Tìm sự khác biệt trong cái gần gũi

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 06:24 - Chia sẻ
Nhiếp ảnh nói nhiều hơn những gì thoạt nhìn, nó cần thời gian để được thẩm thấu và chiêm nghiệm. Quan niệm như vậy, các dự án của nghệ sĩ nhiếp ảnh tư liệu Duy Phương thường có quá trình nghiên cứu và thực hiện trong nhiều năm, kiên trì cho ra những tác phẩm hướng sự chú ý của khán giả đến vấn đề bên trong và ngoài môi trường xã hội.

Kể câu chuyện bên trong

Những năm qua, cái tên Lê Nguyễn Duy Phương không mấy xa lạ với người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh tư liệu. Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống làm nhiếp ảnh thương mại, anh đã chọn đi theo nhiếp ảnh bằng con đường riêng. Tác phẩm của Duy Phương được triển lãm tại nhiều không gian nghệ thuật trong nước và cả ở nước ngoài như Pháp, Mỹ, Anh… Trong cuộc trò chuyện tại Hà Nội mới đây, Duy Phương đã chia sẻ về những dự án dài hơi của mình; qua đó giúp khán giả hiểu hơn về các cách tiếp cận và thực hành nhiếp ảnh đương đại.

Một tác phẩm về cuộc sống ở hồ thủy điện Trị An, trong Dự án "Ôm nước" của nghệ sĩ Lê Nguyễn Duy Phương

Thay vì lựa chọn đề tài mới lạ để hấp dẫn công chúng, Duy Phương muốn chụp về những điều gần gũi, thân thuộc xung quanh. Hơn chục năm trước, anh bắt tay thực hiện bộ ảnh về nước, hòa theo dòng nước để lần theo từng mảnh đời. Dự án “Ôm nước” khởi đầu trong một lần tình cờ Duy Phương biết đến hồ Trị An (Đồng Nai), một trong những đập thủy điện lớn nhất miền Nam. Nơi đây, nước là số phận của người dân, nước là giấc mơ, niềm hy vọng và cả nỗi thất vọng của họ. Sự kết hợp giữa nhiếp ảnh phóng sự và nhiếp ảnh dàn dựng khiến cuộc sống bình dị của người dân trở nên đầy thơ mộng nhưng cũng chứa đựng nhiều ý niệm về cuộc sống mưu sinh của con người giữa thiên nhiên. Qua ống kính, cảnh sắc hiện ra với hình ảnh những đứa trẻ thả trôi trên con nước, những ngư dân đăm đắm nhìn dòng chảy như chất chứa nỗi trăn trở về tương lai.

Rồi năm tháng rong ruổi với máy ảnh ở phố, Duy Phương thể hiện góc nhìn về sự thay đổi cảnh quan, tâm tư con người dưới tác động của đô thị hóa. Dự án “Ở giữa lưng chừng” được thực hiện trong hơn 7 năm. Dù quê ở Long An nhưng phần lớn thời gian gắn bó với TP Hồ Chí Minh để học và làm việc, nên từ lâu Duy Phương đã nung nấu ý định thực hiện dự án này, để kể về sự đổi thay của cảnh quan và con người. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ con người trong xã hội như bị mắc kẹt trong cơn lốc phát triển. Nhiều người sung sướng, hạnh phúc khi có nhà, có đất giữa thành phố, nhưng niềm vui của họ có thể lại là nỗi buồn cho nhiều người khác. Những khoảnh khắc buồn vui đó diễn ra hàng ngày, có điều không có ai đó chụp lại, khiến chúng đủ sức nói lên câu chuyện bên trong của mình”.

Đối thoại với đời sống

Theo đuổi các dự án dài hơi, Duy Phương cho rằng chỉ có cách đó mới đủ để nghệ sĩ truyền tải câu chuyện bên trong và bên ngoài môi trường xã hội. Nhớ thời điểm tiếp cận để chụp ảnh về hồ thủy điện Trị An, anh mất hơn 1 năm trở đi trở lại địa điểm này, phóng xe máy hàng trăm cây số rồi thất vọng quay về với chiếc thẻ nhớ trống không. “Mọi thứ gần gũi biết bao, nhưng không hiểu sao tôi cứ ngồi chờ ở đó, ngồi chờ cả ngày mà gần như chỉ chụp được một bức ảnh thôi. Cho đến lúc tôi suy nghĩ lại và quyết định tới bắt chuyện, tìm hiểu cuộc sống của con người nơi đây, chụp chân dung họ, tôi mới vỡ òa nhận ra câu chuyện này sẽ được kể như thế nào”.

Có nghệ sĩ bắt đầu công việc của mình vào mỗi buổi tối, đi chụp những ánh sáng toát ra từ ngôi nhà, chụp thứ ánh sáng lập lòe hay chóe sáng có thể nói cho người ta biết được đời sống tinh thần của con người trong ngôi nhà ấy ra sao. Câu chuyện đó đã truyền cảm hứng cho Duy Phương thực hiện dự án “Những ảo ảnh” trong vòng 3 năm 2017 - 2020. Tiếp tục tìm kiếm “sự khác biệt trong cái gần gũi”, nghệ sĩ mang theo chiếc máy ảnh dòng du lịch gọn nhẹ, đi chụp nhanh những nơi có pano quảng cáo ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hình ảnh pano quảng cáo công trình, khách sạn, địa điểm vui chơi giải trí… được chụp vào buổi tối, khi có ánh đèn khác hắt vào, khi có những tán lá đổ bóng do ánh sáng xuyên qua, khi còn vương bám những vệt hồ vữa của công trường, khi những đường dây điện vắt qua… Tất cả nhằm tạo nên hình dung về những cái không có thật.

Đó là một kiểu tái tạo ảnh chụp, không quá mới đối với nhiếp ảnh phương Tây, và mang tính thách thức với hình ảnh được chụp lại trước đó. Nó buộc ta phải suy nghĩ, rõ ràng nhiếp ảnh có thể mở ra nhiều đối thoại hơn nữa giữa người xem, người tạo ra tác phẩm, và đôi khi đã có tác phẩm rồi vẫn còn có những đối thoại ngược, đối thoại tiếp nối, từ đó mang đến sức nặng của câu chuyện và khơi gợi nhiều chiều kích của nhiếp ảnh tư liệu.

“Thường với các dự án của mình, tôi chọn làm về những cái mà nhiều người vẫn thấy. Những cái nằm trong đời sống hiện thực hàng ngày, người ta cho rằng nó quá bình thường, không có gì đặc biệt cả thì tôi biến thành thế mạnh của mình. Cứ thế, tôi tạo nên những hình ảnh mang tính tư liệu xã hội, hướng chú ý của mọi người đến vấn đề ẩn chứa bên trong”, nghệ sĩ Duy Phương nói.

Thái Minh