Tọa đàm “Phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá”

- Thứ Năm, 23/12/2021, 18:40 - Chia sẻ
Theo thống kê cho thấy, tại Việt Nam, có khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm, tức là hơn 100 người chết liên quan đến thuốc lá mỗi ngày. Từ thực tế trên, yêu cầu cấp thiết là cần có biện pháp đủ mạnh để giảm thiểu những tác hại không mong muốn từ thuốc lá.
Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim chụp ảnh cùng các khách mời tham gia buổi tọa đàm

Các tổ chức công đoàn với khoảng 10 triệu đoàn viên, công chức, viên chức lao động được xem là lực lượng có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại thuốc lá. Sự vào cuộc tích cực của tổ chức công đoàn sẽ nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, hạn chế phát sinh người hút thuốc mới, bảo đảm quyền của người lao động là được sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc.

Chương trình Tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò tổ chức công đoàn trong thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý nhằm phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Luật trong thực tiễn cuộc sống. 

Khách mời tham gia Tọa đàm có:

- Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội;

- Ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Văn phòng Quốc hội;

- Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Y tế;

- Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Quang cảnh buổi tọa đàm

(23/12/2021 15:08)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế…

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh: Từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời và có hiệu lực (2013), đến nay, nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp… đã thực hiện nhiều giải pháp để đưa luật vào cuộc sống, như: đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động; phát động phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, bệnh viện, trường học không khói thuốc..., ký cam kết thi đua trong cơ quan đơn vị thực hiện môi trường không khói thuốc. Theo đó, nhiều nơi đã xây dựng được môi trường không khói thuốc lá, tỷ lệ người hút thuốc lá có xu hướng giảm xuống. 

Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tuy nhiên, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ý thức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa cao nên tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại một số nơi làm việc và nơi công cộng còn diễn ra. 

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên tất cả đã có quy định pháp luật và xử lý theo pháp luật nếu vi phạm. Cùng với đó việc hút thuốc lá liên quan đến vấn đề sức khỏe của cá nhân và cộng đồng, liên quan đến văn hóa công sở và ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, để công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả rất cần sự vào cuộc của các tổ chức - đoàn thể, trong đó có tổ chức công đoàn. Thực tế, trong những năm qua, tổ chức công đoàn nhiều nơi, trong đó có công đoàn cơ quan VPQH đã vào cuộc rất mạnh mẽ, bằng nhiều hình thức khác nhau với mục đích thực hiện môi trường làm việc trong lành, không khói thuốc lá. 

Trên tinh thần đó, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức buổi tọa đàm hôm nay Tọa đàm mong muốn nhận được các ý kiến chia sẻ của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý về vai trò của các tổ chức công đoàn trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Luật trong thực tiễn cuộc sống.

(23/12/2021 15:15)

Thực trạng triển khai Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Sau hơn 7 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, quá trình triển khai Luật trong cuộc sống vẫn còn nhiều bất cập, trong đó có việc vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Người có thẩm quyền xử phạt ít trong khi người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng. Công tác tuyên truyền và vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá triển khai chưa đồng đều, chưa thực chất…

(23/12/2021 15:25)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: với vai trò Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội, ông chia sẻ việc Cơ quan Văn phòng Quốc hội đã triển khai thực hiện quy định này của Luật như thế nào? Quá trình thực hiện quy định có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội:

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Hoàng Anh chia sẻ tại Tọa đàm

Ngay từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã chủ động, phối hợp với các cấp ủy đảng thuộc Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội triển khai luật với hàng loạt nội dung và các giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, có 5 điểm nổi bật rõ đối với việc triển khai luật.

Thứ nhất, Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức của đoàn viên công đoàn, cán bộ, viên chức, người lao động. Chính các đoàn viên là hạt nhân nòng cốt trong việc triển khai luật. Minh chứng rõ nét là ngay tại buổi tọa đàm hôm nay cũng là hoạt động cụ thể trong truyền thông của Công đoàn Văn phòng Quốc hội.

Thứ hai, Công đoàn Văn phòng Quốc hội phối hợp với đơn vị, cấp ủy đảng tạo điều kiện động viên, giao nhiệm vụ cho công đoàn cơ quan, đặc biệt là những bộ phận liên quan trực tiếp để tham mưu giúp việc, phục vụ cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực thi luật cũng như giám sát việc hoạt động và sử dụng Quỹ phòng, chống thuốc lá. Những năm qua, việc giám sát này được các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân đánh giá rất tốt, chỉ ra những tồn tại cũng như tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi luật cũng như triển khai tổ chức thực hiện được tốt hơn.

Thứ ba, Công đoàn Văn phòng Quốc hội quy định và lập khu vực hút thuốc riêng dành cho những người hút thuốc. Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có quy định vị trí cụ thể, khu vực này được thiết lập và giám sát các đoàn viên công đoàn hút thuốc đúng nơi quy định.

