Bài học kinh nghiệm qua các đợt mưa lũ tại miền Trung:

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

- Thứ Hai, 20/12/2021, 10:18 - Chia sẻ
Thiên tai năm 2021 không khốc liệt như năm 2020 nhưng mang nhiều yếu tố bất thường, khó dự báo. Đặc biệt, trên dải đất miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai với tần suất và cường độ lớn, qua các đợt mưa lũ vừa qua, các địa phương đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm; đánh giá kết quả đạt được; nhìn nhận khách quan, đầy đủ về những hạn chế, bất cập; từ đó có phương hướng nâng cao năng lực trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) ở những giai đoạn tiếp theo.

Công tác ứng phó thiên tai còn gặp khó khăn

Năm 2021, tính đến nay, các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng của 5 cơn bão (bão số 2, bão số 5, bão số 6, bão số 7, bão số 8) tuy không khốc liệt như năm 2020 nhưng hoàn lưu các cơn bão đã gây ra các đợt mưa lũ lớn gây thiệt hại không nhỏ cho người dân các tỉnh miền Trung, điển hình là các cơn bão số 5 và số 6.

Thiên tai từ đầu năm 2021 tại khu vực miền Trung đã làm 38 người chết, mất tích; 39 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 970 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 85.806ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 109.771m đê, kè, kênh mương bị sạt lở; nhiều tuyến giao thông bị tắc nghẽn do ngập lụt, sạt lở với khối lượng 1.077.556m3. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 2.100 tỷ đồng. Đặc biệt, trận mưa lũ tại miền Trung vừa qua (từ ngày 27-30.11) đã làm 19 người chết, mất tích; làm 26 nhà bị sập, đổ; 25 nhà bị thiệt hại…

Khi xảy ra thiên tai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai quyết liệt, chủ động phương án ứng phó kịp thời. Các địa phương đã phối hợp với các lực lượng quân đội, công an trên địa bàn huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ chiến sĩ và hàng nghìn phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân.

Mặc dù vậy, qua đợt mưa lũ vừa qua, bộc lộ một số bất cập, hạn chế như trên địa bàn các tỉnh, các hồ có dung tích cắt lũ nhỏ khi có mưa lớn dễ xảy ra lũ lụt. Công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực sông Ba giữa các tỉnh còn một số bất cập về quy trình, các điều kiện đảm bảo vận hành, thông tin và đảm bảo an toàn hạ du... khiến công tác phòng, chống lũ lụt hiệu quả chưa cao.

Mưa lớn gây ngập tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam
Mưa lớn gây ngập tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam

Phương châm “4 tại chỗ” là nhân tố quyết định trong PCTT

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai. Cụ thể, tính đến cuối tháng 11.2021, đã xảy ra 12 đợt mưa diện rộng và mưa lớn diện rộng. Do mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng bờ sông tiếp tục sạt lở khoảng 13km, sạt lở bờ biển khoảng 12,4km, nhiều công trình hạ tầng, dân sinh thiết yếu, công trình giao thông, thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng.

Trong thời gian qua, công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể, chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Từ các đợt thiên tai xảy ra trong những năm trước cũng như các đợt mưa lớn trong năm 2021, Thừa Thiên Huế cho rằng, việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) là nhân tố quyết định trong công tác PCTT. Nhờ thực hiện tốt “4 tại chỗ” và tự quản tại chỗ nên nhiều trường hợp khẩn cấp trong thời gian diễn ra bão lũ đã được hỗ trợ kịp thời, đồng thời, lương thực thực phẩm được nhân dân chuẩn bị chu đáo nên cả tỉnh không có trường hợp bị thiếu đói.

Nhanh chóng tổ chức di dời, sắp xếp dân cư vùng sạt lở đất

Tương tự nhiều tỉnh miền Trung khác, thiên tai xảy ra tại tỉnh Quảng Nam cũng không kém phần khắc nghiệt, đặc biệt về loại hình thiên tai sạt lở đất. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, trong PCTT, vai trò công tác dự báo rất quan trọng. Nếu như làm chính xác, thu hẹp được phạm vi dự báo thì công tác ứng phó, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở thuận lợi và chủ động hơn.

