiếp nhận, giải quyết các vướng mắc và khó khăn cụ thể của doanh nghiệp như thế nào. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp có vướng mắc, kiến nghị được trả lời năm 2020 lên tới 94,9%, tiếp tục duy trì ở mức cao; có tới 74% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (năm 2017 là 67%). Có 80% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn đã phản ánh, cao hơn đáng kể so với mức 77% của năm 2017.

Báo cáo cũng cho thấy, một số ngành như sản xuất xe có động cơ, sản xuất cao su, nhựa và dệt có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá cao nhất. Những địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp cao nhất là Đồng Tháp, Gia Lai và Tây Ninh.

Từ thực tế này, để góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật, các bộ ngành cần tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục liên quan tới nhiều bộ, ngành; đồng thời phát huy hiệu quả của các Trung tâm hành chính công và đẩy nhanh việc áp dụng giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp phát sinh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng như các cổng dịch vụ công.

Nguyễn Minh