Thứ tư, bằng chức năng nhiệm vụ của mình, Công đoàn Văn phòng Quốc hội phối hợp với các chủ thể khác để phát động phong trào "Công đoàn cơ sở không khói thuốc lá" với tiêu chí để tổng kết, đánh giá, thi đua khen thưởng kịp thời cho những cá nhận thực hiện tốt, cụ thể theo từng năm, từng đợt thi đua. Qua quá trình phát động, tổng kết thi đua đã nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện luật. Cách đây vài tháng, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã tổng kết, đúc rút, triển khai phong trào xây dựng cơ quan sáng - xanh - sạch - đẹp, trong đó có các tiêu chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ năm, ý thức của mỗi đoàn viên công đoàn rất quan trọng. Đặc biệt, ý thức cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, cán bộ công đoàn sẽ có tác dụng lan tỏa khi những cá nhân đứng đầu gương mẫu, thực hiện tốt. 

Tuy nhiên, Công đoàn Văn phòng Quốc hội cũng gặp một số khó khăn như tính chất công việc của cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội rất áp lực trong công tác tham mưu, phực vụ, giúp việc cho Quốc hội, cơ quan Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Đơn cử như thời gian vừa qua, dịch Covid-19 tác động lớn, tạo áp lực đến cơ quan Văn phòng Quốc hội, các đoàn viên công đoàn làm việc ngày lẫn đêm. Khi áp lực công việc nhiều, thói quen sử dụng thuốc lá sẽ tăng lên, khó khăn trong việc giảm sử dụng thuốc lá. Chúng tôi đã cố gắng định  hướng cho các đoàn viên công đoàn chưa bỏ được thuốc lá thì phải hút thuốc đúng nơi quy định.

Thời gian qua, có một số loại thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nóng… chưa được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Công đoàn Văn phòng Quốc hội cũng tìm hiểu, tuyên truyền đưa ra những quy định phù hợp để phòng, chống tác hại của những loại thuốc mới này.

(23/12/2021 15:39)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá (Điều 14). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này dường như chưa được thực hiện, bởi người đứng đầu còn “bận trăm công nghìn việc”. Từ góc độ người làm chính sách, từ thực tế triển khai ở Bộ Y tế, thưa bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Có thể nói, các quy định của pháp luật hiện nay đều muốn hướng tới quyền và trách nhiệm của người đứng đầu. Việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng liên quan đến trách nhiệm và quyền của người đứng đầu, người quản lý. Vậy tại sao luật lại đưa ra quy định này và trên thực tế nó sẽ có tác dụng gì trong tổ chức triển khai?

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang chia sẻ tại Tọa đàm

Ở cơ quan, đơn vị hay bộ, ngành, địa phương nào mà người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo các hoạt động từ khâu quản lý nhà nước cho đến tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mà có sự quyết liệt, quyết tâm chỉ đạo sát sao thì đều hiệu quả. Do vậy, trách nhiệm của người đứng đầu bao giờ cũng là trách nhiệm đầu tiên. Tất nhiên, không phải việc gì cũng dồn vào người đứng đầu kiểu “trăm dâu đổ đầu tằm” nhưng trên cơ sở quy định trách nhiệm, người đứng đầu sẽ phải phân công nhiệm vụ giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân từng nhiệm vụ cụ thể để triển khai.

Từ góc độ thực tiễn thì đây là quy định cần thiết. Ví dụ như, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam những năm qua rất nhiệt tình vào cuộc. Thời điểm nào cũng có đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn được giao phụ trách công tác này. Và công tác thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai sâu rộng đến tất cả các đoàn thể, các cơ quan công đoàn của các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức.

Một thực tế thứ hai là từ điểm sáng cơ quan Văn phòng Quốc hội. Khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bắt đầu đi vào có hiệu lực, cơ quan Văn phòng Quốc hội cũng đã có cam kết thực hiện. Có thể thấy công tác triển khai, phân công công việc, phân công trách nghiệm và khởi xướng của người đứng đầu rất hiệu quả.

Đây cũng là một thiết chế mà theo tôi là có cơ sở về quyền, trách nhiệm để chúng ta có thể kiểm tra, giám sát được. Tôi lấy ví dụ từ công tác xử phạt cũng thế, rõ ràng là xử phạt cá nhân những người mà vi phạm quy định tại địa điểm cấm hút thuốc lá thì rất khó. Nhiều năm qua cũng hầu như chưa xử phạt được thế nhưng nếu xử phạt người đứng đầu địa điểm đấy thì lại hoàn toàn có thể.

Số liệu thống kê của chúng tôi là trong hơn 5 năm triển khai luật xử phạt trên 100 trường hợp người đứng đầu địa điểm là không tuân thủ quy định. Và như thế thì do quyền gắn với trách nhiệm cho nên là thiết chế tăng cường trách nhiệm với người đứng đầu là hiệu quả. Đây cũng là điểm mà trong thời gian tới chúng ta phải tăng cường hơn, gắn với thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu. Từ đó đánh giá xem các cơ quan, đơn vị có triển khai không, có phân công cơ quan, tổ chức, cá nhân để đảm trách công việc này không và có đưa vào nội quy, quy chế, có gắn với khen thưởng, với các chế tài đánh giá thi đua, đánh giá việc tuân thủ nội quy, quy chế cuối năm hay không?

