Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045

Tính toán khoa học, lộ trình cụ thể

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:37 - Chia sẻ
Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định tầm nhìn đến năm 2045, đất nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao. Đây là mong muốn, mục tiêu của Đảng nhưng cũng là khát vọng của toàn dân tộc. Giáo sư Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, mục tiêu, khát vọng này đã được tính toán nghiêm cẩn, dự liệu đường đi nước bước khoa học và thực tiễn.

Khát vọng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, các mục tiêu cụ thể được đưa ra gồm: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

	Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu Ảnh: Thanh Hải
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu
Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú cho rằng, khát vọng được Đảng ta xác định trong các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII được xây dựng trên cơ sở thế và lực của đất nước ta hiện nay - một khát vọng được hình thành trên cơ sở phân tích khoa học về thời cơ, thách thức. Mục tiêu được văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra không chỉ dừng lại ở một ước mong mà là khát vọng hiện thực. Nhấn mạnh điều này, ông Phùng Hữu Phú cũng chỉ rõ, khát vọng này đã được tính toán nghiêm cẩn, dự liệu đường đi nước bước. “Khát vọng được đưa ra với các mục tiêu, chỉ số, các thành tựu cụ thể, bằng các dự án, kế hoạch... Đây là những yếu tố cần được nhấn mạnh, hiểu đúng khi quán triệt triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý. 

Đánh giá về cơ sở để thực hiện khát vọng được Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đưa ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu rõ: Qua 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, từ một nền kinh tế lạc hậu, có điểm xuất phát rất thấp, Việt Nam đã phát triển trở thành một nền kinh tế có sự tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Ở thời điểm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn là nước có tổng GDP vào mức thấp nhất trong số các quốc gia trong khu vực, nhưng hiện nay, GDP nước ta đã đạt 350 tỷ USD, trở thành một trong bốn quốc gia có tổng GDP cao nhất khối. Nêu ví dụ cụ thể này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, chính những chính sách đúng đắn trong quá trình đổi mới đã tạo sức bật rất tốt, đưa nước ta vươn lên rất nhanh. Cơ sở thực tiễn này cho thấy khả năng thực hiện khát vọng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định. 

Nội lực là quyết định

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng xác định rõ quan điểm về nguồn lực phát triển đất nước. Trong đó, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất. 

Từ quan điểm này, phân tích các yếu tố nội lực, các chuyên gia chỉ rõ, quá trình chuyển đổi số, sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư... vừa là thách thức, vừa là cơ hội tốt để những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam có thể rút ngắn thời gian, bắt kịp các nền kinh tế phát triển.

Để tận dụng cơ hội, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, phải tập trung thúc đẩy tái cơ cấu, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước, củng cố các doanh nghiệp lớn, nòng cốt trong các lĩnh vực sản xuất nền tảng và lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Để tăng cường nội lực của nền kinh tế, theo ông Trần Tuấn Anh, trước hết, cần tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên cơ sở tái cơ cấu mạnh mẽ từng ngành, từng lĩnh vực và khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Thực hiện hiệu quả việc phân bổ nguồn lực cho phát triển, tập trung nguồn lực tạo ra các cực tăng trưởng, đầu tàu phát triển mạnh trong các ngành, lĩnh vực. Tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA đã ký kết để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng Chính phủ kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho đầu tư kinh doanh, trong đó, cần xem xét xây dựng các luật mới trong một số ngành, lĩnh vực mới để tạo lập nên các cơ chế mới mang tính nền tảng cho phát triển các ngành, lĩnh vực.

Như vậy để thấy rằng, khát vọng phát triển được Đảng đề ra có cơ sở khoa học và thực tiễn nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều nhiệm vụ, đòi hỏi sự nỗ lực, khả năng tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị. Với quyết tâm của Đảng, khát vọng phát triển của cả dân tộc, nhất là sự vào cuộc một cách quyết liệt, quyết đoán, có sản phẩm cụ thể của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hoàn toàn có thể trở thành hiện thực theo từng giai đoạn, lộ trình đã đề ra. Trong đó, các kết quả đạt được giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có vai trò quan trọng để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Lê Bình