Tìm lời giải cho bài toán ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 11:52 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội điện tử, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp là đòi hỏi cấp thiết. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ đời sống pháp luật của đất nước.

Ảnh minh họa nguồn: ITN

Cơ sở dữ liệu điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động lập pháp

Quốc hội là một trong những cơ quan được đánh giá là áp dụng công nghệ thông tin sớm nhất, hiệu quả nhất trong số các cơ quan nhà nước. Không chỉ có Cổng Thông tin điện tử Quốc hội góp phần truyền tải thông tin về hoạt động của Quốc hội tới công chúng và ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội... Quốc hội còn có trang Dự thảo online (duthaoonline.quochoi.vn), Báo điện tử Đại biểu Nhân dân là kênh thông tin để người dân theo dõi, góp ý vào những dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Hoạt động lập pháp của Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta theo hướng ngày càng sâu rộng, trọng tâm hướng vào việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 

Tuy nhiên, hiện nay, trong quy trình thủ tục lập pháp chưa vận dụng được những thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quá trình này. Đơn cử như hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá, tổng kết thi hành luật chưa được áp dụng công nghệ thông tin một cách phổ biến. Việc sưu tầm, tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật trước đây chủ yếu thông qua các nguồn như Công báo, Phụ lục Công báo của Nhà nước, các sổ công văn đi, đến... thì nay đã có thể tra cứu trên một số cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật điện tử do cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và đưa lên sử dụng Internet. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu điện tử hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của hoạt động lập pháp nói chung.

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp còn gặp nhiều khó khăn là do một số nguyên nhân như: Trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được trang bị đầy đủ, chưa theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và cập nhật liên tục để có thể tra cứu, tập hợp văn bản, chưa có phần mềm hữu hiệu trợ giúp cho hoạt động nghiệp vụ trong công tác rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật. Đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện các khâu của hoạt động lập pháp chưa được đào tạo đầy đủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và nguyên nhân nữa đó là sự nhận thức của các cấp, các ngành chưa cao đối với tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động để từ đó đầu tư thích hợp cho công tác này. 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp

Hoạt động lập pháp bao gồm một chuỗi các quy trình cụ thể, được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp và một số các Luật có liên quan. Vì thế, để có cái nhìn toàn diện và đầy đủ về thực trạng ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động lập pháp, chúng ta cần xem xét từ những quy trình, giai đoạn cụ thể, đặc biệt là hoạt động của Quốc hội.

Theo đó, thứ nhất, chúng ta cần xây dựng mô hình hoạt động của kho dữ liệu khai thác trong việc phục vụ công tác lập pháp. Với sự phát triển của công nghệ phân cấp hệ thống lưu trữ (tiered storage), các tổ chức càng ngày càng chấp nhận công nghệ phân cấp lưu trữ trong tổ chức để đảm bảo hiệu năng hoạt động, tốc độ tăng trưởng dữ liệu cao trong khi vẫn đảm bảo được chi phí giá thành.

Thứ hai, bảo đảm cơ sở hạ tầng và nguồn lực để triển khai. Trong đó, cơ sở hạ tầng là điều kiện cần để triển khai bất kỳ một hệ thống thông tin nào. Chính vì vậy, để đảm bảo quá trình triển khai ứng dụng điện toán mây được thành công và đạt hiệu quả cao, cần chú trọng kịp thời đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với nhu cầu triển khai ứng dụng. Cơ sở hạ tầng cần phải sẵn sàng trước khi triển khai ứng dụng điện toán đám mây.

Thứ ba, bảo đảm kinh phí đầu tư cho triển khai ứng dụng CNTT. Việc đầu tư sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả, tránh lãnh phí, lựa chọn những công nghệ mới phù hợp với đặc thù của Viện Nghiên cứu lập pháp nói riêng và các cơ quan lập pháp nói chung; đặc biệt quan tâm vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng dùng chung.

Thứ tư, cần có cơ chế chính sách, các quy chế quản lý có liên quan và lộ trình triển khai trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, hàng năm coi việc ứng dụng và phát triển CNTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra sự phối hợp giữa các ngành, các cấp là rất quan trọng. Bên cạnh đó là việc hoàn thiện và ban hành hệ thống các văn bản quản lý, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, bộ đơn giá… tạo điều kiện đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng CNTT, phát triển Quốc hội điện tử, an toàn thông tin theo các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.

CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Thái Lan

Chiến lược Thái Lan 4.0 ưu tiên phát triển các động lực kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ bền vững, cũng như tăng khả năng tiếp cận các lợi ích của tăng trưởng kinh tế cho tất cả các nhóm thu nhập. Các sáng kiến Chính phủ điện tử 4.0 của Thái Lan là một phần của Chiến lược này và việc ứng dụng các công nghệ mới cho việc cung cấp dịch vụ công dự kiến sẽ hỗ trợ để chuyển đổi số trong xã hội Thái Lan nói chung, cải thiện các dịch vụ công, thương mại điện tử và tăng cường kết nối giữa các cơ quan. [1]

Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc xử lý 2 loại dịch vụ là dịch vụ công và dịch vụ hỗ trợ. Dịch vụ công có 10 lĩnh vực dịch vụ bao gồm 36 loại dịch vụ. Các dịch vụ hỗ trợ có 8 lĩnh vực dịch vụ bao gồm 38 loại dịch vụ.[2]

Singapore

Chính phủ Singapore chia thành hai lĩnh vực cụ thể là các dịch vụ cho các dịch vụ công, tổ chức và hỗ trợ. Các dịch vụ cho công bao gồm 24 lĩnh vực nghiệp vụ và Hỗ trợ bao gồm 9 lĩnh vực hỗ trợ nghiệp vụ nội bộ. Tổng số có 33 lĩnh vực cụ thể và 137 chức năng.[3]

Hoa Kỳ

Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ cung cấp, duy trì và sử dụng dữ liệu có một vị trí duy nhất trong xã hội và duy trì niềm tin vào dữ liệu liên bang là mấu chốt của một quy trình dân chủ. Chiến lược dữ liệu liên bang Hoa Kỳ gồm 4 lĩnh vực: Quản trị dữ liệu tổng thể; Truy cập, sử dụng và mở rộng; Ra quyết định và trách nhiệm; Thương mại hóa, đổi mới và sử dụng công cộng.[4]

Australia

Australia là một trong những nước phát triển dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng các công nghệ mới vào quản lý và cung cấp dịch vụ của chính phủ - ngày nay thường được gọi là "Chính phủ điện tử". Trong xu hướng phản ánh khu vực tư nhân, Chính phủ Australia đang bước vào giai đoạn phức tạp cung cấp dịch vụ tích hợp cả trực tuyến và thông qua các kênh khác.[5]

___________________________

[1]Chính phủ điện tử Thái Lan 4.0 và vai trò các cơ quan Trung ương. Truy cập http://aita.gov.vn/chinh-phu-dien-tu-4.0-o-thai-lan-vai-tro-cua-cac-co-quan-trung-uong

[2] Mô hình trợ giúp pháp lý các nước trên thế giới. Truy cập: https://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/mo-hinh-tro-giup-phap-ly-cac-nuoc-tren-the-gioi.

[3] Mô hình trợ giúp pháp lý các nước trên thế giới. Truy cập: https://trogiupphaply.gov.vn/nghien-cuu-trao-doi/mo-hinh-tro-giup-phap-ly-cac-nuoc-tren-the-gioi.

[5] Thanh Hằng. Chính phủ đứng đầu thế giới. Truy cập https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/chinh-phu-dien-tu-dung-dau-the-gioi-3328224/

Trung Hiếu