Tìm cơ chế cho điện mặt trời

- Thứ Năm, 11/03/2021, 05:27 - Chia sẻ
Bộ Công thương vừa có công văn hỏa tốc đề nghị các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời.

Cụ thể, các địa phương và EVN phải tổng hợp danh sách các dự án điện mặt trời có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng. Trên cơ sở này, nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành, từ đó giảm bớt thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư.

Động thái của Bộ Công thương nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời và xử lý ngay những vấn đề phát sinh chưa lường hết, nhất là với điện mặt trời mái nhà, để tránh xảy ra hậu quả xấu.

Trên thực tế, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời đã tạo ra sự phát triển bùng nổ của năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng ở nước ta.

Đến hết ngày 31.12.2020, có 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.296 MWp. Đáng chú ý, 3 ngày trước đó (28.12.2020), cả nước mới chỉ có 86.003 dự án hòa lưới với tổng công suất 5.289 MWp. Rõ ràng là các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có một cuộc chạy nước rút đấu nối vào lưới điện để được hưởng mức giá ưu đãi (giá FIT) 1.943 đồng/kWh, tương đương 8,38 cent/kWh, kéo dài trong 20 năm theo Quyết định 13 - hết hiệu lực vào ngày 31.12.2020.

So với mục tiêu của Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, công suất điện mặt trời hiện vượt rất xa. Tại phiên giải trình của Ủy ban Kinh tế về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Công thương cho biết Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự kiến công suất điện mặt trời tới năm 2020 dự kiến là 850 MW nhưng thực tế đến tháng 8.2020 đã đạt 5.245 MW. Theo thông tin của EVN, tổng công suất điện mặt trời hiện chiếm khoảng 25% công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống.

Việc phát triển quá nóng các nguồn điện mặt trời, cùng với đặc điểm tự nhiên của loại năng lượng này là phụ thuộc lớn vào thời gian nắng trong ngày đã gây ra một số bất lợi, áp lực trong vận hành hệ thống điện. Chẳng hạn, chênh lệch giữa phụ tải cao điểm và thấp điểm trong ngày rất lớn; hoặc phụ tải cao điểm buổi chiều có công suất lớn nhưng không còn điện mặt trời hỗ trợ dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác điều độ hệ thống điện. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.

Vì những lý do trên, đầu năm nay EVN đã phải thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia - khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng và bức xúc.

Trước diễn biến này, cùng với mục đích bịt các kẽ hở chính sách dẫn đến sự phát triển ồ ạt điện mặt trời trong thời gian qua, Bộ Công thương đang dự thảo cơ chế giá điện mặt trời mái nhà thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 để trình Thủ tướng. Theo thông tin ban đầu, giá mua điện dự kiến giảm còn 5,3 - 5,8 cent/kWh tùy công suất. “Với giá này thì không ai làm”, nhiều nhà đầu tư bình luận và cho rằng như vậy sẽ đi ngược chủ trương khuyến khích điện mặt trời mái nhà nói riêng, năng lượng tái tạo nói chung.

Những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng khi hoạch định chính sách để đồng thời đạt được 2 mục đích. Một mặt, không để xảy ra tình trạng ồ ạt làm điện mặt trời theo phong trào, thiếu kiểm soát để tránh quá tải lưới điện khu vực và nhiều hậu quả xấu sau này. Mặt khác, vẫn phải hướng đến phát triển điện tái tạo một cách hợp lý, trong đó có điện mặt trời, và kèm theo đó cần có chính sách lâu dài, ổn định hơn cho việc phát triển loại năng lượng này.

Hà Lan