Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động

- Thứ Hai, 08/11/2021, 12:37 - Chia sẻ
Người lao động, doanh nghiệp là động lực tăng trưởng; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước. Do vậy, cần tăng tốc triển khai các gói hỗ trợ và ban hành thêm gói hỗ trợ mới. Đó là ý kiến của nhiều ĐBQH khi thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, sáng 8.11.
Đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng chương trình đào tạo hướng nghiệp cho lực lượng lao động

Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động

Khẳng định để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm tới công nhân lao động, tạo động lực cho người lao động quay trở lại làm việc. Bởi đây là thời điểm mà người lao động là động lực tăng trưởng và hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực tăng trưởng của đất nước.

Đồng thời, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Điều đó đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản, tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

Cho ý kiến về lao động và việc làm, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, cần đẩy nhanh tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người dân để duy trì “nguồn cung” lực lượng lao động an toàn; tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đồng thời, tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa trở lại được bình thường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Tăng nguồn vốn giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ lại quê nhà...

Thêm gói hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Tăng tốc triển khai các gói hỗ trợ

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm. Do đó, Chính phủ cần có thêm chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn hiện nay; tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. Bởi, nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi.

Đồng tình với quan điểm đó, có ĐBQH cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song song với việc duy trì chuỗi cung ứng, cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ để không xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, thiếu hụt lao động và chuyên gia có tay nghề. Đặc biệt, thời gian qua, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng; mới có khoảng 30% các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có và đi vay không chính thức với chi phí rất cao. Do đó, cần có gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp là linh hồn của nền kinh tế.

Cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành, ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nhấn mạnh, những gói này được ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”. Song, việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều vấn đề. Do đó, cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận. Mặt khác, nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bởi, Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu, đưa ra các gói kích thích đủ lớn bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn bảo đảm kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.

___________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Thảo Mộc