Tìm sinh kế khi đồng bằng vắng lũ

- Chủ Nhật, 29/08/2021, 16:03 - Chia sẻ
Nhiều năm liền, mực nước vào mùa lũ hàng năm đều mức thấp, theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 11, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Trước thực tế này, nhiều nơi ở đồng bằng đã xoay sở tìm các mô hình sinh kế phù hợp.
Giảm lượng giống, giảm phân bón, luân canh đổi vụ... sẽ giúp người nông dân đồng bằng bớt phải phụ thuộc vào con lũ

Đã không còn theo quy luật     

Theo quy luật, từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm, lũ đầu mùa sẽ về đồng bằng sông Cửu Long mang theo tôm cá và phù sa. Mùa lũ nơi đây vẫn gọi là mùa nước nổi. Thế nhưng những năm gần đây, nước về miền Tây đã cao, không còn đỏ ngầu phù sa như để làm nên một mùa nước nổi đặc trưng như nhiều năm trước nữa nữa.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 11, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đến Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Thiếu nước, dẫn đến lũ năm nay về muộn. Khả năng đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2, tức là lũ nhỏ. Ông Lương Huy Khanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang - cho biết, Đến ngày 6.8, mực nước ở đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu chỉ đạt 0,78-1,64 m và trên sông Hậu tại Châu Đốc cũng chỉ dao động 0,51-1,58 m. Nguyên nhân là do tổng lượng mưa trong tháng 7 và 8 thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm nay được dự báo sẽ xuất hiện vào đầu tháng 10 và ở mức báo động II cho cả đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên.

Thông tin của dự án theo dõi đập thủy điện Mê Kông (MDM) và dữ liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) cập nhật đến ngày 11-7 đã khẳng định điều này. Các đập thủy điện thượng nguồn đã làm giảm dòng chảy lũ  của dòng chính sông Mê Kông vào đầu mùa lũ 2021.

Theo đó, tại Chiangsean (biên giới Lào - Trung Quốc), dòng chảy thấp hơn 48,4% so với điều kiện tự nhiên, tại Vientiane - Lào thì thấp hơn 9,18% so với dòng chảy tự nhiên. Các đập ở Trung Quốc như Manwan, Huangdeng, Jinghong đã bắt đầu tích nước từ giữa tháng 7, trong khi đập Nuozhadu vẫn xả nước. Dự án MDM cho biết từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 sẽ là giai đoạn tích nước chính cho tất cả các đập trong lưu vực, sau đó sẽ xả để phát điện nếu có đủ lượng mưa.

Mực nước đoạn sông Mê Kông ở Lào - Đông Bắc Thái Lan từ biên giới Lào - Trung Quốc đến Vientiane vì gần các đập Trung Quốc nên sẽ rất nhạy với sự vận hành đóng/mở của các đập ở đoạn Trung Quốc. Đối với ĐBSCL, sự vận hành của các đập Trung Quốc có ảnh hưởng nhưng ít hơn vì phần lớn nước về ĐBSCL do ảnh hưởng mưa ở tả ngạn sông Mê Kông, nhất là ở Lào.

Sống chung với không có lũ

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, từ 5 năm nay, tỉnh An Giang đã có kế hoạch chuyển đổi sinh kế cho người dân để người dân không còn phải phụ thuộc vào nước lũ, thay vì đánh bắt, tận diệt nguồn lợi thủy sản thì nay người dân chuyển sang nuôi trồng, chủ động cung cấp thực phẩm cho thị trường, hỗ trợ chế biến và có cơ sở vững chắc để nâng cao đời sống của bản thân và gia đình.   

Trước tình hình dự báo năm nay nước lũ về muộn và ở mức thấp nên nguồn lợi thủy sản cũng không còn phong phú, để tận dụng tốt nguồn lợi tự nhiên, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trong giai đoạn mùa lũ năm 2021, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân không sử dụng các phương pháp khai sử dụng ngư cụ cấm, vi phạm pháp luật để khai thác nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Thủy sản An Giang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan triển khai một số hoạt động sinh kế tại các huyện, thị thành trên địa bàn tỉnh. Điển hình là mô hình “Đăng quầng đánh bắt thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ” tại 2 ấp Phú Hiệp và Phú Quới, xã Phú Hữu, huyện An Phú với quy mô diện tích 20 ha. Khi thực hiện mô hình, nông dân được tham gia vào các Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản, có lịch khai thác, được hỗ trợ xuồng máy tuần tra, làm chòi canh gác, biển cắm khu vực khai thác cộng đồng, ngư lưới cụ.

Theo ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, dự kiến khi tham gia mô hình, nông dân sẽ tăng tối thiểu 20% thu nhập từ khai thác thủy sản so với mô hình truyền thống. Tiếp tục thực hiện mô hình “Phát triển lúa Đông Xuân an toàn sinh học không sử dụng thuốc trừ sâu, rầy - Nuôi luân canh thủy sản mùa lũ”, mô hình nuôi cá chép, cá mè, cá trôi trên ruộng lúa trong giai đoạn mùa lũ, mô hình nuôi cua luân canh trên ruộng lúa mùa lũ, Mô hình nuôi ếch, nuôi cá lóc, cá lóc bông trong vèo trên sông giai đoạn mùa lũ tại các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cũng thực hiện nhiều phương án giúp nông dân- ngư dân dần dần “thoát lũ” với việc tăng cường các giống cây có tính chống chịu khí hậu (POD2), giảm lượng giống, phân bón, thuốc hóa học trên đất trồng lúa và hoa màu.

Vũ Châu