Nếu chúng ta tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì vai trò của người đứng đầu sẽ được phát huy và từ đó góp phần cho luật và quy định người hút thuốc lá ở các địa điểm công cộng đi vào thực chất và được triển khai có hiệu quả.

(23/12/2021 15:54)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Thưa PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, từ thực tế công tác, ông đánh giá như thế nào về nhận thức của người dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về tác hại của thuốc lá cũng như các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá? Việc triển khai các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thực sự hiệu quả trên thực tế chưa, thưa ông?

Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Y tế:

Trước hết, tôi xin thay mặt các cơ quan thường trực về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc Bộ Y tế cảm ơn Báo Đại biểu Nhân dân, Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi Tọa đàm này.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Y tế; Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ tại Tọa đàm

Sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội Khóa XIII thông qua ngày 18.6.2012 đã tạo nên sự thay đổi mô hình bệnh tật của Việt Nam. Đó là một mô hình “bệnh tật kép”. Bên cạnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS-CoV-1, SARS-CoV-2 và những bệnh truyền nhiễm khác thì chúng ta đang phải đối mặt với mô hình bệnh như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, ung thư, xơ vữa động mạch… mà theo các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, nguyên nhân chính của các bệnh này là do tác hại từ thuốc lá.

Theo thống kê cho thấy, tại các bệnh viện của Việt Nam có tới 70 đến 75 % tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, không lây này. Thực tế, các bệnh viện về tim mạch, khám và điều trị ung thư, về hô hấp phổi… đều trong tình trạng quá tải. Nên việc ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã thể hiện tính nhân văn, tiến bộ. Từ đó thì đã lan tỏa tính tích cực và cho chúng ta thấy rất nhiều các nhóm giải pháp, quy định luật, quy trình thực thi và sự nỗ lực của cả cộng đồng trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Điều đó được thể hiện rõ qua các khía cạnh như:

Thứ nhất, chúng ta hiện nay có một mạng lưới 63/63 tỉnh, thành đã có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá và 32 cơ quan Chính phủ, Quốc hội và các Bộ, ban, ngành có các Ban chỉ đạo. Cùng với đó là sự cuộc rất quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan báo chí, truyền thông.

Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố có Phó Chủ tịch là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, các đơn vị đoàn, đội, hội cũng tham gia, phối hợp để triển khai công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đây là một hệ thống mạng lưới phòng, chống thuốc lá nhằm thực thi hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mà Quốc hội đã thông qua.

Thứ hai, chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật, Nghị định của Chính phủ và chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là những văn bản thông tư dưới luật. Ví dụ trước kia trên bao thuốc lá có chữ hút thuốc lá có hại cho sức khỏe rất nhỏ, nhưng bây giờ đã có thông tư hướng dẫn cảnh báo sức khỏe và yêu cầu in cả hình ảnh cảnh báo có diện tích chiếm 1/2 bao thuốc nhằm giúp người dùng nhận rõ tác hại của việc hút thuốc lá. Trước kia mọi người có thể vô tư mua một bao thuốc lá nhưng khi trông thấy những hình ảnh ung thư, hình ảnh sảy thai, đẻ non, đột quỵ… người mua cũng ngần ngại và suy nghĩ nhiều hơn về tác hại của thuốc lá. Điều này thể hiện rõ vai trò, hiệu quả của công tác truyền thông.

Mặt khác, hiện Việt Nam đã có rất nhiều những văn bản hướng dẫn thực thi các quy định của luật, trong đó cả những vấn đề về chế tài xử phạt... Hay như Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Định kỳ 02 năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ. Từ đó, ghi nhận các ý kiến đóng góp triển khai hiệu quả hơn công tác thực thi luật.

Thứ ba, năm 2020, theo thống kê tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy 95,5% người trưởng thành và hiểu biết hút thuốc lá. 96% người trưởng thành hiểu hút thuốc lá gây ung thư phổi, hơn 80% người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá thụ động gây bệnh nguy hiểm, 60,2% dân số biết về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thống kê cũng cho thấy năm 2000, nam giới tuổi trưởng thành Việt Nam có tỷ lệ hút thuốc là 54,4%, đến năm 2015, đã giảm xuống còn 49,4% và hiện nay là giảm xuống còn 42,3%. Đối với nữ giới của chúng ta trước kia là hơn 2%, nay đã giảm còn 1,2%... Đây là những kết quả đáng mừng trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thực tế, tại các cuộc họp, bến cảng, bến tàu, sân bay… hình ảnh người hút thuốc lá đã không còn. Đặc biệt là những lề thói như: đám cưới, đám hỏi chủ nhà đem thuốc đi mời khách còn rất ít.

Chúng ta cũng đã thay đổi được thói qun hút thuốc lá và xây dựng một nếp sống văn minh. Tại nhiều thành phố du lịch đã xây dựng được một thương hiệu thành phố không khói thuốc như: Hạ Long không khói thuốc, Hội An không khói thuốc… Tại Hà Nội, chúng ta cũng đang xây dựng thương hiệu Văn Miếu, Bờ Hồ không khói thuốc…

Bên cạnh đó, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ... chúng tôi hưởng ứng tích cực phong trào Tổ ấm không khói thuốc,  các bà mẹ, những người chị, người em, người yêu khuyên chồng con, người thân yêu bỏ thuốc lá…. Những hoạt động đó đã có tác động tích cực đến thế hệ trẻ hạn chế việc hút thuốc lá.

