Tinh thần thi ca trong hội họa

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:41 - Chia sẻ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đến với hội họa như một tay ngang, cứ vẽ theo nhu cầu cần được bộc lộ, bày tỏ. Nhưng mối duyên ấy đủ để đánh thức tâm cảm nhà thơ, cuốn ông vào hành trình miên man trong thế giới màu sắc. Để rồi một ngày nhìn lại, ông bất chợt ngẩn ngơ: “Tôi là kẻ bị màu sắc thống trị”.

“Người thổi sáo”

Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, là nhà thơ, nhà văn, dịch giả. Ông bắt đầu vẽ ở tuổi 48, có triển lãm chung đầu tiên với các nhà văn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 với tên gọi “Nhà văn vẽ”. Ông ngừng một thời gian, cho tới năm 2012 mới vẽ lại, và từ đó đến nay tham gia nhiều triển lãm với nhóm họa sĩ G39.

Sáng 7.1, tại Trung tâm Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên “Người thổi sáo”. Tên triển lãm vừa là hình tượng chủ đạo trong tranh, vừa gợi nhắc câu chuyện trong đời thật của nhà thơ. Đó là những ngày tháng ông mênh mang nỗi muộn phiền, lấn cấn mãi không thể nào thoát ra được…

“Ông không ngồi xuống ghế. Ông lùi lại một bước gần phía gốc bàng đang đỏ lá. Dưới bóng lá thắm đỏ của cây bàng mùa đông và trong những ngọn gió heo may lùa qua thị xã, ông nâng cây sáo. Và âm nhạc đã đến như lần đầu tôi được biết”. Nơi ấy là chốn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thường ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông, và cuộc gặp gỡ với người thổi sao mù kia đã xua tan những phiền muộn trong lòng ông. Những tháng ngày sau, ông luôn chờ đợi gặp lại người thổi sáo mù, nhưng không bao giờ thấy nữa. “Chỉ có thứ âm nhạc ấy vẫn nguyên vẹn và tràn ngập trong tôi, thứ âm nhạc có thể rất vụng về nhưng nó đã thay đổi tôi. Tiếng sáo của người thổi sáo mù giống như một chiếc chìa khóa, một cơn gió thổi nhẹ, một hạt mưa nhẹ lướt nhưng đã làm hạt cây chìm sâu trong bóng tối của lòng tôi được mở ra. Tôi đã sống khác đi”.

"Người thổi sáo 19", sơn dầu trên toan, 2020

Và từ khoảnh khắc ấy, hội họa lại tuôn trào, mang theo thứ giai điệu của thi ca và âm nhạc, mang theo hơi thở của cuộc đời, của phận người mà lâu nay ông vốn gói ghém trong từng câu chữ. Đó không phải hình dạng giống các tác phẩm đầu tiên, khoảng năm 2005, khi Nguyễn Quang Thiều chập chững bước vào cánh đồng hội họa. Không phải các bức tranh nhuốm sắc vàng của mùa hoa cải dưới nắng hanh đong đầy trong ký ức tuổi thơ, đã bao lần hiển hiện trong thơ ca, văn chương của ông. “Người thổi sáo” là một thế giới trong giấc mơ, như nhiều lần ông chia sẻ trên trang Facebook cá nhân mỗi khi hoàn thành tác phẩm: “Tôi vẽ những bức tranh có hình ảnh cây sáo. Các ống sáo được vẽ đầu tiên có đầy đủ nốt, sau dần có một số nốt và có cả những bức tranh ống sáo không cần lỗ. Âm thanh mà những ống sáo mang đến là thứ âm nhạc đặc biệt, sáo không lỗ nhưng vẫn có thể nghe thấy âm nhạc ngập tràn”.

Yêu và chia sẻ tận cùng

 “Nguyễn Quang Thiều tự nhận mình là người đi ngang qua cánh đồng hội họa mà bị hội họa thôi miên nhưng tôi cho rằng anh mộng du qua cánh đồng hội họa. Anh chưa từng học vẽ ngày nào, bởi thế cũng không cần quá để ý đến nào là bút pháp, bố cục, phối màu…, toàn bộ sự mộng du ấy đã chỉ huy anh, làm nên cái đẹp của tranh anh”. Đồng tình với nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Đỗ Phấn nhìn thấy trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều tinh thần thi ca, thay vì tư duy tạo hình thường thấy ở những họa sĩ chuyên nghiệp. “Có lẽ, độc đáo ở triển lãm là như thế, khi tư duy của nhà thơ được hình tượng hóa, nhào nặn trở thành tác phẩm hội họa. Cho nên, trong giới chúng tôi nhìn tranh của Nguyễn Quang Thiều nói rằng, với anh dường như việc không học vẽ lại là may mắn”.

Thăm quan triển lãm "Người thổi sáo"  

Trong tranh của Nguyễn Quang Thiều, ngoài hình tượng người thổi sáo còn hình tượng nghệ thuật khác thường xuất hiện như cây cối, con chim, bình gốm... Chúng gắn liền với ký ức của nhà thơ về nếp nhà, khói bếp, gắn liền với khát vọng về một thế giới yên bình. “Trong quan niệm của tôi có 3 bình gốm quan trọng, một số tranh tôi thường vẽ 3 bình này: Một bình đựng nước, một bình đựng ngũ cốc và một bình đựng chữ. Chỉ với 3 bình đó, nhân loại sẽ tạo thành những con người, tạo thành cuộc sống, tạo thành văn hóa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, những văn bản ngôn ngữ như thơ, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản phim đã viết không thỏa mãn được mình, không giúp ông bày tỏ hết tâm tình, nên ông phải dùng đến hội họa. Đôi khi đứng trước toan trắng không biết vẽ gì, ông bèn mang tập thơ của mình ra đọc. Những câu thơ vang lên, hình ảnh con đường, cánh đồng hiện ra gợi cảm hứng, từ cảm hứng ấy khiến cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Như ông tự nhủ: “Mình có quá ít thời gian cho niềm đắm mê màu sắc này nên phải tranh thủ từng chút. Vậy cứ để cuộc sống dẫn mình đi và đừng đòi hỏi gì cả. Bởi thế những ngày nghỉ cuối tuần vẫn cặm cụi vẽ và vẽ, tôi thấy mình là cậu bé chạy trên cánh đồng của những giấc mơ, sống nhiều nhất trong cuộc đời giới hạn, để yêu và chia sẻ đến tận cùng với cuộc đời này”.

Hải Đường