Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc

- Thứ Sáu, 21/01/2022, 22:40 - Chia sẻ
Tại tọa đàm "Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu Trung Quốc" ngày 21.2, các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, vì vậy Việt Nam cần chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Đừng nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính!

Theo Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Tiến, ùn tắc nông sản sang Trung Quốc hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay nặng nề hơn do nước này thực hiện chiến lược "zero Covid". Hiện tại và trong tương lai, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của nước ta. Bên cạnh đó, Trung Quốc ngày một kiểm soát ngặt nghèo về chất lượng hàng hóa và chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, nhưng nông sản Việt Nam xuất khẩu bằng đường chính ngạch rất ít. 

Ùn tắc nông sản sang Trung Quốc hầu như năm nào cũng diễn ra.
Ùn tắc nông sản sang Trung Quốc hầu như năm nào cũng diễn ra.

“Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính. Họ đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng với châu Âu. Do đó, chúng ta cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại. Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch”, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết xuất khẩu chính ngạch thuận lợi ở chỗ giúp doanh nghiệp chủ động về nhiều mặt, trong đó có việc tìm được khách hàng chính thống, thay vì để thương nhân Trung Quốc sang mua bán ở nước ta. "Nhiều doanh nghiệp quen xuất khẩu tiểu ngạch nên thấy xuất khẩu chính ngạch còn mới. Dù không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi được nhưng theo tôi các doanh nghiệp phải sớm chuyển hướng để tránh rủi ro". 

Cũng đề cập tình trạng nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu tiểu ngạch, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho rằng, cho rằng doanh nghiệp cần thay đổi tiêu chuẩn rất mạnh mẽ. Nếu không chủ động đáp ứng những thay đổi về tiêu chuẩn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ là rào cản lớn nhất đối với xuất khẩu nông sản vào thị trường này.

“Tôi cho rằng thị trường Trung Quốc còn khó hơn thị trường Mỹ, chúng ta phải thay đổi tư duy Trung Quốc là thị trường dễ tính ngay lập tức. Tôi mong muốn điều này được lan tỏa mạnh mẽ, để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nông dân thay đổi tư duy, tạo tính chủ động về nguồn hàng”, bà Vy nói.

Cần xây dựng chiến lược Quốc gia về xuất khẩu nông sản

Hiện tại được cho là thời điểm tốt nhất để nông sản Việt Nam thay đổi chiến lược để xuất khẩu sang Trung Quốc. “Vấn đề ở đây là nông sản của chúng ta có đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Trung Quốc sắp đặt ra hay không?”, bà Vy đặt vấn đề.

Theo Vụ trưởng Vụ nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Tiến, trước mắt cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng yêu cầu của nước nhập khẩu. “Vấn đề lớn nhất là đảm bảo liên kết vùng trồng và nhà máy theo quy trình an toàn thực phẩm”, ông Tiến nói.

Một trong những yêu cầu của thị trường Trung Quốc là sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có mã số vùng trồng. Với kinh nghiệm 8 năm xuất khẩu trái cây tươi và đông lạnh sang Mỹ, thị trường áp dụng truy xuất vùng trồng cho tất cả các loại trái cây, bà Vy cho rằng truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc là vấn đề đơn giản với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, rất nhiều địa phương cũng như hợp tác xã, nông dân đang mập mờ truy xuất nguồn gốc, xảy ra tình trạng “mã mượn”. Trong thời gian qua, đã có nhiều chương trình đào tạo ở địa phương để giúp doanh nghiệp, nông dân,… hiểu được truy xuất nguồn gốc để làm chuẩn chỉnh, mới có thể xuất khẩu.

Bàn thêm về các giải pháp, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam nhấn mạnh, cần xây dựng chiến lược Quốc gia về xuất khẩu nông sản, tránh câu chuyện ùn ứ xảy ra như vừa qua.

Hạnh Nhung