“Hiện Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương quan tâm đến công tác ứng phó trước khi bão lũ xảy ra. Điều mà địa phương cần là kinh phí để hỗ trợ cho người dân để họ gia cố lại nhà cửa, công trình trường học, trạm y tế công cộng. Nếu chúng ta ưu tiên ứng phó trước khi bão lũ đến thì sẽ giảm thiệt hại nhiều hơn khi bão lũ xảy ra”, ông Trần Phước Hiền cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, hiện nay hầu hết các địa phương ở miền Trung đều có sự tương đồng về địa hình, khí hậu... nên Tổng cục PCTT cần tổ chức những hội thảo để các địa phương cùng chia sẻ cách làm hay, từ đó có cách làm chung hiệu quả và tốt nhất.

Cũng là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, cho rằng, khi bị thiên tai, năm 2021, tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về sắp xếp, di dời 7.000 hộ dân, đặc biệt là người dân vùng núi, vùng có nguy cơ sạt lở, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, “ngoài hỗ trợ, tỉnh cũng tích cực trồng rừng sinh kế theo hình thức tăng cường trồng sâm ngọc linh tại các huyện với phương châm "có rừng mới trồng sâm", vừa mang lại kinh tế cho người dân vừa bảo vệ rừng, thích ứng an toàn với biến đổi khí hậu”.

Đề xuất ban hành Đề án tổng thể về PCTT

Tại Bình Định, trong tháng 11.2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt lũ lớn gây ngập lụt diện rộng tại 52 xã, phường, thị trấn của 10/11 huyện, thị xã, thành phố. Tổng thiệt hại sơ bộ qua các đợt mưa lũ là khoảng 360 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long cho biết, trước, trong và sau các đợt mưa lũ, tỉnh Bình Định đã có sự chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời, nhất là thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn tính mạng người dân. Do đó, dù tính chất các đợt mưa lũ trong năm 2021 có sự phức tạp, quy mô lớn, tuy nhiên, thiệt hại về người và tài sản được kéo giảm. Sau lũ lụt, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khắc phục ngay các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống cho người dân; xử lý môi trường, chủ động kiểm soát bệnh tật phát sinh sau lũ lụt.

Tỉnh Bình Định đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành Đề án tổng thể về PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022 – 2026. Tỉnh cũng đề xuất có các chính sách riêng để hỗ trợ cấp đất ở khẩn cấp cho người dân khi di dời vùng sạt lở và thường xuyên bị ngập lụt; hỗ trợ an sinh và sinh kế cho người dân khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để quy hoạch lại các khu vực chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ trong lưu vực của các hồ chứa nước lớn, qua đó góp phần điều hòa dòng chảy.

Người dân Tuy Phước thuê xe cơ giới chở xe máy qua vùng ngập nước, sáng 30/11
Người dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thuê xe cơ giới chở xe máy qua vùng ngập nước trong đợt mưa lũ tháng 11.2021

Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình mưa lũ và công tác khắc phục mưa lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên diễn ra đầu tháng 12 gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để làm tốt hơn công tác PCTT, cần tăng cường năng lực phòng chống, ứng phó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau, đặc biệt là việc vận hành các hồ chứa, xả lũ phải thông báo trước, đúng quy trình, quy định. Luôn đề cao cảnh giác, chủ động, chuẩn bị lực lượng 4 tại chỗ, nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, huy động nhân dân tham gia.

Liên quan đến hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, hoàn thiện quy trình vận hành và nâng cao năng lực dự trữ của các hồ đập, cần có kịch bản chung và kịch bản riêng, đặc thù cho từng hồ đập.

Về lâu dài, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án chống lũ lụt, thiên tai ở miền Trung, sạt lở, sụt lún ở Nam Bộ, các thời tiết cực đoan ở miền núi phía Bắc, từ đó có dự án cụ thể, huy động nguồn lực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế thiên tai; hoàn thiện quy trình vận hành hồ đập. Nâng cao năng lực dự báo cảnh báo lũ lụt, chủ động di dời khi vùng ngập quá sâu. Hỗ trợ người dân xây nhà, kết hợp phòng chống lụt, năng cao năng lực chỉ đạo điều hành tập huấn, diễn tập, khả năng thích ứng linh hoạt và ý thức; giáo dục nâng cao ý thức người dân.

Trong thời gian tới, Tổng cục PCTT (Bộ NN-PTNT) sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung Luật PCTT. Tập trung nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT cấp tỉnh, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, kết nối trực tuyến với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT.

Cũng theo ông Trần Quang Hoài, các tỉnh, thành cần tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn, bố trí kinh phí để thực hiện các hoạt động này. Các địa phương xây dựng công cụ, tính toán điều hành hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chỉ đạo các chủ hồ thủy điện rà soát, kiểm tra phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.

Thảo Anh