Xem - Nghe - Đọc

Tiếng thơ xuân sẻ chia, đồng điệu

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:27 - Chia sẻ
Những trang thơ trên nhiều báo xuân Nhâm Dần 2022 đang chở mùa xuân tới khắp vùng, miền đất nước. Thơ nói thay tâm tính của các tầng lớp nhân dân đang náo nức làm đẹp thêm mùa xuân mới; tri ân những người đã cống hiến, hy sinh trong hai năm gồng mình chống dịch Covid-19, đắp bồi tình người, tình đất cùng niềm tin yêu vào cuộc đời dù còn bao gian khó… Theo mạch thơ ấy, tôi muốn chia sẻ cùng những tác giả đã có thơ trên Báo qua mấy cảm nghĩ bằng thơ:

Tôi rưng rưng đọc bài “Cây kèn và chiếc khẩu trang” của Lê Tú Lệ: “Giữa cây kèn saxophone và chiếc khẩu trang/Bầy vi rút đánh đu trên từng nốt nhạc…; và câu kết “Sẽ có một ngày saxophone ngân lên, khẩu trang rơi xuống/Và đêm này sẽ qua, sẽ qua!”. Tôi viết gửi chị: “Tiếng đàn ấy đang vang/Thổi niềm tin vào từng cây lá/Truyền tình yêu đến bao xứ sở…”. Những năm gầy đây, sau một loạt thành công của những vở cải lương, trong đó có vở “Chợ tình Khau Vai”, Nguyễn Thế Kỷ thường xuyên viết về cuộc sống đổi thay của các dân tộc vùng Tây Bắc; xuân này, anh viết về “Trẩy hội hoa ban” ở Tà Xùa: “Mương A Ma, lúa ngô mẩy hạt/Xên bản, xên mường tiếng hát xa”, tôi hỏi anh: “Chóe rượu gửi anh về xuôi ấy/Chứa cả tình em suốt bấy nay…”, sao không thấy anh đề cập trong thơ?! Trong bài “Bao giờ tươi mới giống hạt non”, Nguyễn Thị Mai viết: “Mỗi lần anh chúc qua tin nhắn/Là đã trong em Tết vạn lần”, tôi xin bổ sung một câu: “Là đời em thật sự đã sang trang”.

Cựu chiến binh Trần Thế Tuyển đã gần chục năm mải mê cùng đồng đội kiếm tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xuân về gợi nhớ bến đò xưa ở huyện Hải Hậu quê nhà, nơi tiễn anh nhập đoàn quân vào chiến trường ở Đồng Tháp Mười, Long Khốt… Anh từng viết câu thơ “để đời” khi nói về sự hy sinh thiêng liêng của những liệt sĩ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên thành nguyên khí quốc gia”. Nay, lại hoài niệm về “Bến Đợi” với bao nhiêu niềm thương kính người mẹ lưng còng; về những người nông dân tảo tần hôm sớm, tôi nhắc khéo anh: “Anh nhắc bao lần Bến Đợi/Đợi vong linh đồng đội/Đợi bạn duyên thầm/Nhưng chẳng đợi em/Một bông HỒNG lẻ bóng?!”.

Đọc bài “Con bay trên cánh chuồn” của Trần Quang Quý, một nhà thơ miệt mài cách tản thơ, tôi chia sẻ cùng anh: “Con đã bay bằng giai điệu cánh chuồn/Vốn đã viết thơ từ ngày chuồn cắt rốn/Con thành nhà văn nhờ tay mẹ dắt/Đi giữa bầu trời yêu thương”. Đọc “Đợi Xuân” của Hà Cừ, tôi gửi anh: “Đã nghe trời đất chuyển mùa/Gót sen bước nhẹ giữa trưa nắng vàng/Anh chờ em hẹn ngày sang/Tặng em một tập thơ tình vừa in/Thơ này hoa trái từ em/Nén dồn cảm xúc nhịp tim đêm nào”Đỗ Chu có bài thơ hoài niệm về những người lính trong Đoàn quân Tây Tiến với hình ảnh Quang Dũng cùng đồng đội hành quân ngược lên sông Mã “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, tôi tâm sự với nhà văn tài danh: “Anh nhớ người đi lúc chạnh lòng/Ngõ Gạch còn đây, em nhớ không/Ba Vì nay đã rừng xanh mướt/Tiếng gà cổ tích rộn vấn vương…”. Nguyễn Thị Hồng Ngát với bài thơ lục bát “Hoa đào” sâu nặng tình quê ven sông Hồng, tôi gửi chị mấy dòng: “Hoa đào rực thắm Khoái Châu/Nhớ người mang đến trầu cau năm nào/Triền đê nắng gió xôn xao/Sương sa tan hết, ngày sau em về/Thả hồn đi giữa đồng quê/Vần thơ vương vấn ngày về đầy vơi…”.

