Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021

Tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
Năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Đây là kết quả nổi bật được nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng như đánh giá của đại biểu trong phiên thảo luận trực tuyến chiều qua với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.  

Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2021 nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của đại biểu Quốc hội. Tham gia thảo luận từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhận thấy, có hai điểm đổi mới, nổi trội, đóng góp rất lớn vào kết quả phòng, chống tham nhũng trong năm 2021. Đó là chúng ta bước sang năm thứ ba thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và năm thứ hai triển khai việc mở rộng phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cùng với đó, trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển ngay cho cơ quan điều tra không cần chờ đến khi kết thúc thanh tra, góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả tham nhũng và thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý. Các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang… Các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can); kết luận điều tra đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can…

Ghi nhận những kết quả rõ rệt đạt được, song theo phân tích của đại biểu, thì báo cáo của Chính phủ cho thấy còn nhiều vấn đề cần làm rõ hơn. Ví dụ, so với năm 2020, thì năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số cuộc thanh tra hành chính đã giảm 32%, số cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị xem xét xử lý hành chính giảm 30%, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng, (tăng 6% về số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất, và tăng gần 4% số cá nhân chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý). Riêng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 42 cuộc thanh tra và phát hiện sai phạm về kinh tế ở 20 cuộc, chiếm gần 50% số cuộc thanh tra và số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý tăng hơn 20% so với 2020.

2021 là năm thứ ba thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, mở rộng đối tượng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, nhưng số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực này giảm 74% số đơn vị so với năm 2020 và số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng. Cụ thể, năm 2020 tổ chức 49 đoàn kiểm tra chỉ phát hiện 2 vụ; trong năm 2021 chỉ kiểm tra 13 đơn vị nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng ở 13 vụ. “Số liệu này cũng chưa rõ là có phải mỗi đơn vị một vụ hay không và nếu đúng như vậy thì tỷ lệ phát hiện vi phạm là 100% số đơn vị được kiểm tra với 19 đối tượng vi phạm và 5 đối tượng bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ chưa phân tích nguyên nhân là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp, hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu rõ.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phát biểu thảo luận tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh 

Tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu còn tương đối phổ biến

Đáng chú ý, một số tồn tại lặp lại và kéo dài nhiều năm được cơ quan thẩm tra nêu lên trong các năm trước, nhưng chưa có dấu hiệu thuyên giảm và cũng chưa có chuyển biến rõ rệt. Một trong số những tồn tại được Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra, đó là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Theo SIPAS 2020 (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính), tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu xảy ra ở 57/63 tỉnh; 48/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí, lệ phí, tăng 2 tỉnh so với năm 2019. Tỷ lệ người dân đi lại một lần mà giải quyết xong thủ tục hành chính chỉ đạt 29,69%, phải đi lại tới hai lần là 55,71%, phải đi lại tới ba lần là 9,64%, đi lại bốn lần là 4,41%... Kết quả PAPI 2020 (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) cũng cho thấy, tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu trong năm 2020 còn tương đối phổ biến, cụ thể là hiện tượng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước, hay “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng… còn khá phổ biến.

Năm 2021, “tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”. Khẳng định kết quả này, song Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”. Nhất trí với đánh giá này của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đáng chú ý, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với loại tội phạm mới này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo xử lý kịp thời, dứt điểm và kiên quyết không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ. Vì, hậu quả của những vi phạm này không chỉ đơn thuần về kinh tế mà còn là hậu quả về tinh thần, ý chí, tác động không nhỏ đến lòng tin của Nhân dân với Đảng, với chế độ, ảnh hưởng đến việc huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác phòng, chống dịch bệnh mà dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Hôm nay, Quốc hội dành trọn một ngày làm việc để tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của cơ quan tư pháp, của Chính phủ, trong đó có Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021. Mong rằng, các đại biểu Quốc hội tại các điểm cầu trên cả nước tiếp tục thảo luận, đánh giá công tâm, khách quan những kết quả đạt được cũng như hạn chế, tồn tại, qua đó đề xuất giải pháp cụ thể, thật sự căn cơ, góp phần tạo chuyển biến rõ nét hơn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo, đáp ứng mong đợi, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Anh Phương