Pháp luật một số nước về Quản lý rác thải

Tối đa hóa giá trị của phế thải

- Chủ Nhật, 01/11/2020, 08:47 - Chia sẻ
Theo dữ liệu của Eurostat, trung bình mỗi công dân EU tạo ra 489kg rác thải vào năm 2018, tương ứng với tổng số lượng là 251 triệu tấn. Trong đó, chất thải rắn đô thị chỉ chiếm 10% con số trên. Tuy nhiên, đây là chủ đề mang tính chính trị cao ở EU vì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý, thu gom, và là vấn đề nhạy cảm về tài chính vì đòi hỏi các khoản đầu tư công lớn.

Chú trọng khung pháp lý

Trong bối cảnh đó, EU đã thông qua nhiều luật trong suốt hai thập kỷ qua, nhằm giảm tác động phát sinh rác thải bằng cách chuyển quản lý chất thải rắn đô thị từ xử lý chất thải sang chuẩn bị chất thải để tái sử dụng và tái chế.

Trong một loạt luật đã được thông qua, 4 chỉ thị đã xác định mục tiêu cụ thể và thách thức cho việc thu gom và quản lý chất thải rắn đô thị. Chẳng hạn Chỉ thị về chôn lấp năm 1999, được xây dựng nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực của việc chôn lấp chất thải đối với môi trường và sức khỏe con người, giới hạn ở mức 10% lượng chất thải rắn đô thị có thể được chôn lấp từ năm 2035 trở đi. Năm 2008, phiên bản sửa đổi của Chỉ thị Khung về chất thải “đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường và sức khỏe bằng cách ngăn ngừa hoặc giảm thiểu việc phát sinh chất thải” cùng các tác động tiêu cực của nó. Ví dụ, văn bản này quy định việc thu gom riêng các vật liệu phế thải cụ thể, đồng thời đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về tái chế rác thải đô thị trong nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Gần đây hơn, vào năm 2018, Chỉ thị về nhựa sử dụng một lần, vốn bắt nguồn từ Chiến lược về nhựa của Ủy ban châu Âu, dự định giảm rác thải trên biển. Cùng năm đó, Chỉ thị về bao bì và rác thải bao bì sửa đổi đi vào cuộc sống nhằm ngăn chặn việc tạo ra chất thải bao bì và tác động đến môi trường của nó, thúc đẩy tái chế hơn nữa thông qua nhiều mục tiêu tái chế khác nhau tùy thuộc vào vật liệu đóng gói. Vẫn trong năm 2018, Ủy ban châu Âu còn thông qua Gói Kinh tế tuần hoàn nhằm đẩy nhanh và tiếp tục quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn. Nhiều mục tiêu mới đã được đưa ra như: tái chế rác thải đô thị đạt 60% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; giảm tỷ lệ rác chôn lấp xuống còn 25% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030. Do đó, châu lục này tìm cách tối đa hóa giá trị của các vật liệu phế thải, giảm thiểu tiêu thụ vật liệu và tài nguyên, đồng thời ngăn ngừa phát sinh chất thải.

Nguồn: ITN 

Hệ thống quản trị nhiều cấp

Mặc dù có sự đa dạng về thiết lập thể chế trên khắp châu Âu, hầu hết các quốc gia đều có xu hướng có hệ thống quản trị ba cấp hoặc bốn cấp trong lĩnh vực chất thải của mình. Thật vậy, mặc dù dịch vụ xử lý rác thải đô thị là dịch vụ công của địa phương, lĩnh vực này liên quan đến nhiều bên liên quan ở nhiều cấp độ. Ở cấp siêu quốc gia, EU thông qua các Chỉ thị và Chiến lược, trong đó đặt ra mục tiêu pháp lý ràng buộc cho các thành viên. Liên minh lá cờ xanh cũng cung cấp các khoản tài trợ đầu tư thông qua một số chương trình hỗ trợ tài chính. Một số tổ chức tài chính châu Âu như Ngân hàng Đầu tư châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng tài trợ cho nhiều dự án xử lý rác thải đô thị ở các nước thành viên EU. Trong khi đó, ở cấp quốc gia, một bộ chủ quản và/hoặc một cơ quan quốc gia hoặc hội đồng quản trị chịu trách nhiệm hoạch định, thực thi chính sách và đôi khi là cấp vốn. Đơn vị chủ quản này tham vấn với các cơ quan quốc gia có liên quan khác, chẳng hạn như các bộ kinh tế, y tế, nông nghiệp, môi trường… Đối với những quốc gia theo hệ thống liên bang, chính quyền cấp khu vực thường phụ trách các chức năng đó, thông qua bộ quản lý khu vực hoặc cơ quan khu vực. Tuy nhiên, ngay cả trong các hệ thống chính trị đơn nguyên, chính quyền khu vực cũng có xu hướng đóng vai trò quan trọng trong chính sách quản lý rác thải cũng như vấn đề quy hoạch và tài chính cho lĩnh vực này. Ở cấp địa phương, các thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các cơ quan liên thành phố chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ cho người sử dụng thông qua các ban, ngành thành phố, các công ty quản lý chất thải thuộc sở hữu của thành phố hoặc bằng cách thuê các nhà cung cấp ngoài (thường là tư nhân) thông qua mua sắm công. Ở một số quốc gia, các cơ quan quản lý đã được thành lập để giám sát chất lượng và thuế quan về dịch vụ xử lý rác thải. Theo dữ liệu năm 2018 của Eurostat, có khoảng 47.700 nhà xử lý chất thải (nhà nước và tư nhân) ở EU28 (lúc đó nước Anh chưa rời EU), chiếm doanh thu hàng năm là 184 tỷ euro.

Tại châu Âu, có nhiều nguồn tài chính giành cho quản lý chất thải rắn đô thị. Chúng có thể bắt nguồn từ việc thu phí người sử dụng, từ quỹ công (được đóng góp nhờ thuế) từ ngân sách địa phương, khu vực hoặc quốc gia, từ các khoản tài trợ của EU hoặc các thể chế tài chính châu Âu. Ngoài ra, một số quỹ có thể lấy từ các nhà sản xuất như là một phần của chương trình trách nhiệm đối với các nhà sản xuất châu Âu (EPR). Chương trình EPR, được áp dụng cho bốn dòng chất thải bắt buộc (bao gồm pin và ắc quy, rác thải điện và điện tử, xe hết tuổi thọ và bao bì), đã được thiết lập ở tất cả các quốc gia thành viên EU. Mức độ thu hồi chi phí của các chương trình EPR khác nhau rất nhiều ở mỗi nước. Tối đa, họ thu hồi tất cả các chi phí ròng liên quan đến việc quản lý chất thải được thu gom riêng. Các chi phí ròng này bao gồm chi phí thu gom và xử lý, trừ đi doanh thu từ việc bán các vật liệu thu hồi và chi phí hành chính, báo cáo, liên lạc liên quan đến việc vận hành các chương trình tập thể.

Ngọc Minh