Tiết kiệm thời gian, dễ quản lý

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:17 - Chia sẻ
Theo Bộ Y tế, cùng với việc triển khai tiêm vaccine trên quy mô toàn quốc, ở tất cả các xã, phường với sự tham gia của các bộ, ngành thì ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng, bảo đảm cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đạt hiệu quả cao.

Đồng bộ kết quả và thông tin tiêm chủng

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, một điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc tổ chức tiêm tại các điểm tiêm sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý. Khoảng 15.000 điểm tiêm chủng đã có nhân lực, tài khoản được cập nhật và đưa lên bản đồ tiêm chủng; bảo đảm công khai về quy trình tiêm chủng, số liều vaccine đã sử dụng; số người được tiêm vaccine.

Công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng, bảo đảm hiệu quả cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Công nghệ thông tin là yếu tố quan trọng, bảo đảm hiệu quả cho chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Nguồn: ITN

Bộ Y tế cũng phát triển Sổ sức khoẻ điện tử đối với cá nhân, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc qua tin nhắn. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ. Bên cạnh đó, các thông tin khám sàng lọc (nhiệt độ, huyết áp, tim mạch, tiền sử bệnh tật, thuốc đang sử dụng…) của mỗi người được tiêm cũng được nhập vào Sổ sức khỏe điện tử, giúp đối chiếu các triệu chứng sau tiêm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vaccine và người dân có thể khai báo triệu chứng, những phản ứng sau tiêm, giúp cơ quan y tế quản lý và xử trí kịp thời.

Đại diện Bộ Y tế cho biết, khi đến tiêm, người dân chỉ cần check QR code và qua khám sàng lọc, điền thông tin vào trường ứng dụng có sẵn. Nếu đạt yêu cầu về sức khỏe, sẽ được tiêm và điền vào mục đã tiêm chủng. Sau tiêm hệ thống sẽ nhắc 2 tiếng/lần theo dõi phản ứng để người tiêm biết. Đối với những người không dùng điện thoại smartphone, sẽ có đầu số tổng đài nhắn những thông tin cụ thể liên quan đến tiêm chủng.

Việc sử dụng nền tảng quản lý công tác tiêm chủng và ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trong chiến dịch này, sẽ bảo đảm công tác tiêm chủng được nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, tiết kiệm thời gian cho người dân, giảm tải cho nhân viên y tế; tạo lập dữ liệu sức khỏe điện tử cho người dân. Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, hiện Việt Nam đã có hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và sẽ sớm có hệ thống cung cấp chứng nhận vaccine điện tử. Với lượng vaccine ngày càng nhiều, để đáp ứng yêu cầu quản lý, mở cửa giao thương thì việc hình thành hệ thống này cũng vô cùng quan trọng.

Chủ động kết nối dữ liệu

Để quản lý hiệu quả hoạt động tiêm chủng vaccine, nhiều địa phương đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng phần mềm quản lý tiêm chủng online; các thông tin về sàng lọc, tiêm chủng của từng người đến tiêm được cập nhật trên ứng dụng. Trong thời gian đối tượng tiêm chờ 30 phút sau tiêm, nhân viên y tế đã hướng dẫn người dân tải ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” vào thiết bị di động.

Với TP. Hồ Chí Minh, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị UBND thành phố giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng tạo dựng dữ liệu tiêm vaccine ban đầu. Đồng thời, thành lập Trung tâm hoặc Tổ công tác công nghệ phòng, chống dịch, hoạt động với tinh thần “lực lượng công nghệ và lực lượng y tế là một, công nghệ phục vụ y tế”, phối hợp và kết nối chặt chẽ với Trung tâm quốc gia để triển khai nhanh, hiệu quả các giải pháp công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có công tác tiêm chủng vaccine. 

Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia cho biết, Trung tâm công nghệ ở Trung ương là điểm hội tụ, nơi 2 ngành y tế và thông tin truyền thông đồng chủ trì triển khai việc ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch trên toàn quốc. Tương ứng với đó, các trung tâm hoặc tổ công nghệ phòng dịch Covid-19 tại tỉnh, thành phố là mô hình phối hợp hoạt động của 2 ngành y tế, trung tâm và truyền thông tại địa phương. Theo đó, Trung tâm ở Trung ương bảo đảm vận hành chung các hệ thống, còn địa phương khai thác và sử dụng các giải pháp công nghệ vào thực tế chống dịch của địa phương mình.

_______________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ)

Minh Nhật