Tọa đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc phát huy sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư”

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 12:30 - Chia sẻ
Thời gian qua, hệ thống các tuyến đường bộ cao tốc ở Việt Nam đã có sự phát triển và lớn mạnh không ngừng. Theo đó, các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh-quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong đó, các tuyến cao tốc đã tác động rõ nét đến thu hút đầu tư, nhất là các địa phương ven tuyến đường cao tốc đi qua…

Chính vì hiệu quả và lợi ích to lớn mà các tuyến đường cao tốc mang lại nên ngày 1.9.2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến cao tốc trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả. Theo đó, quy hoạch đã đặt mục tiêu đến năm 2030, có thể đưa vào khai thác khoảng hơn 5.000km đường cao tốc và đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Tính đến tháng 12.2020, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đã được đưa vào vận hành khai thác là trên 1.163 km, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng trên cả nước là khoảng 911 km.

Như vậy, để hoàn thành mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc trong cả nước đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác, đến năm 2030 cần phải hoàn thành thêm khoảng 2.926 km đường cao tốc.

Chính vì vậy, nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ cao tốc là rất lớn. Cụ thể, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg thì nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ, bao gồm cả hệ thống cao tốc và hệ thống quốc lộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng. Riêng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông nối từ Hà Nội đến Cần Thơ cần huy động tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng.

Qua thực tế từ việc triển khai các dự án đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công và theo hình thức PPP cũng như xem xét khả năng tài trợ vốn của các nhà tài trợ quốc tế cho thấy, với mô hình đầu tư theo hình thức PPP, nhà đầu tư tư nhân tự bỏ vốn và được thu hồi vốn trong một thời gian nhất định rồi trả lại cho nhà nước quản lý. Đây là mô hình có ưu thế về giảm sử dụng vốn ngân sách, nhưng năng lực về vốn, kinh nghiệm khi bắt tay vào làm như một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thì Quốc hội đã phải quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư 5 dự án thành phần sang đầu tư công. Đó là chưa nói đến nếu dự án sau khi hoàn thành, đi vào sử dụng và đến hết thời gian khai thác hoàn vốn và phải trả lại cho nhà nước thì công tác duy tu, bảo trì để đảm bảo chất lượng cho tuyến đường là những vấn đề cần phải đặt ra. 

Hình thức mô hình đầu tư công, như mô hình các Ban quản lý dự án (PMU) - là đại diện cho chủ đầu tư, làm đầu mối thu xếp vốn, thực hiện công tác quản lý đầu tư dự án và không có chức năng kinh doanh. Bản chất mô hình này là dùng tiền ngân sách để đầu tư nên khả năng bố trí vốn ngân sách cho các dự án này sẽ có nhiều khó khăn, bởi ngân sách nhà nước còn ưu tiên để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Hình thức mô hình đầu tư Tổng công ty nhà nước là hạt nhân để phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tương tự như tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Về bản chất mô hình hoạt động này là Nhà nước thông qua doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác, thu phí hoàn vốn các tuyến đường cao tốc quốc gia. Theo đó, việc huy động vốn đầu tư một phần do doanh nghiệp Nhà nước huy động và một phần do Nhà nước đầu tư vào các dự án. Trong quá trình thực hiện, phần vốn do Nhà nước tham gia đầu tư vào dự án được chuyển thành vốn điều lệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp Nhà nước tổ chức thu phí hoàn vốn phần vốn do Doanh nghiệp huy động, sau đó tiếp tục thu phí hoàn vốn phần vốn Nhà nước đầu tư để đầu tư phát triển các dự án đường cao tốc mới. Vốn điều lệ của Tổng công ty đường cao tốc tăng dần theo quy mô phát triển mạng lưới đường cao tốc. Với mô hình này, đến nay các Tổng công ty đường cao tốc tại Hàn Quốc, Nhật Bản đã đầu tư và đang quản lý khai thác gần 90% mạng đường cao tốc quốc gia.

Với chủ đề “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc phát huy sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư”, Báo Đại biểu Nhân dân mong muốn Tọa đàm từ chia sẻ ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đánh giá những thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc trong các mô hình đầu tư để phát triển các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam. Qua đó, đưa ra được các giải pháp để tháo gỡ và phát huy hiệu quả nhằm xây dựng các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam ngày càng vươn xa xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong cuộc sống để phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng...

Chương trình Tọa đàm sẽ diễn ra vào hồi 9h00, Chủ nhật ngày 7.11.2021, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, số 35 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngay từ bây giờ độc giả có thể gửi câu hỏi cho các khách mời tham gia chương trình Tọa đàm qua hòm thư điện tử: baodientudbnd@gmail.com

Bảo Ngân