Một loạt các văn bản pháp quy hướng dẫn các môi trường không khói thuốc như: cơ sở y tế không khói thuốc; trường học không khói thuốc và hướng dẫn công đoàn không khói thuốc … Tất cả những cuốn sách hướng dẫn này đã dần đi vào cuộc sống. Năm 2020, chúng ta đã triển khai rất mạnh việc xây dựng nhà hàng, khách sạn không khói thuốc… Điều này đã tạo ra một hình ảnh Việt Nam đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.

Hút thuốc là quyền của mỗi người. Nhưng sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người. Mỗi con người là một tế bào của xã hội, vì vậy mỗi tế bào khoẻ thì xã hội mới khoẻ. Để thực hiện được mục tiêu một xã hội khoẻ mạnh, không khói thuốc thì vẫn cần trách nhiệm đóng góp của mỗi một con người hãy chung tay cùng toàn Đảng, toàn Dân, ngành Y tế…

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Báo Đại biểu Nhân dân- cơ quan truyền thông của Quốc hội và Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội cũng đã tích cực tham gia tuyên truyền, thực hiện việc phòng, chống tác hại của thuốc lá ngay từ những ngày đầu.

Tuy nhiên, để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tiếp tục đi vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn. Mặc dù chúng ta có hệ thống tuyên truyền và có hệ thống cai nghiện, điều trị rộng khắp nhưng tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn cao, hiện nay là 42%. Nhất là vùng nông thôn, gần như hai nam giới ở tuổi trưởng thành có một người hút thuốc. Tiếp đó, chúng ta đã có các chế tài, cơ chế xử phạt và đội ngũ thực thi nhưng để Luật đi vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều những thách thức.

Hiện nay, thuế thuốc lá của Việt Nam vẫn rất thấp. Nếu chúng ta áp dụng các biện pháp tăng thuế đối với thuốc lá sẽ mang lại “lưỡng lợi”, lợi cho ngân sách và lợi cho vấn đề toàn cầu.

Ngoài ra, bên cạnh thuốc lá lậu, thuốc lá phi truyền thống đang có xu hướng tăng lên ở Việt Nam và trên thế giới khiến các cơ quan khó quản lý. Và những người làm công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đa số là kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao….

(23/12/2021 16:10)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Mặc dù công tác phòng chống tác hại của thuốc lá với sự chung tay của rất nhiều cơ quan đơn vị và có chuyển biến tích cực hơn qua từng năm. Tuy nhiên, con số 100 người chết liên quan đến thuốc lá mỗi ngày cho thấy cần có những biện pháp mạnh, cách thức triển khai sâu hơn nữa cho công tác này.  Thưa ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức người dân về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng?

Ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Văn phòng Quốc hội:

Trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thì công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống thuốc lá của vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng. Công tác tuyên truyền này đòi hỏi phải thực hiện thường xuyên, liên tục và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 nhóm đối tượng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Danh Tú chia sẻ tại Tọa đàm

Nhóm đối tượng thứ nhất là những người trực tiếp sử dụng thuốc lá. Rất nhiều người hút thuốc lá biết tác hại của thuốc lá, tuy nhiên nhiều người vẫn sử dụng thuốc lá vì thói quen, do áp lực công việc, do yêu cầu giao tiếp... Vì vậy, công tác tuyên truyền với nhóm đối tượng này nên được triển khai thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức như các buổi nói chuyện chuyên đề về những hậu quả, nguy cơ thuốc lá mang lại với chính sức khỏe của họ, với gia đình, người thân, đồng nghiệp của họ. Tác động vào nhận thức của họ để từng bước hạn chế việc sử dụng thuốc lá, tiến tới từ bỏ được việc sử dụng thuốc lá.

Nhóm đối tượng hai là những người bị ảnh hưởng khói thuốc lá, hút thuốc lá thụ động. Cần nâng cao nhận thức cho nhóm đối tượng này, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên, những người trẻ tuổi, họ sẽ góp phần vào việc tuyên truyền, vận động đối với người sử dụng thuốc lá và hạn chế, tiến tới từ bỏ thuốc lá. Phát huy vai trò của các đối tượng ảnh hưởng bởi khói thuốc lá như vợ, con, đồng nghiệp, đoàn viên công đoàn, đoàn thanh niên...

Nhóm đối tượng thứ ba là cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc hút thuốc lá. Qua công tác tuyên truyền đối với cơ quan, tổ chức có liên quan giúp nhận thức sâu sắc và thực hiện tích cực hơn công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Phát huy tiếng nói, vai trò của tập thể, từ đó tạo áp lực về mặt dư luận, của tập thể đối với người sử dụng thuốc lá để giúp họ từ bỏ thuốc lá.

Theo tôi, cần đồng bộ các biện pháp tuyên truyền tới các nhóm đối tượng trên sẽ góp phần nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá, hạn chế và tiến tới từ bỏ sử dụng thuốc lá.

