Tinh gọn cấp phó

- Thứ Hai, 05/07/2021, 05:51 - Chia sẻ
Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội đang dự thảo Thông tư hướng dẫn vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành và định mức biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội. Theo đó, định mức biên chế công chức đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội (cấp sở) được đề xuất với 1 biên chế công chức giám đốc sở; bình quân mỗi sở có không quá 3 biên chế công chức phó giám đốc.

Xác định vị trí việc làm là nội dung quan trọng để thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức. Bản chất của việc xác định vị trí việc làm là xác định trong một cơ quan, đơn vị có bao nhiêu vị trí việc làm và cần bao nhiêu người với những tiêu chuẩn, năng lực gì để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đó. Qua đó phát hiện những chồng chéo về nhiệm vụ của các vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức; phục vụ hiệu quả sắp xếp lại đội ngũ công chức.

Như vậy, xác định vị trí việc làm là cơ sở để sắp xếp được tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc trung gian, và sẽ có cơ sở khách quan cho việc loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thời gian qua kết quả vẫn chưa đạt được yêu cầu.

Bộ máy cồng kềnh, tình trạng lạm phát cấp phó là một thực tế đã từng tồn tại trong nhiều năm trước đây. Dù có chủ trương tinh giản biên chế, có quy định về cấp phó nhưng nghịch lý là không những không giảm mà có nơi biên chế còn tăng. Thực tế cho thấy, một số cơ quan như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa trước đây có lúc lên tới 8 phó giám đốc; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định có tới 6 phó giám đốc…So quy định về số lượng cấp phó, rõ ràng, số lượng cấp phó của một số cơ quan đã bỏ qua quy định một khoảng cách khá xa. Điều này cho thấy, các cơ quan, người đứng đầu chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về vấn đề này.

Nghị quyết 56/2017/QH14 về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Quốc hội cũng chỉ rõ, trong giai đoạn 2011 - 2016, cơ cấu công chức chưa hợp lý, số lượng cấp phó ở một số đơn vị vượt quy định. Việc xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tính khả thi không cao; tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu đề ra. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ giải pháp, trong đó, hoàn thiện quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Để có cơ sở cho các địa phương sắp xếp cấp phó, Chính phủ đã ban hành nghị định số 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc. Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng phó giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng phó giám đốc của từng sở cho phù hợp. Riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng phó giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 phó giám đốc.

Việc dư thừa cấp phó thời gian qua được địa phương lý giải là có nguyên nhân do “lịch sử để lại”. Và chúng ta cũng thông cảm khi người tiếp quản xử lý việc dư thừa không phải dễ dàng gì. Do đó, việc xây dựng vị trí việc làm là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương căn cứ vào đó sắp xếp cấp phó cho phù hợp. Tất nhiên, từ chỗ 4, 5, thậm chí có tới 8 phó giám đốc sở mà siết lại chỉ còn 3 cấp phó là một cuộc cách mạng. Điều này đòi hỏi cấp phó được lựa chọn phải thật sự có năng lực chuyên môn, người đứng đầu phải rất công tâm, sáng suốt để sắp xếp người đúng khả năng, trình độ vào từng vị trí việc làm. Muốn làm được điều này, cần có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chế độ công vụ thường xuyên để sớm phát hiện chấn chỉnh kịp thời sai sót. Cùng với đó xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng thừa cấp phó theo quy định.

Việc “siết” số lượng cấp phó trong các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh giúp sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức; tinh giản biên chế; giảm gánh nặng ngân sách. Và điều quan trọng là để bộ máy hoạt động hiệu quả, trong khi cấp phó bị thu hẹp không còn cách nào khác đòi hỏi chất lượng cấp phó phải "tinh" hơn.

Lê Hùng