Tiêu hủy gần 2.400 sản phẩm vi phạm sở hữu công nghiệp

- Thứ Sáu, 21/10/2016, 15:10 - Chia sẻ
Ngày 21.10, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức tiêu huỷ 2.349 sản phẩm là tang vật vi phạm hành chính, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Cụ thể, các tang vật tiêu hủy lần này là các sản phẩm thời trang các loại như túi xách, ví da, dây lưng, đồng hồ, vòng đeo tay… được giả mạo các nhãn hiệu “DIOR” bảo hộ cho Christian Dior Couture (Pháp); nhãn hiệu “HERMÈS”, “HERMÈS&Hình”, “Hình”, “H&Hình” bảo hộ cho Hermes International (Pháp); nhãn hiệu “LOUIS VUITTON”, "LV", “Hình”, “LV& Hình” bảo hộ cho Louis Vuitton Malletier (Pháp).


Hoạt động tiêu hủy các sản phẩm túi xách, dây lưng, ví da vi phạm sở hữu công nghiệp.   

Toàn bộ số tang vật vi phạm hành chính nêu trên được tịch thu theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ KHCN ban hành để xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu (hành vi giả mạo nhãn hiệu) theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29.8.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quyền SHTT đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT. Theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2016, Thanh tra Bộ KHCN đã triển khai 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện các cơ sở vi phạm chủ yếu là về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, cạnh tranh không lành mạnh với tổng số tiền xử phạt trên 1,4 tỷ đồng, buộc tiêu hủy và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 205.444 sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, giả mạo nhãn hiệu, chủ yếu là các mặt hàng dược phẩm, bánh kẹo, bột chiên giòn, nước giải khát, thuốc bảo vệ thực vật, sắt thép, sản phẩm thời trang...; ban hành Kết luận thanh tra 09 cơ sở, theo đó công nhận sự thỏa thuận của các bên; dừng thủ tục xử lý vi phạm 05 cơ sở.

Theo Phó chánh thanh tra Bộ KHCN Trần Văn Toàn, bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là một đòi hỏi khách quan, không chỉ nhằm bảo vệ quyền của chủ thể, mà còn là cơ chế đảm bảo sự công bằng, thúc đẩy hoạt động sáng tạo của con người, góp phần bảo đảm một nền thương mại bình đẳng, dựa trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư của tổ chức, cá nhân vào những hoạt động sáng tạo; thúc đẩy hoạt động thương mại, chuyển giao công nghệ hợp pháp, qua đó nâng cao hàm lượng trí tuệ trong từng sản phẩm và dịch vụ.

Cũng theo ông Trần Văn Toàn, kết quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT này nhằm nâng cao nhận thức pháp lý của công chúng về quyền sở hữu trí tuệ trong việc xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản SHTT; Khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; Tạo ra nhận thức trong toàn xã hội để hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

Tin, ảnh: T. Cường