(23/12/2021 16:20)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Vai trò của tổ chức công đoàn với việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Thời gian qua, rất nhiều địa phương đã tích cực triển khai hưởng ứng phong trào thi đua “Công đoàn cơ sở không khói thuốc lá”. Nhiều tỉnh như Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Nghệ An, Đắk Lắk… là điểm sáng trong công tác này. Theo đó, công đoàn cơ quan, đơn vị, công sở, trường học, cơ sở y tế của các tỉnh đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tổ chức ký cam kết xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, gắn với tiêu chí thi đua của từng cá nhân hàng năm; gắn với việc xét tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

(23/12/2021 16:24)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Thưa PGS. TS Lương Ngọc Khuê, ông kỳ vọng gì trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong tổ chức công đoàn? Có nên gắn mục tiêu cụ thể cho tổ chức công đoàn không?

Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Y tế:

Tôi rất đồng tình và kỳ vọng công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được đẩy mạnh trong tổ chức công đoàn. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực từ tất cả các cơ quan, đoàn, đội, hội,… và mỗi cá nhân. Trong đó, vai trò của công đoàn là hết sức quan trọng bởi công đoàn là tổ chức mà tất cả các thành viên của cơ quan, đơn vị đều tham gia.

Các cơ quan, đơn vị đều có bình xét thi đua thực hiện các các quy định của pháp luật, nội quy quy định của cơ quan, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể đưa các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá vào trong bình xét thi đua của các cá nhân. Điều này sẽ góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần biểu dương, nêu gương những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá và tiếp tục nâng cao giám sát, phê bình các cá nhân không chấp hành nội quy, quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cần thiết có thể có các chế tài xử phạt riêng cho những cá nhân, tổ chức vi phạm. Qua đó, mang lại hiệu quả cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá…

(23/12/2021 16:31)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Được biết, Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã xây dựng mô hình cơ quan không khói thuốc từ nhiều năm qua và thường xuyên tổ chức các Hội nghị tập huấn phòng chống tác hại thuốc lá, ký kết giao ước thi đua xây dựng cơ quan không khói thuốc cho đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn thanh niên cơ quan Văn phòng Quốc hội. Thưa ông Lê Hoàng Anh, việc coi đây là một chỉ tiêu trong xây dựng cơ quan, đơn vị văn hoá đã có tác động thế nào đến đoàn viên, thanh niên Văn phòng Quốc hội?

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội:

Như PGS. Lương Ngọc Khuê chia sẻ, tôi cho rằng việc quy định trong quy chế nội quy cơ quan, đơn vị hay thể hiện thành các tiêu chí cụ thể trong các phong trào do công đoàn thi đua phát động là điều rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, là tiêu chí đó cần được lượng hóa. Chúng ta thấy một tổ chức công đoàn sẽ biết được hiện nay có bao nhiêu người hút thuốc hay công đoàn Văn phòng Quốc hội, có bao nhiêu tổ chức công đoàn đang trực thuộc mình có người hút thuốc. Mục tiêu phấn đấu sẽ lượng hóa là giảm bao nhiêu và kèm theo giải pháp để thực hiện.

Bên cạnh đó, phải cá thể hóa trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân với vai trò, vị trí, nhiệm vụ của mình. Khi đó mới đánh giá, xem xét cụ thể, thấu đáo được. Bởi vì một người sử dụng phòng làm việc của mình với tiêu chuẩn một người một phòng nhưng hút thuốc trong phòng thì khi cá thể hóa, trách nhiệm thuộc về người đó. Nhưng một phòng làm việc có nhiều đoàn viên công đoàn thì ở đó ai chịu trách nhiệm chính? Nếu ở đó không có trưởng phòng, lãnh đạo vụ thì ít ra, cán bộ công đoàn nào đó sẽ chịu trách nhiệm chính hoặc chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính… sẽ chịu trách nhiệm theo thứ bậc hành chính trong hệ thống công vụ. Sau đó đánh giá, xem xét và triển khai các các phong trào cụ thể. Khi đánh giá thi đua, đánh giá xếp loại của công đoàn, đánh giá xếp loại công chức, cán bộ hoặc đánh giá xếp loại đảng viên thì chúng ta mới đánh giá một cách cụ thể, rõ, có minh chứng cho những đánh giá đó. Như thế, mới “tâm phục khẩu phục” được, còn đánh giá chung chung thì rất khó.

Kể cả công tác tuyên truyền như ĐBQH Nguyễn Danh Tú vừa nêu, công việc phải làm thường xuyên liên tục, có trọng tâm trọng điểm nhưng tuyên truyền đó phải được lượng hóa bằng các chỉ số theo dõi đánh giá như thế nào thì cũng cần phải quy định. Nếu không lượng hóa được quy định trong nội quy cơ quan, trong thỏa ước lao động thì đang vi phạm quyền của công dân. Nếu là đảng viên, công chức phải chấp hành chủ trương pháp luật nhà nước, thì đương nhiên trong đó quy định về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được lượng hóa và quy định cụ thể.

