Khai thác di sản Phật giáo phát triển du lịch

Tìm kiếm mô hình phù hợp

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:42 - Chia sẻ
Với hệ thống di tích lịch sử gắn với triều Trần và Phật giáo Trúc Lâm, cùng hệ thực vật phong phú, sông suối, núi hồ tú lệ, lại thêm giao thông thuận lợi, Quảng Ninh được đánh giá hội đủ yếu tố để phát triển du lịch. Theo TS Phạm Thị Thảo, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội, dựa vào đặc điểm tài nguyên di sản Phật giáo trên địa bàn, Quảng Ninh có thể phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả nếu tìm được mô hình phù hợp.

Quảng Ninh là nơi phát tích của triều Trần, của Phật giáo Trúc Lâm, là nơi viên tịch của Điều Ngự Giác Hoàng, là nơi ẩn chứa dấu tích của trường đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam; gắn liền với những nhân tài anh kiệt như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Bảo Sái, Thiền sư Minh Không… Tháng 12.2020, việc khánh thành chùa Quỳnh Lâm (thị xã Đông Triều) - trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần, được đánh giá là tiền đề để Quảng Ninh xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, góp phần mở rộng không gian du lịch, thu hút nhân dân và du khách cả 4 mùa trong năm; qua đó lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp.

Qua nghiên cứu trong và ngoài nước, TS Phạm Thị Thảo, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội, gợi ý một số mô hình mà Quảng Ninh có thể tham khảo để khai thác giá trị của các di tích trên địa bàn, phát triển du lịch một cách bền vững và hiệu quả.

Chùa Quỳnh Lâm - trung tâm đào tạo lớn của thiền phái Trúc Lâm dưới thời Pháp Loa - mới được khánh thành tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh  

Ảnh: Vũ Tùng 

Công viên Phật giáo 

Xây dựng các kiến trúc Phật giáo dưới tán cây, rừng cây theo chủ đề hoặc câu chuyện trong một số tích truyện Phật giáo nhất định. Mô hình này cần bảo đảm tận dụng không gian trống lớn dưới các khu cây xanh giao nhanh, hết sức tránh chặt cây, mở đường. Ngay cả các nguyên liệu và màu sắc thiết kế cũng phải phù hợp với không gian rừng cây, hoa lá. Như vậy, vừa bảo đảm giữ gìn cảnh quan môi trường, vừa giúp du khách hiểu hơn về nguồn gốc, sự hình thành và triết lý nhân văn của Phật giáo.

Tăng cường tổ chức các ngày lễ lớn của Phật giáo như Phật đản, ngày Trần Nhân Tông nhập niết bàn, Thiền sư Pháp Loa nhập tịch, hoặc các hội thảo, hội nghị về Phật giáo trong nước và quốc tế, nhằm thu hút sự quan tâm chú ý và tăng sức lan tỏa của di tích.

Trải nghiệm đời sống chốn Phật môn

Cư sĩ có thể tham gia trực tiếp vào các khóa tu, tu tập hành trì theo nhật kỳ. Trong các khóa này, những nghi lễ Phật giáo như các bài thiền, bài tụng niệm, nghi lễ cúng tế… cần được thi triển và có sự hỗ trợ tu tập của các tăng, ni, giúp cư sĩ hiểu hơn về con đường, cách thức tu tập, từ đó tìm hiểu giáo lý đạo Phật, cân bằng cuộc sống, tĩnh lặng nhân tâm, thực hành thiện nghiệp, giúp cuộc sống có giá trị hơn.

Cũng có mô hình để cư sĩ tham gia dài ngày hơn và chi tiết hơn hình thức tu luyện, học hành các nghi lễ Phật giáo. Theo đó, cư sĩ được tham gia sinh hoạt cùng tăng, ni, từ ăn, ở, lao động, tu tập đến các nghi thức tụng niệm… Hình thức này đòi hỏi cư sĩ có thời gian tối thiểu 10 ngày, sự tự giác càng lớn thì khả năng giác ngộ càng cao. Cách thức tổ chức cần chu đáo, tỉ mỉ nhưng tự nhiên, để người tu tập tự thức tỉnh, tự giác ngộ. Đây cũng là hình thức tuy phát triển du lịch nhưng không làm xao động, ảnh hưởng tới chốn thiền môn.

Xây dựng thực cảnh

Đây là sự phối hợp có quy mô của nhà văn, biên đạo, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, ánh sáng, sân khấu… dựa trên cấu tứ câu chuyện còn được ghi chép trong sử sách về các huyền thoại gắn với những di tích này. Đây là sự kết hợp tuyệt vời nhất giữa giá trị văn hóa và giá trị tâm linh.

Với Quảng Ninh, thực cảnh được xây dựng có thể là mảnh ghép của các cốt truyện về Điều Ngự Giác Hoàng trốn cung về Yên Tử, bị triệu hồi về kinh đô, 2 lần dẹp giặc Nguyên Mông, trao ngôi và về Yên Tử lần 2, truyền ân cho Nhị tổ Pháp Loa, thuyết pháp giảng kệ, viên tịch tại Ngọa Vân, Thiền sư Pháp Loa in khắc kinh sách lưu truyền hậu thế, Nhị tổ rước xá lị của Phật Hoàng về Quỳnh Lâm… Đây sẽ là hình thức thu hút khách du lịch lớn nhất, lại bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống.

Ẩm thực chay tịnh

Sức khỏe và môi trường là hai vấn đề ngày càng được loài người quan tâm và đề cao. Ẩm thực Phật giáo đáp ứng được cả hai yếu tố này khi thực hiện ẩm thực chay tịnh. Có thể cung cấp các dịch vụ ẩm thực chay tịnh, cũng có thể tổ chức các lớp, khóa học nấu thực đơn chay tịnh, làm quen với cách tư duy, các quan điểm về nhân sinh, nhân quả qua thưởng thức ẩm thực Phật giáo.

Ngoài ra, kiến trúc nghệ thuật Phật giáo, tiếng thỉnh chuông, âm thanh tụng niệm, âm nhạc truyền thống, các văn vật của di tích như sắc phong, bia, câu đối, vật thiêng… cũng nên được tuyên truyền, quảng bá để tạo giá trị cho du lịch.

Phát triển du lịch trên tài nguyên Phật giáo, điều khó nhất chính là khai thác các giá trị ấy để phục vụ xã hội mà không làm mất đi chức năng của các tăng, ni là tu dưỡng thân tâm, tham ngộ Phật pháp. Thiết nghĩ, các mô hình du lịch dựa trên di sản Phật giáo không chỉ để hoằng dương đạo pháp mà quan trọng hơn là để khai tâm minh tính, phổ độ chúng sinh. Chúng ta cần biết cân bằng, hài hòa phát triển giữa các tiêu chí này thì việc phát triển du lịch dựa trên tài nguyên Phật giáo vốn có mới trở nên bền vững và có ý nghĩa. Có như thế, mối quan hệ giữa đạo pháp và xã hội mới cân bằng, trọn vẹn được giá trị mà Phật tổ tựu tác truyền lưu.

Quần thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều là một trong 5 di tích quốc gia đặc biệt, nằm trong 632 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; thuộc không gian linh thiêng của 14 di tích với quần thể kiến trúc, văn hóa rộng lớn trải khắp sườn Đông và Tây Yên Tử đang được tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Hải Dương và Bắc Giang tích cực triển khai xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO xem xét công nhận là Di sản thế giới.

 

Đỗ Vũ lược ghi