Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ:

Tìm điểm cân bằng lợi ích các bên

- Thứ Hai, 24/01/2022, 05:45 - Chia sẻ
Tại Hội thảo góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Ủy ban Pháp luật tổ chức đã có những quan điểm khác nhau trong giải quyết xung đột giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Trước những quan điểm khác nhau này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc tìm điểm cân bằng lợi ích cho các bên là yêu cầu và mục đích hướng tới của cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật.

Mâu thuẫn giữa quyền nhân thân và quyền tài sản

Làm tác phẩm phái sinh là một quyền thuộc nhóm quyền tài sản và hiện chỉ được thực hiện khi được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện (theo điều 18,19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành). Cũng theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Dù quy định hiện hành có một số ràng buộc với việc làm tác phẩm phái sinh như vậy, nhưng Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết, tình trạng vi phạm quyền tác giả còn diễn ra phổ biến mặc dù Trung tâm đã nỗ lực thực hiện các bước tuyên truyền, thuyết phục, thỏa thuận, đàm phán, cảnh báo vi phạm tới đơn vị sử dụng với đầy đủ chứng cứ, căn cứ pháp lý.

Một vấn đề nổi lên trong những năm gần đây là sự xung đột giữa quyền nhân thân và quyền tài sản trong thực hiện quyền tác giả, có khả năng gây cản trở sự phát triển và quyền thụ hưởng của công chúng. Xung đột phát sinh khi tác giả nắm các quyền nhân thân độc quyền khiếu nại, khởi kiện chống lại chủ sở hữu quyền tác giả vì cho rằng việc biến đổi tác phẩm gốc xâm phạm các quyền nhân thân (trừ quyền công bố) vốn được pháp luật bảo hộ vô thời hạn, không thể chuyển giao, không thể chuyển nhượng. Và, thường xuyên nhất chính là quyền độc quyền chống hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại uy tín, danh dự của tác giả theo khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ.

Sự xung đột này, theo ông Đinh Trung Cẩn, là do không dễ dàng phân biệt ranh giới giữa các quyền nhân thân của tác giả với các quyền tài sản của cả tác giả và đơn vị được giao kinh doanh tác phẩm quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật hiện hành. Thậm chí, sự xung đột giữa hai quyền này gây khó khăn trong giải quyết một số vụ việc. Điển hình là vụ việc hoạ sĩ Lê Linh kiện Công ty Phan Thị để bảo hộ hình tượng các nhân vật trong bộ truyện tranh “Thần Đồng Đất Việt”. Ông Đinh Trung Cẩn lưu ý, trong thời đại công nghệ 4.0, các bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức hát lại, phóng tác, chế tác được liên tục đưa lên mạng và nhân bản với số lượng vô hạn trong thời gian cực ngắn thì việc bảo vệ trở nên vô cùng khó khăn.

Trước những vụ việc nêu trên, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng, cần cân nhắc khi bổ sung vào điểm b khoản 1 Điều 26 Luật hiện hành theo hướng với trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép.

Đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng cho rằng, việc không phải xin phép đối với mọi quyền tài sản (trong đó quyền làm tác phẩm phái sinh) là không phù hợp với các quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bởi, các điều ước quốc tế này đều quy định về giới hạn và ngoại lệ gồm: Phải xác định rõ các hạn chế và ngoại lệ đối với các quyền được quy định trong những trường hợp đặc biệt cụ thể nhất định; không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.

Tăng khả năng tiếp cận tác phẩm cho công chúng

Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Ban soạn thảo đã dành nhiều thời gian đánh giá kỹ về nội dung này, "cân lên đặt xuống" nhiều lần để giải quyết mâu thuẫn giữa quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền làm tác phẩm phái sinh vốn đang phát triển nở rộ trong nước cũng như quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Ban soạn thảo đã đề nghị bỏ khái niệm “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” trong Điều 19, đưa ra quy định tương thích với quy định gốc tại Công ước Berne và cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam. Theo đó, phản đối sự xuyên tạc, cắt xén và những phương hại khác đến tác phẩm gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của tác giả. Tại Điều 20 của dự thảo Luật cũng quy định với trường hợp làm tác phẩm phái sinh ảnh hưởng đến quyền nhân thân của tác giả thì phải được sự đồng ý của tác giả.

Dù các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố vì mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại sẽ không phải xin phép, song, theo quy định tại Điều 26 dự thảo Luật, trong việc làm các tác phẩm này sẽ vẫn phải trả tiền nhuận bút, trả công cho tác giả theo thỏa thuận giữa hai bên. Do vậy, đại diện Cục Bản quyền tác giả khẳng định, quy định tại dự thảo Luật mới nhất là phương án được đưa ra nhằm vừa bảo đảm cân bằng quyền lợi giữa các bên liên quan, vừa không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường loại hình tác phẩm này.

Nhưng, chưa hài lòng với quy định tại Điều 26 dư thảo Luật, Luật sư Lê Xuân Lộc, Công ty Luật TNHH Tilleke & Gibbins Việt Nam cho rằng, nếu quy định theo hướng mọi quyền nhân thân cũng được chuyển giao như quyền tác giả, chúng ta sẽ tạo ra "một cuộc cách mạng" trong xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ. Bởi, hiện vẫn tồn tại sự không rõ ràng trong cách tiếp cận của hai hệ thống luật lớn trên thế giới (hệ thống luật châu Âu lục địa và hệ thống luật Anh - Mỹ) về vấn đề này. Tuy nhiên, Luật sư Lê Xuân Lộc lưu ý, không nên tuyệt đối hóa chuyển giao mọi quyền nhân thân, thay vào đó phải cân nhắc kỹ khi đưa ra quy định có liên quan đến cả quyền nhân thân và quyền tác giả (nổi bật là về làm tác phẩm phái sinh - PV). Phương án hợp lý, theo ông Lê Xuân Lộc, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đưa quy định cụ thể tại dự thảo Luật về một số lĩnh vực giới hạn được tiến hành làm tác phẩm phái sinh mà không phải xin phép.

Các quan điểm được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia luật đưa ra là những góc nhìn khác nhau, đại diện cho quyền lợi của các nhóm lợi ích khác nhau (tác giả, quản lý Nhà nước và công chúng). Sự xung đột nhất định giữa bên nắm các quyền liên quan với tác phẩm với bên sử dụng cũng là điều khó tránh khỏi trong thực tế sáng tác, lưu hành một tác phẩm. Trước vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, bài toán đặt ra và mục đích hướng đến của Ủy ban Pháp luật trong quá trình chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật này là: Tìm điểm cân bằng lợi ích cho các bên.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, sẽ tìm phương án xử lý phù hợp nhất cho một số vấn đề mới, chưa ổn định, chưa có trải nghiệm thực tiễn ở Việt Nam hay chưa đạt sự đồng thuận cao, nhưng cần thiết được điều chỉnh tại dự thảo Luật. Trong đó, một phương án được Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra quy định khung nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình triển khai; giao Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết phù hợp với từng điều kiện thực tế cụ thể.

Lê Bình