Có thể nói, bản thân tổ chức công đoàn phải chủ động, có trách nhiệm đề xuất. Tự mình ban hành quy định thuộc thẩm quyền của mình, phối hợp tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, tổ chức đảng, tổ chức chủ quản để cá thể hóa, lượng hóa để đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên.

(23/12/2021 16:39)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Đa dạng hình thức truyền thông cho đoàn viên, người lao động

Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá cần phải được tiến hành đồng thời, cùng lúc. Để Luật thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống rất cần sự phối hợp của các cơ quan, các cấp, các ngành cũng như các chủ thể có liên quan đã được Luật trao quyền và giao nhiệm vụ. Ngoài việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, công chức, viên chức, người lao động, rất cần sự chủ động, tích cực của các tổ chức công đoàn trong tuyên truyền để Luật triển khai có hiệu quả trong cuộc sống.

(23/12/2021 16:46)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Thưa PGS. TS Lương Ngọc Khuê, hiện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đang hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng phần mềm tiếp nhận phản ánh của người dân về việc thực thi môi trường không khói thuốc. Phần mềm này vừa hỗ trợ cho cơ quan chức năng trong việc giám sát việc thực hiện quy định vừa phát huy vai trò, sức mạnh của cộng đồng để phát hiện các trường hợp vi phạm, thưa ông?

Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ Y tế:

Trong nhiều năm qua, điểm yếu nhất là chế tài xử phạt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, mặc dù vi phạm nhưng cũng chẳng ai phạt. Chúng tôi đã xây dựng phần mềm về tiếp nhận phản ánh của người dân về thực thi luật. Đây là một trong những nhóm giải pháp cần phải triển khai vừa làm, vừa thí điểm. Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm này chúng tôi rất mừng vì có thêm người đồng hành cùng mình.

Mỗi một cơ quan vào cuộc như là một thầy thuốc y tế công cộng. Bởi vì thuốc lá được bán trên thị trường tất nhiều và rất rẻ. Chúng tôi đi tuyên truyền, người dân có hỏi, tại sao nói thuốc lá có hại rất nhiều cho sức khoẻ mà Chính phủ vẫn cho sản xuất thuốc lá,… Rõ ràng, thuốc lá vẫn là ngành công nghiệp, vẫn có đóng góp cho ngân sách và nhu cầu sử dụng vẫn có. Do vậy, chúng ta là những người đi vận động, nêu ra các vấn đề về sức khoẻ của mỗi người dân tự bảo vệ sức khoẻ của mình và bảo vệ người xung quanh và bảo vệ chính cuộc sống hạnh phúc của gia đình mình vì thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.

Trên thực tiễn, thuốc lá rất rẻ, ở đâu cũng có thể mua được. Do vậy, mọi người có quyền hút thuốc. Cho nên, chúng ta phải hài hoà làm sao bảo đảm được việc quyền của mỗi con người. Nhưng chúng ta cần tuyên truyền cho hị thấy tác hại rất to lớn của thuốc lá đối với sức khỏe. Việt Nam cũng đã tham gia ký Công ước khung về phòng chống tác hại của thuốc lá, đây là điểm sáng. Thời gian tới, chúng ta cần có biện pháp, chế tài quyết liệt, mạnh thì mới hi vọng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam. 

(23/12/2021 16:58)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Thưa bà Trần Thị Trang, dự kiến cuối năm nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm xử phạt “nguội” về vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì mục đích cao hơn là nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Bộ sẽ chú trọng giải pháp gì để đạt mục tiêu trên?

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế:

Vấn đề triển khai xử phạt nguội cũng là một trong những giải pháp rất phù hợp và đã được Quốc hội cho phép. Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành vi này cho rất nhiều lực lượng chức năng, ngoài lực lượng thanh tra y tế còn có Chủ tịch UBND các cấp và các lực lượng khác, trong đó có cả lực lượng công an. Nếu được tăng cường thêm ứng dụng công nghệ thông tin, trang bị thêm các phương tiện thì đây là một cách thức để nâng cao hơn ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Người sử dụng thuốc lá sẽ biết nếu hút thuốc lá không đúng nơi quy định, rất có thể hình ảnh của mình sẽ bị ghi nhận vào camera hay là bị chụp lại, cơ quan chức năng có thể xử lý như hành vi vi phạm giao thông.

Việc phạt nguội đầu tiên giúp nâng cao ý thức của người dân hơn để người dân hút thuốc lá đúng lúc, đúng chỗ. Ngoài ra cũng có tác dụng răn đe và truyền thông tới người dân. Bởi lực lượng chức năng không thể bao phủ hết, phạt người trực tiếp vi phạm rất khó. Theo tôi quy định này sẽ giúp giảm việc vi phạm, cơ chế xử phạt thuận tiện hơn và giúp ý thức người dân tăng lên. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của vấn đề, tức là luật pháp không phải chỉ tập trung vào việc trừng phạt mà chúng ta phải thực hiện bằng nhiều cách. Đối với những cá nhân đã hình thành thói quen hoặc nghiện thuốc lá thì tuyên truyền vẫn là biện pháp hàng đầu.

