Triển khai Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15

Tiếp nhận thông tin, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn

- Thứ Hai, 08/11/2021, 09:56 - Chia sẻ
“Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, điều tất yếu hiện nay là cần thích ứng an toàn để sống chung với dịch. Để làm được điều đó, tỉnh đẩy nhanh tiêm phòng, tăng cường độ bao phủ vaccine; các doanh nghiệp, người lao động cần nâng cao tinh thần phòng chống dịch để phục hồi kinh doanh, sản xuất”, đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương về thực trạng, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới” gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và đến KT-XH trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Trong đó, có thể kết đến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số đơn hàng giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao, hàng ngàn lao động bị thất nghiệp, không có thu nhập, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, mất khả năng thanh toán và đứng trước bờ vực phá sản… Ngoài ra, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) gặp khó khăn, tiến độ triển khai dự án chậm.

Nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ảnh: Hoàn Phan

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn, để sớm đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường cần triển khai nhanh chóng xét nghiệm. Ngoài ra, hạn chế việc cách ly, phạm vi cách ly đối với các doanh nghiệp có lao động được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch tốt.

Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp còn kiến nghị tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, giảm lãi vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; giãn – hoàn thuế; có chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp cận thị trường; triển khai các gói kích cầu du lịch…

Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trước những khó khăn từ doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương đến cộng đồng doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Đáng hoan nghênh khi doanh nghiệp cũng đã chủ động trong tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng chuyển đổi số để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới. Vì thế mà một số doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội và quay trở lại hoạt động kinh doanh… tạo tiền đề thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế.

Tiếp nhận thông tin để hỗ trợ sớm nhất

Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường đã khó, nay còn khó khăn hơn khi phải hoạt  động trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế phục hồi sản xuất, từng bước vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Ảnh: Hoàng Phan

Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Thị Hoài Trâm, cho biết, tỉnh đã giới thiệu công cụ hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân thông qua ba hình thức: đường dây nóng 0234.3629999; hộp thư điện tử bbt.ubnd@thuathienhue.gov.vn  và chuyên mục “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế (www.thuathienhue.gov.vn). Theo bà Trâm, tỉnh việc tiếp nhận sẽ được thực hiện 24/7 sau đó giao Tổ công tác đặc biệt trả lời trong thời gian sớm nhất.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, thông qua các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, doanh nghiệp thì tỉnh sẽ yêu cầu cơ quan chức năng liên quan khẩn trương rà soát, tham mưu các chính sách. Từ đó, đưa ra phương án hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển, tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp có thể phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngoài ra ông Phương còn yêu cầu Tổ công tác chủ trì, phối hợp với thành viên khẩn trương tổng hợp các giải pháp, đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế tỉnh trong trạng thái “bình thường mới”.

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã chịu tác động nặng nề trong đại dịch Covid -19, trong 9 tháng đầu năm, lượng khách du lịch chỉ đạt bằng 1/6 so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu chỉ bằng gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu ngành du lịch bị thiệt hại ước hơn 6.000 tỷ đồng, lao động trực tiếp trong ngành bị nghỉ việc 10.000 người, 90% cơ sở lưu trú dừng hoạt động. Cùng với ngành du lịch thì nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

HOÀNG PHAN