Với bài “Tháng Giêng” của Trần Kim Hoa, tôi gợi nhớ câu thơ của Xuân Diệu: “Tháng Giêng như cặp môi mềm”, và viết tiếp “Bốn mắt nhìn nhau đăm đắm/Tan đi các vết chân chim/Em mãi là HOA của đất”. Hải Đường viết bài “Nắng sánh”, tôi chia sẻ: “Đã bừng lên ngày nắng sánh/Con chữ đua nhau bay bay/Em chập chờn trang viết muộn/Hương nào thổi gió ngàn cây?” Trần Hoàng Thiên Kim với “Nỗi nhớ mùa xuân” giàu hình tượng, chan chứa cảm xúc mãnh liệt về con người, về sông biển…, tôi viết minh họa ý thơ của chị: “Chúng ta chạm nhau/Nhịp tim gấp gáp/Trăng trôi vào đêm/Môi mềm phát ấm/Xuôi theo dòng sông… Nỗi nhớ mùa xuân/Đánh thức bình minh/Buổi nào thơ ấu/Lay thức trái tim/Dệt mùa xuân đẹp…”. Nguyễn Sĩ Đại bằng hồn thơ lãng mạn, giàu liên tưởng từ xứ Bắc đến xứ Đông, tìm kiếm “Tiên Dung - Chử Đồng Tử”, tôi sẻ chia: “Chú tìm người xứ Bắc/Rồi vòng về phía Đông/Mong gặp được Tiên Dung/Cả trong mơ lẫn mộng/Bỗng giật mình thảng thốt/Người mà tìm bao năm/Đang bên ta nồng ấm/Là sắc HOA chẳng tàn…”. (xin bật mí: Vợ Đại tên là Hoa).

Tôi thật sự sửng sốt và xúc động trong ngày giáp Tết, Hồng Thanh Quang nhờ đồng nghiệp mang đến nhà tặng tôi 3 tập thơ “Cỏ bạc triền đê” với hơn 1.200 trang in; những tưởng anh “kiệt sức”, nhưng tên vẫn hiện diện trên các báo xuân với những bài thơ đề cập đa dạng về nhân tình thế thái, Trong bài “Vô thường tới mức vô vi” anh viết: “Vô thường tới mức vô vi/Tưởng về nhưng họa ra đi bất ngờ”. Đúng là cuộc đời anh với những thăng trầm bất ngờ đã tạo cho anh sức bình thản dẻo dai, vượt qua nghịch cảnh để hồn thơ vẫn hài hòa với vui - buồn thế sự. Tôi chia sẻ với Quang: “Gặp anh chiều hạ ấy/Bên cánh võng giữa vườn/Dù sức anh có giảm/Trang sách vẫn cạnh bên”. Và, sự đam mê với thi ca, với tình yêu cùng sự quý trọng những con người mà qua tháng năm trải nghiệm, anh nhận ra đâu là giả - thật, đâu là chân tình - xã giao; và vì vậy, đã là động lực giúp anh sáng tác hàng trăm bài thơ trong thời gian ngắn...

Với bài thơ “Bội mùa” của Thanh Thảo Nguyên chỉ có 5 câu, nhưng khá gây ấn tượng… “Sân nhà thóc hát lời yêu/Vườn bên khói phả mây phiêu mệt nhoài/Em cởi lửa nướng ban mai…”; tôi “mạo muội” bổ sung: “Má em hồng rực ngất ngây góc trời”. Trần Gia Thái, “cây thơ” trữ tình giàu sức tưởng tượng khái quát, trong bài “Lặng lẽ sương”, anh viết: “Giật mình lá mở bằng mắt ướt/Kìa ai ngơ ngác/Trăng thượng huyền”. Tôi viết gửi anh: “Chỉ mình em ngơ ngác/Khi nhìn anh ký sách tặng ai?”. Với bài “Hoa và cỏ”, Đặng Huy Giang viết: “Thơm từ ngày thứ nhất/Tươi đến đêm cuối cùng/Cỏ cứ xanh dưới đất/Hoa cứ thơm trên trời”, tôi xin phép nối dòng thơ anh: “Ngày thứ nhất ấm nồng/Ngày thứ hai lạnh giá/ Anh nói giữa vùng cao/Khác đồng bằng là thế”. (!!!)

Vì chưa có đủ báo xuân để đọc, tôi chưa có điều kiện lọc hết những bài theo tôi là hay, chỉ xin “ghi nhanh” đôi điều cảm nhận nêu trên và mong được sẻ chia cùng đồng nghiệp.

          Hà Nội, ngày 21.01.2022

____________

Những bài thơ đề cập trong bài viết này, tôi lọc từ các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Hà Nội mới, Lao động, Sài Gòn giải phóng, Văn nghệ, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thời Nay…

Nguyễn Hồng Vinh