Được Quốc hội cho phép, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đầu tư rất nhiều vào hoạt động truyền thông và liên tục đổi mới, nhờ thế tỷ lệ hút thuốc lá giảm được 2,1%. Điều tra năm 2021 giảm thêm được gần 1% nữa. Đây là một nỗ lực rất lớn, bởi người hút thuốc lá rất khó bỏ. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ phải đồng bộ hơn nữa. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tập trung toàn diện, khuyến cáo và đề xuất những chính sách đối với Chính phủ, Quốc hội để tăng cường công tác này.

Đầu tiên, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế. Hiện Bộ Y tế đang xây dựng thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện môi trường không khói thuốc, sẽ xin ý kiến Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về việc gia tăng thuế thuốc lá. Tôi cho rằng thuốc lá của chúng ta còn quá rẻ, thuế chỉ mới chiếm khoảng 35 - 40% so với các quốc gia trên thế giới (lên đến 80-90%). Đồng thời, Bộ Y tế đang tiến hành tổ chức, xét tặng giải thưởng môi trường không khói thuốc, lượng hóa và đưa vào tiêu chí thi đua, lựa chọn các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt để tôn vinh. Đây cũng là cơ hội để nhân rộng các điển hình về thực hiện tốt môi trường không khói thuốc.

Thứ hai, về công tác truyền thông, Bộ Y tế và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá rất chú trọng đến việc giáo dục trong trường học, gắn với mục tiêu ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá mới. Hiện nay, thuốc lá mới đang bắt đầu len lỏi vào thị trường Việt Nam. Riêng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có tỷ lệ gần 8% người sử dụng thuốc lá mới, trong đó chủ yếu là thanh, thiếu niên từ 30 tuổi trở xuống. Tỷ lệ học sinh, sinh viên hút mới cũng có tỷ lệ tăng dần. Vì vậy, cần xây dựng chiến lược tuyên truyền, truyền thông trong trường học, lồng ghép việc phòng chống tác hại của thuốc lá vào ngay trong các tiết học… 

Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong công tác truyền thông, dựa trên đặc thù của từng ngành, lĩnh vực để đưa ra phương án truyền thông phù hợp. Một số ngành nghề như giao thông, xây dựng có tỷ lệ nam giới nhiều nên tỷ lệ người hút thuốc thường rất cao, vì vậy tổ chức công đoàn trong các lĩnh vực này cần tăng cường công tác tuyên truyền cho đoàn viên.

Công tác truyền thông báo chí cũng rất quan trọng. Nhờ các cơ quan thông tấn, báo chí mà các đại biểu Quốc hội, những người hoạch định chính sách sẽ nắm được các thông tin về những bất cập, những thực tiễn từ đó sẽ tăng cường công tác giám sát. Đặc biệt, hiện nay mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đa phương tiện rất phát triển, công tác truyền thông cho người dân nói chung cũng như công đoàn, đoàn viên, người lao động cần đa dạng thông qua các sản phẩm truyền thông để có thể tiếp cận, hấp dẫn, lôi cuốn độc giả. Tôi nghĩ rằng đây sẽ là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới giúp tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng như vận động thay đổi hành vi của người dân.

Cuối cùng, cần tăng cường vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra, của các cơ quan chức năng, trong đó vai trò của các đại biểu Quốc hội và Uỷ ban, Ban của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát. Đồng thời, việc thanh tra, kiểm tra cũng là hình thức tuyên truyền, phổ biến cho đối tượng phải chịu sự kiểm tra, giám sát biết được việc của họ cần phải làm, từ đó có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện.

(23/12/2021 17:06)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Các quy định của Luật chỉ thực sự có ý nghĩa khi được triển khai hiệu quả trên thực tế. Thưa ông Nguyễn Danh Tú, để triển khai hiệu các mô hình về phòng, chống tác hại thuốc lá trong các cơ quan, đơn vị, theo ông tổ chức công đoàn cần lưu ý điều gì?

Ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Văn phòng Quốc hội:

Để triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức công đoàn, theo tôi cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá cần được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức và thường xuyên, gắn với đặc điểm của từng cơ quan, tổ chức công đoàn cơ sở để tránh các hoạt động chung chung, hình thức, phải đi vào hoạt động cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị đấy mới  phát huy được hiệu quả.

Thứ hai,phát huy vai trò của công đoàn cơ sở, đó là nơi gắn bó trực tiếp với người lao động.

Thứ ba, công đoàn cơ sở cần trực tiếp nắm bắt thông tin của những người sử dụng thuốc lá, có những chỉ tiêu cụ thể để biết hàng năm có bao nhiêu người ở công đoàn cơ sở, bộ phận đang sử dụng thuốc lá. Từ đó, có các chỉ tiêu phấn đấu để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, góp ý, rút kinh nghiệm, giúp những người hút thuốc lá chuyển biến tốt về mặt nhận thức, giảm thiểu và tiến tới từ bỏ thuốc lá. 

