Phát triển năng lượng tái tạo

Tìm chất kết dính cho nhà đầu tư

- Thứ Hai, 17/01/2022, 06:56 - Chia sẻ
Theo nhiều chuyên gia, thách thức lớn nhất đối với phát triển năng lượng tái tạo là làm thế nào để cạnh tranh được với các nguồn năng lượng hóa thạch, khi việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch chưa phải gánh chịu đầy đủ các chi phí về môi trường. Do vậy, để có thể đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, trong đó điểm nhấn là cơ chế giá mua bán điện FIT.

Chưa ổn định, thiếu định hướng

Cơ chế giá điện FIT trên thế giới thường được áp dụng cho các hợp đồng có thời hạn từ 10 - 25 năm. Giá điện FIT hàm chứa 3 yếu tố cốt lõi để phát triển năng lượng tái tạo là: một sự đảm bảo để nguồn năng lượng tái tạo kết nối với lưới điện, một hợp đồng mua bán điện dài hạn và một mức giá bán điện hợp lý cho nhà đầu tư.

Thuật ngữ “Feed-in Tariffs” (FIT) được hiểu là biểu giá điện hỗ trợ, ra đời tại Mỹ vào năm 1978. Đây là một cơ chế giúp tăng khả năng cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo so với các nguồn năng lượng truyền thống trong phát điện. Theo báo cáo về thực trạng năng lượng tái tạo toàn cầu 2021, số quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng cơ chế giá điện FIT đã tăng từ 63 lên 83 quốc gia trong giai đoạn 2010 - 2020. Nhiều quốc gia đã sử dụng giá điện FIT như một trong những công cụ chính để phát triển năng lượng tái tạo và thu được nhiều thành công như Đức, Đan Mạch, Ấn Độ, Úc, Mỹ...

Việt Nam đã ban hành và áp dụng cơ chế giá điện FIT cho điện sản xuất từ năng lượng gió, sinh khối (bao gồm cả rác thải) và năng lượng mặt trời lần lượt vào các năm 2011, 2014, 2017, 2018, 2019 và 2020. Qua các cơ chế giá điện FIT thời gian qua, có thể thấy nước ta đang thực hiện mô hình cố định, độc lập với thị trường điện. Theo đó, giá điện FIT áp dụng thống nhất trong cả nước với thời hạn 20 năm, không phân biệt quy mô và vị trí dự án (trừ các dự án điện gió theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg thì phân biệt điện gió trong đất liền và điện gió trên biển).

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Cảnh Huy, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách đủ dài và tương đối ổn định với thủ tục pháp lý rõ ràng mới thu hút được các nhà đầu tư nhưng cơ chế giá điện FIT ở nước ta trong thời gian qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài. Đơn cử, đối với điện mặt trời, từ 2017 - 2020 đã qua 3 lần điều chỉnh nhưng cũng chỉ áp dụng cho các dự án đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31.12.2020. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT trong khi cơ chế mới chưa được ban hành. Đối với điện gió, Quyết định 39/2018 ngày 10.9.2018 áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước 1.11.2021. Như vậy các dự án điện gió sau ngày 1.11.2021 chưa có cơ chế áp dụng.

Thực tế còn cho thấy, biểu giá điện được áp dụng thống nhất còn dẫn đến việc tập trung phát triển tại các khu vực có tiềm năng kinh tế lớn (bức xạ điện mặt trời cao, tốc độ gió bình quân lớn). Hệ quả là quá tải lưới điện, nếu đầu tư tại những nơi có nhu cầu điện thấp thì phải truyền tải điện đi xa. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biểu giá phân biệt theo vùng miền và có sự điều chỉnh sau một khoảng thời gian căn cứ vào số giờ đầy tải trung bình.

Phát triển năng lượng tái tạo

Nguồn: ITN 

Linh hoạt theo quy mô dự án   

Từ kinh nghiệm của các quốc gia đã có những điều chỉnh, sửa đổi chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng cơ chế giá điện FIT phân biệt theo quy mô dự án sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia ở nhiều quy mô khác nhau, tránh những điểm nghẽn truyền tải, phải đầu tư mới hoặc nâng cấp lưới điện cũng như giảm tổn thất trong truyền tải điện.

Cơ chế giá điện FIT cần bảo đảm kiểm soát được sự gia tăng công suất điện từ năng lượng tái tạo cũng như bảo đảm kiểm soát được chi phí tổng thể của chính sách. Tránh tình trạng đã xảy ra như cơ chế giá FIT đối với điện mặt trời trong thời gian qua, khi được đặt ở mức “rất hấp dẫn”, cố định giá trong thời gian 20 năm và không có cơ chế kiểm soát lộ trình gia tăng như đã đưa ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, làm “bùng nổ” đầu tư vào các dự án đầu tư điện mặt trời. Việc đặt giá quá cao có thể dẫn đến sự gia tăng chi phí, tạo gánh nặng lên cả ngành điện và người tiêu dùng.

Do đó, cơ chế giá điện FIT cần được thiết kế linh hoạt theo từng loại dự án cụ thể cũng như quy mô của các dự án, đồng thời khuyến khích cạnh tranh giữa các nhà đầu tư mang tính “định hướng thị trường”. Bên cạnh đó là bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền theo từng giai đoạn, tránh việc chỉ tập trung tại các vị trí thuận lợi cho kết nối lưới, dẫn đến việc không sử dụng hiệu quả và ảnh hưởng đến độ tin cậy của lưới điện như đã xảy ra trong thời gian qua.

Về lâu dài, theo TS. Phan Duy An, Trưởng Ban Pháp chế, Tổng Công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cần nghiên cứu xây dựng, ban hành luật riêng về năng lượng tái tạo vì hiện các quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này đang nằm rải rác tại nhiều văn bản chuyên ngành như Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…

Anh Dũng