Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản

- Thứ Hai, 13/03/2023, 14:47 - Chia sẻ

Liên quan đến vụ kiện dân sự giữa bà Nguyễn Thị Thuý với bà Phan Thị Thu Uyên về việc kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản, sáng ngày 14.3, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm sau khi phía bị đơn có đơn kháng cáo.

Theo đơn thư ông Phan Văn Bỉnh, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Phan Thị Thu Uyên gửi đến Báo đại biểu Nhân dân và các cơ quan chức năng cho biết: Ngày 26.9.2022, TAND TP Bắc Giang mở phiên tòa dân sự sơ thẩm xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Thúy và bị đơn chị Phan Thị Thu Uyên.

Nhận định tại bản án sơ thẩm cho rằng: HĐXX xét thấy lời khai của bà Thúy và người đại diện theo ủy quyền trong quá trình hòa giải, xét xử đều trình bày bà Thúy vẫn mong muốn chị Uyên cùng bà Thúy thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất theo cam kết, thỏa thuận tại hợp đồng đặt cọc ngày 29.01.2021, nhưng ông Bỉnh không đồng ý, điều đó cho thấy ông Bỉnh, chị Uyên không muốn chuyển nhượng QSD đất như thỏa thuận ban đầu. 

Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản

Bên cạnh đó, ông Phan Văn Bỉnh khai do trong hợp đồng đặt cọc không ghi thời hạn đặt cọc là bao lâu chỉ ghi kể từ ngày 29.01.2021, như vậy là hợp đồng đặt cọc không có thời hạn, nên chị Uyên không vi phạm. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy, bên chuyển nhượng chị Phan Thị Thu Uyên chính là người viết các thông tin trong hợp đồng đặt cọc, tại phần thời hạn có ghi 29.01, kể từ ngày 29.01.2021 và ngay trong ngày 29.01.2021, bà Thúy và các con bà Thúy đã chuyển trả đủ số tiền chị Uyên nợ Ngân hàng, như vậy, bà Thúy đã thực hiện đúng về việc chuyển trả tiền đặt cọc. 

Sau khi trả xong khoản nợ Ngân hàng, bà Thúy đã yêu cầu chị Uyên làm hợp đồng, nhưng việc các bên không lập được hợp đồng chuyển nhượng là do chị Uyên đã có hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên cho người khác mà chưa hủy bỏ, đến nay chị Uyên cũng không thực hiện việc hủy bỏ hợp đồng theo đề nghị của bà Thúy, do vậy nay chị Uyên không thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, không muốn chuyển nhượng thửa đất cho bà Thúy là chị Uyên đã vi phạm hợp đồng đặt cọc, vi phạm thỏa thuận của hai bên, vi phạm quy định tại Điều 328 BLDS năm 2015”.

Từ đó, HĐXX TAND TP Bắc Giang quyết định buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền đặt cọc 725 triệu đồng và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc là 725 triệu đồng. Tổng cộng là 1,45 tỷ đồng.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND TP Bắc Giang người đại diện theo ủy quyền của bị đơn có đơn kháng cáo đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bắc Giang hủy bản án dân sự sơ thẩm.

Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản
Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản
Bản án của TAND TP Bắc Giang bị kháng cáo

Nhận định pháp lý về vụ án, Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Bản án sơ thẩm của TAND TP Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng không đưa anh Ngô Quang Hưng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là chưa đảm bảo quyền lợi của anh Hưng, bởi lẽ trước thời điểm ngày 29/01/2021 bị đơn chị Uyên ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với nguyên đơn bà Thúy, chị Uyên đã ký Hợp đồng chuyển nhượng thửa đất đang có tranh chấp này cho anh Hưng có công chứng tại Văn phòng công chứng Thiên Long, nhưng thực tế chưa thực hiện hợp đồng chuyển nhượng (Hợp đồng công chứng treo).

Mặt khác, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa sơ thẩm của nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ có nhiều điểm mâu thuẫn về nội dung ai là người có lỗi trong việc từ chối thực hiện hợp đồng đặt cọc, tuy nhiên cấp sơ thẩm chưa cho đối chất để làm rõ về nội dung này là vi phạm Điều 100 BLDS năm 2015.

Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản
Hợp đồng đặt cọc liên quan đến vụ kiện tranh chấp

Về nội dung:  Bản án sơ thẩm của TAND TP Bắc Giang xem xét đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật cụ thể:

Thứ nhất: Bản án sơ thẩm chưa xác định được thời hạn bên chuyển nhượng chị Uyên vi phạm nghĩa vụ thực hợp đồng đặt cọc là bao nhiêu ngày, cụ thể bản án sơ thẩm chỉ xác định thời hạn hợp đồng có ghi “29.01” kể từ ngày 29.01.2021 là ngày ký hợp đồng đặt cọc và cũng là ngày đặt cọc chưa xác định được thời hạn cụ thể bao nhiêu ngày kể từ ngày đặt cọc, điều này thể hiện rất rõ trong Hợp đồng đặt cọc quy định tại Điều 3 có ghi “Thời hạn đặt cọc là 29.01 (ngày); kể từ ngày 29.01.2021 đến hết……giờ, ngày……/…./20….” Như vậy bản án cho rằng bị đơn chị Uyên vi phạm thời hạn đặt cọc trong hợp đồng là không có căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 328 BLDS năm 2015 quy định “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng” Điều 144 BLDS năm 2015 quy định về thời hạn “Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Thời hạn có thể xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể xẩy ra”.

Thứ hai: Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Đề nghị TAND tỉnh Bắc Giang xét xử công tâm, khách quan trong vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc và kiện đòi tài sản
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Bắc Giang đã vi phạm nghiêm trọng về tố tụng.

Trong Hợp đồng đặt cọc Điều 1 của Hợp đồng có ghi “Bên A đồng ý bán cho Bên B nhà - đất tại thửa……………Tờ bản đồ số 41, địa chỉ thửa đất: Phường Mỹ Độ, TP. Bắc Giang; diện tích 309 m2. Kèm theo GCNQSH_QSD đất số……”

Căn cứ Điều 408 BLDS năm 2015 thì đối tượng của hợp đồng là điều khoản chủ yếu của hợp đồng, trong vụ án này, đối tượng của Hợp đồng đặt cọc là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên nhận đặt cọc. Tuy nhiên, tại Hợp đồng đặt cọc này không nêu rõ vị trí thửa đất ở đâu? thuộc quyền sở hữu của ai? được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như thế nào? cho ai? không được ghi trong hợp đồng đặt cọc là vi phạm Điều 408 BLDS sẽ bị vô hiệu.

Hơn nữa, trước khi xác lập Hợp đồng đặt cọc ký ngày 29.01.2021, bị đơn bà Uyên đã xác lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với anh Hưng tại VPCC Thiên Long, Hợp đồng này đang có hiệu lực chưa bị hủy bỏ. Do vậy, việc nguyên đơn bà Thúy ký Hợp đồng đặt cọc với chị Uyên là không thể thực hiện được, vi pham vi phạm Điều 408 BLDS sẽ bị vô hiệu.

Từ lý do trên, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm của TAND TP Bắc Giang chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không khách quan”. 

* Báo điện tử Đại biểu Nhân dân sẽ tiếp tục giám sát và thông tin kết quả thực thi pháp luật của các cơ quan liên quan trong vụ việc nói trên đến bạn đọc và cử tri cả nước.

    

Cao Kỳ
#