Tọa đàm kỷ niệm 10 năm ngày mất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, GS. TS Bùi Danh Lưu

- Thứ Ba, 29/12/2020, 16:44 - Chia sẻ
Ngày 29.12, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam và Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc cùng câu lạc bộ Trái tim người lính tổ chức Tọa đàm “GS.TS Bùi Danh Lưu - Một trí thức tài năng, nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của ngành giao thông vận tải Việt Nam”.

Tọa đàm được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất (30.12.2010 - 30.12.2020) của GS.TS Bùi Danh Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương.

GS. TS Bùi Danh Lưu (còn có tên là Quốc Linh) sinh ngày 28.8.1935 tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Tháng 10.1982, ông được cố Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải khi đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đề bạt và sau đó Trung ương quyết định bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải. Tháng 6.1986 ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải và giữ chức vụ đó 10 năm, đến năm 1996.

Quang cảnh buổi Tọa đàm Ảnh: Đức Hiệp
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Ảnh: Đức Hiệp

GS. TS Bùi Danh Lưu được coi là “cha đẻ” của cầu Chương Dương (khánh thành năm 6.1985). Ông cũng trực tiếp chỉ đạo, lên phương án xây dựng nhiều nhiều cây cầu lớn ở Việt Nam như cầu Mỹ Thuận, cầu Lạc Quần, cầu Đò Quan… Trong nhiệm kỳ Bộ trưởng, ông đã đưa ra nhiều chính sách làm đổi thay ngành giao thông vận tải như: Phong trào làm đường giao thông nông thôn với gần 1.000 xã được xóa khỏi danh sách chưa có đường ô tô tới trung tâm; Cơ chế “lấy đường nuôi đường” bằng chủ trương thu phí giao thông; Thúc đẩy dự án cầu Mỹ Thuận, dự án đầu tiên sử dụng vốn vay ODA không hoàn lại của nước ngoài; Thay đổi mô hình tổ chức ngành giao thông vận tải như khôi phục lại các cục, tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và kinh doanh…

Bà Trần Thị Quế vợ cố Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Đăng Lưu
Bà Trần Thị Quế  (bên trái) vợ cố Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Bùi Danh Lưu đã có mặt tại buổi Tọa đàm
Ảnh: Đức Hiệp

Tháng 12.1986 trong Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII.  Tháng 4.1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa VIII. Ngoài ra, ông còn được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tháng 12.1987, tại Đại hội thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời năm 2010.

Tặng hoa Bà Trần Thị Quế vợ cố Bộ trưởng Bộ GTVT Bùi Đăng Lưu
Ban Tổ chức tặng hoa bà Trần Thị Quế (vợ cố Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Bùi Danh Lưu)
Ảnh: Đức Hiệp

GS. TS Bùi Danh Lưu còn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Tại tọa đàm, các đại biểu, khách mời cũng như gia đình của cố GS. TS Bùi Danh Lưu đã trao đổi, thảo luận về những thành tựu mà ông để lại cho ngành đường bộ nói riêng và ngành Giao thông, Vận tải Việt Nam nói chung. Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Ngô Thịnh Đức chia sẻ, GS. TS Bùi Danh Lưu là người đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành Giao thông, Vận tải Việt Nam.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức
Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải Ngô Thịnh Đức phát biểu tại Tọa đàm
Ảnh: Đức Hiệp

Đồng quan điểm với ý kiến đó, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông, Vận tải) GS. TS Phan Vị Thuỷ nhận định, khi GS. TS Bùi Danh Lưu nhận chức cũng là khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển kinh tế thời kinh tế thị trường. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, vì có nhiều vấn đề mới ra đời. Nhiều vấn đề chưa được đánh giá đúng đắn ngay. Nhưng Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã dám nghĩ, dám làm để vượt qua sự thử thách và có những quyết sách đem lại cho ngành giao thông hướng đi đúng. 

nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) GS. TS Phan Vị Thuỷ nhận định
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông, Vận tải) GS. TS Phan Vị Thuỷ phát biểu tại Tọa đàm

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), TS. Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX, vấn đề công nghệ xây dựng các cây cầu lớn đang là vấn đề nóng trong lĩnh vực xây cầu ở Việt Nam. Cố Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã có những chỉ đạo, định hướng, giao nhiệm vụ sâu sát, rõ ràng cho các cơ quan tham mưu, công ty xây lắp.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kê Giao thông Vận tải (TEDI) TS. Nguyễn Ngọc Long
Nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI), TS. Nguyễn Ngọc Long

“Cố Bộ trưởng từng nói, không thể tiếp tục loanh quanh với những nhịp cầu bê tông dự ứng lực đơn giản chiều dài tối đa chỉ 40-42 mét hay với những chiếc búa đóng cọc diezen tối đa 3.5 tấn. Tối đa đóng chỉ đóng được cọc bê tông cốt thép 40x40 hoặc đường kính 55cm, gặp đá sớm sẽ không thể đóng tiếp. Phải nhanh chóng vươn lên, tiếp thu công nghệ, trang bị thiết bị tiên tiến, sử dụng chất liệu mới trong điều kiện nguồn vốn nội, ngoại tệ hạn hẹp để xây dựng các cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực khẩu độ lớn đến 100 mét, hơn 100 mét trên nền móng cọc khoan nhồi vững chãi…”, ông Long kể.

Đức Hiệp