Thứ tư, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cần phát huy, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, phê bình đối với những người không thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ví dụ như hút thuốc trong phòng làm việc, hút thuốc ở nơi không được phép hút thuốc và đặc biệt là lấy tiêu chí về việc thực hiện quy định phòng chống tác hại thuốc lá là một trong những tiêu chí để kiểm điểm cuối năm của đoàn viên công đoàn và tiêu chí để bình xét cuối năm. Qua đó công đoàn bộ phận sẽ có cơ sở đánh giá thường xuyên.

Thứ năm, hiện công các đơn vị đang thực hiện rất tốt nhưng cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để tất cả các tổ chức cùng vận động, tuyên truyền, giám sát thực hiện. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, sự đồng thuận cao để giúp hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá có chuyển biến tích cực, đồng bộ.

(23/12/2021 17:11)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Tổ chức công đoàn có vai trò quan trọng trong tuyên truyền chính sách pháp luật đến công chức, viên chức, người lao động, để từ đó giúp đoàn viên công đoàn hiểu và tuân thủ các quy định pháp luật. Từ góc nhìn của một nhà lập pháp, của người làm công tác công đoàn, thưa ông Lê Hoàng Anh, tổ chức công đoàn cần phải vào cuộc như thế nào để triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên thực tế?

Ông Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban chính sách - pháp luật Công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội:

Tôi cho rằng, ngoài những biện pháp, hình thức đa dạng truyền thống vẫn làm lâu nay có hiệu quả thì sẽ tiếp tục. Tuy nhiên chúng ta cần tiếp cận với những hình thức, cách thức mới hơn, tiệm cận với xu hướng cách mạng 4.0 để tác động đến đối tượng đang hướng tới. Đơn cử, đối với hệ thống công đoàn, đặc biệt là công đoàn viên chức Việt Nam, công đoàn cơ quan Văn phòng Quốc hội tôi tin chắc rằng 100% đều sử dụng mạng xã hội. Chúng ta cần cân nhắc để sử dụng kênh này. Đặc biệt là giới trẻ sử dụng mạng xã hội rất lớn. Chỉ đơn giản cùng một thời điểm trên mạng xã hội kêu gọi nhau đặt avatar (ảnh đại diện) kêu gọi cảnh báo sử dụng thuốc lá, lan truyền xa những việc đó sẽ tạo được dư luận, thông điệp tốt không chỉ cho người hút thuốc, người hút thuốc thụ động mà còn tác động đến cả những người không hút thuốc, những người chưa biết rõ tác hại của thuốc lá.

Mặt khác, chúng ta đang trong thời kỳ ứng dụng công nghệ 4.0, nhà nước đầu tư lớn cho hệ thống cơ sở dữ liệu. Bộ Y tế xây dựng sổ sức khỏe, có thể tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an để theo dõi cập nhật tình trạng người dân sử dụng thuốc lá. Dựa vào đó, chưa phạt thì trước nhất cũng cảnh báo đến những đối tượng đó. Chúng ta cũng có thể thực hiện quyền bảo vệ bí mật, thì chỉ có những đối tượng đó được nhắc nhở, cảnh báo. Sau khi hoàn thiện quy định pháp luật chặt chẽ hơn thì có thể sử dụng hình ảnh, dữ liệu có sẵn. Chúng ta cũng đang xây dựng camera an ninh, phải tranh thủ tận dụng, khai thác tối đa, công cụ công trình đã đầu tư, đặc biệt những công trình sử dụng đầu tư công để thực hiện đa mục đích trong đó có việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó, phải tính đến việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Chúng tôi đã đề nghị sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng thuế dành cho mặt hàng thuốc lá. Chúng ta có những con số nhưng cũng chưa phải là con số cuối cùng, mỗi năm bỏ ra 31.000 tỷ cho việc tiêu thụ thuốc lá, chi mất 24.000 tỷ cho việc chữa các loại bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Cơ quan Bộ Y tế, Chính phủ, cơ quan của Quốc hội, bản thân công đoàn Văn phòng Quốc hội phục vụ giúp việc cho Quốc hội trong quá trình tham mưu để có những quy định hợp lý, từ đó giúp việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu quả.

Một trong những công tác truyền thông, nâng cao nhận thực phòng, chống tác hại thuốc lá hướng đến không chỉ truyền thông quy định Luật, nghị định thông tư của Luật này. Để giải quyết vấn đề này còn dựa trên nền tảng đạo đức xã hội, nên phải xây dựng và truyền thông nâng cao đạo đức xã hội cùng hệ thống pháp luật chặt chẽ, tôi tin rằng ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá sẽ được ngăn chặn nhiều.

(23/12/2021 17:15)

Phó Tổng biên tập Lê Thanh Kim

Thưa quý vị và các bạn!

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội ban hành đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ, chủ động vào cuộc của các cơ quan, chủ thể có liên quan, Luật đã và đang đi vào cuộc sống. Với những chia sẻ tâm huyết từ các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và cơ quan quản lý tại Tọa đàm hôm nay đã gợi mở rất nhiều vấn đề hữu ích để phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn trong triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của Luật, cũng như bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn các vị khách quý đã tham gia Tọa đàm ngày hôm nay và mong được gặp lại Quý vị trong lần Tọa đàm lần sau.

Xin trân trọng cảm ơn!

Duy Thông