Tín hiệu vui từ chính sách giảm nghèo

- Thứ Năm, 24/06/2021, 07:10 - Chia sẻ
Nhờ triển khai có hiệu quả chính sách về an sinh xã hội nên tỷ lệ nghèo đa chiều ở Việt Nam đang có xu hướng giảm. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, chính sách giảm nghèo không chỉ đơn thuần là cung cấp tiền cho người dân thoát nghèo mà phải là những đường lối dẫn dắt họ vượt qua cảnh đói nghèo và quan trọng hơn là nâng cao năng lực lao động.
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần đào tạo, giải quyết việc làm mới cho hàng triệu lao động nông thôn mỗi năm Nguồn: ITN
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần đào tạo, giải quyết việc làm mới cho hàng triệu lao động nông thôn mỗi năm
Nguồn: ITN

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm

Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 vừa được công bố trong khuôn khổ hợp tác phát triển cách tính nghèo đa chiều giữa Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổng cục Thống kê, tỷ lệ nghèo đa chiều chung của Việt Nam có xu hướng giảm qua các năm, từ 9,9% năm 2016 xuống còn 4,5% năm 2020. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn vẫn cao hơn nhiều so với thành thị, nhưng khoảng cách đang giảm dần.

Giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số. Điều này cho thấy, các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với dịch vụ xã hội cơ bản. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên xu hướng giảm này không còn tiếp diễn ở một số chỉ số. Chỉ số mức độ thiếu hụt nhiều nhất là bảo hiểm y tế, có mức giảm nhanh nhất, từ 40,6% năm 2016 giảm xuống còn 19% năm 2020.

Chia sẻ về những chỉ số này, GS. Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu. Trong đó, 63 tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành, bổ sung nhiều chính sách đặc thù trong lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn để hỗ trợ người nghèo.

Tiếp nối ý kiến đó, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Tô Đức chia sẻ, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách giảm nghèo đồng bộ, toàn diện, ưu tiên các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Trước mắt, các chính sách này đang phát huy tốt vai trò khi tỷ lệ người dân được tiếp cận và hài lòng với các chính sách an sinh xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội ngày một tăng. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng ngày một năng động, giúp người dân có công việc, ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo…

Tiếp sức thoát nghèo mùa Covid

Theo Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, mục tiêu tổng quát của đề xuất đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Song song với đó, hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một yếu tố quan trọng giúp phát huy lợi thế vùng và giảm nghèo. Để thực hiện hóa mục tiêu đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Bộ đã phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và thị trường lao động đồng bộ, hiện đại nhằm tạo việc làm đầy đủ cho tất cả mọi người; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, giảm bất bình đẳng xã hội; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững. Theo đó, Chương trình gồm 4 dự án và 11 tiểu dự án.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin thêm, ngoài các chính sách về đào tạo lao động, đứng trước đại dịch Covid-19, Bộ cũng đang dự thảo nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Đầu tiên có thể kể tới các gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt từ Nhà nước, như hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng đã được giải ngân từ tháng 4 và tháng 5.2020. Hiện nay, để tiếp tục hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có cả lao động và doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể... ở nông thôn, Bộ đang dự thảo gói hỗ trợ lần 2 vào nửa cuối năm 2021. Dự kiến gói hỗ trợ có kinh phí lên tới hơn 27.000 tỷ đồng, với nhiều nhóm giải pháp trọng tâm.

Tùng Dương