Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVII

Tìm giải pháp căn cơ, tạo chuyển biến thực sự

- Thứ Bảy, 12/12/2020, 07:24 - Chia sẻ
Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; một số khoản thu chưa đạt tiến độ dự toán được giao; nợ thuế còn cao; ô nhiễm môi trường một số nơi chậm được cải thiện; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm… Những thách thức này đòi hỏi mỗi đại biểu tại kỳ họp phải tập trung trí tuệ, nghiên cứu đóng góp ý kiến thiết thực nhằm tìm ra giải pháp căn cơ, tạo chuyển biến thực sự trong thực tế.

Rà soát những chỉ tiêu có tính khả thi cao

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật, với 20/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 4,45%; thu NSNN ước thực hiện 15.992 tỷ đồng, đạt 105,1% dự toán HĐND tỉnh giao… “Thành công lớn nhất của Nghệ An là mặc dù địa bàn rộng lớn, dân số đông, đường biên giới dài, có cửa khẩu, nhiều đường mòn và lối mở, lực lượng lao động xuất khẩu và lao động tự do tại nước ngoài đông, nhưng bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả”, ông Vinh chia sẻ.

Dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết, tháo gỡ. Trong đó, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải, nhà hàng, khách sạn... bên cạnh đó, một số khoản thu NSNN chưa đạt tiến độ dự toán được giao; nợ thuế còn cao; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là các dự án hạ tầng trọng điểm; công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại một số đơn vị còn chậm…

Trao đổi bên lề hành lang kỳ họp, đại biểu đề nghị UBND tỉnh xác định rõ, cụ thể hơn những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2021, rà soát những chỉ tiêu có tính khả thi cao, những nội dung cần được ưu tiên để tập trung nguồn lực đầu tư và sự lãnh đạo, điều hành; bổ sung các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021. Đồng thời, bố trí ngân sách hợp lý, có thứ tự ưu tiên trong đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình, dự án; quan tâm bố trí kinh phí cho việc thực hiện cơ chế, chính sách mới, nhất là những nghị quyết về cơ chế, chính sách HĐND tỉnh đã ban hành; ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đề nghị UBND tỉnh đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn khó khăn, thách thức do đại dịch Covid -19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu để đề ra nhiệm vụ, giải pháp 2021 cho phù hợp. Đồng thời, cần có những định hướng, giải pháp cụ thể để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút được những dự án lớn mang tính động lực tạo ra bước đột phá về tăng trưởng; rà soát để chủ động xây dựng các chính sách cho cả nhiệm kỳ, tránh ban hành chính sách manh mún, không cân đối nguồn lực. “UBND tỉnh cần rà soát thống nhất về số liệu tài chính ngân sách giữa các báo cáo kinh tế - xã hội và các báo cáo tài chính ngân sách, kế hoạch tài chính 5 năm”, ông Đường nhấn mạnh.

		Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh: Hải Phong
Các đại biểu tham dự kỳ họp
Ảnh: Hải Phong

Không để hình thành “điểm nóng” ô nhiễm môi trường

Tại phiên khai mạc kỳ họp, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT), coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để Nghệ An thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển năm 2021. Theo đại diện UBND tỉnh, công tác BVMT trên địa bàn thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, một số địa phương cấp huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác BVMT; việc phân định trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của UBND cấp huyện chưa rõ ràng. Nguồn ngân sách của tỉnh eo hẹp, đang phải cân đối từ ngân sách trung ương. Trong khi đó, kinh phí đầu tư, vận hành các công trình BVMT và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường rất lớn nên việc chi cho sự nghiệp BVMT khó đáp ứng nhu cầu thực tế…

Thẩm tra lĩnh vực này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh bổ sung, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp trung công tác quản lý, BVMT, tình hình thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, kết quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác BVMT trên địa bàn trong thời gian qua. Xác định cụ thể hơn kế hoạch, lộ trình xử lý ô nhiễm môi trường trong năm 2021 từ hoạt động chăn nuôi; các cơ sở chế biến thủy hải sản, chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phục hồi môi trường (hoàn thổ, cải tạo môi trường), nhất là trong khai thác khoáng sản. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ô nhiễm môi trường sau thanh tra, kiểm tra, giám sát; bổ sung các chế tài quản lý, xử lý trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, BVMT.

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý quyết liệt việc giải quyết các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhất là đối với các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức về BVMT cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và mọi tầng lớp Nhân dân; “Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung giải quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong Nhân dân, không để hình thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường và an ninh trật tự; rà soát phân cấp về quy định BVMT trên địa bàn cho phù hợp với thực tế, phân định rõ trách nhiệm quản lý về BVMT của cấp huyện và cấp xã” - ông Trung nhấn mạnh.

Diệp Anh