Tiếng nói của nghệ thuật

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:13 - Chia sẻ
Bức tường hơn 100m2 tại Câu lạc bộ Mỹ (19 - 21 Hai Bà Trưng, Hà Nội) như khoác tấm áo mới, được vẽ bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại và sức mạnh của kết nối, sẻ chia văn hóa. “Chúng tôi có câu ngạn ngữ ‘một bức tranh hơn nghìn lời nói’. Với bức tranh tường này, Hà Nội vừa có thêm một câu chuyện được kể, sinh động và ý nghĩa” - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói.

Chuyện rừng vàng, biển bạc

Đầu năm 2020, KTS Tạ Thị Thu Hương, người sáng lập Tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (ABC), nhận lời mời của Đại sứ quán Hoa Kỳ giới thiệu và thể hiện cho mọi người thấy mối quan hệ đặc biệt của hai nước Hoa Kỳ - Việt Nam. Kết quả của sự hợp tác ấy là hành trình sáng tạo miệt mài của các nghệ sĩ suốt 45 ngày đêm, tạo nên bức tranh tường có diện tích hơn 100m2 nằm ở mặt ngoài Câu lạc bộ Mỹ, 19 - 21 Hai Bà Trưng, Hà Nội, tái hiện hình ảnh 3D sống động các loài động, thực vật, trong đó có một số loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, KTS Tạ Thị Thu Hương (áo vàng) và họa sĩ Đỗ Thị Hồng Liên trò chuyện về bức tranh tường thuộc dự án “Môi trường sạch - Hành tinh xanh”

KTS Tạ Thị Thu Hương cho biết, sau thời gian dài khởi động sáng kiến nghệ thuật này với rất nhiều ý tưởng, cuối cùng các nghệ sĩ quyết định dựa trên câu truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, kể chuyện rừng vàng, biển bạc. “Chúng tôi thể hiện một phần là núi, tách biệt với một phần là nước, tuy nhiên chúng không độc lập mà đan xen, gắn kết với nhau. Trong truyền thuyết, Âu Cơ dẫn 50 con lên núi, Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển, để lại dấu tích núi non biển cả bây giờ. Hình ảnh đó được phóng chiếu trong màu xanh non, màu trong lành, vừa huyền ảo, vừa đầy mơ mộng”.

Đồng thời, họa sĩ người Mỹ gốc Việt Christine Nguyễn khi thiết kế bức tranh tường đã đưa vào nhiều hình ảnh cây lá thu thập được trong quá trình làm việc tại Việt Nam. Các loài động vật xuất hiện trong tranh cũng được nghiên cứu, minh họa theo sách Đỏ của Việt Nam và thế giới. Theo KTS Tạ Thị Thu Hương: “Có các loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như voi, tê giác, hươu, nai, gấu, sư tử trắng, cá voi… và cả lợn rừng, tê tê cũng chỉ còn với số lượng rất ít ỏi nhưng hiện giờ chúng vẫn bị coi là những món ăn đặc sản. Những con vật hiện ra thân thương, và gần gũi, như nói rằng không gian tươi xanh của non nước Việt Nam thật xinh đẹp nhưng cũng rất mong manh”.

Điểm thu hút của bức tranh tường 3D này còn nằm ở việc các nghệ sĩ sử dụng nghệ thuật tranh phát sáng, với hiệu ứng đặc biệt làm nổi bật bức tranh trên nền không gian. Theo họa sĩ Đỗ Thị Hồng Liên, khác với tranh thông thường chỉ đẹp vào ban ngày, tranh phát sáng có thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng được từng chi tiết, màu sắc trong đêm. “Như vậy, câu chuyện môi trường sẽ không đứt mạch, sẽ luôn là một phần của đời sống Hà Nội, tạo nên không gian sinh động, đẹp đẽ, gửi gắm cho người xem những thông điệp theo cách riêng của mình”.  

Bức tranh tường về chủ đề môi trường thuộc dự án “Môi trường sạch - Hành tinh xanh”, do nghệ sĩ Mỹ gốc Việt Christine Nguyễn và các nghệ sĩ Việt Nam, đứng đầu là KTS Tạ Thị Thu Hương, đồng thiết kế. Sáng kiến hợp tác nghệ thuật này nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam (1995 - 2020), khởi động từ ngày 23.12.2020, khánh thành sáng 15.1.2021.

“Một bức tranh hơn nghìn lời nói”

Vẽ tranh nghệ thuật về đề tài môi trường không dễ, nhất là với bức tranh tường có kích thước lớn. Họa sĩ Đỗ Thị Hồng Liên phân tích, nếu không cẩn thận, tác phẩm sẽ trở thành tranh tuyên truyền, với những mảnh ghép thông điệp rời rạc. Nếu đưa các yếu tố mang tính cảnh tỉnh, nhắc nhở, sẽ tác động trực tiếp đến người xem nhưng lại tạo cảm giác tiêu cực. Các họa sĩ chọn cách tiếp cận khác, thông qua những hình ảnh động vật vui tươi, màu sắc rực rỡ, tạo cảm giác sức sống luôn căng tràn và môi trường luôn trong lành, sạch sẽ. Từng hình ảnh được chắt lọc phù hợp với văn hóa, phong cảnh của Việt Nam, sao cho mọi người đều thấy thân thuộc, gần gũi.

Từ sự thân thuộc, gần gũi ấy là cách để thu hút sự quan tâm của mọi người. Và từ sự quan tâm ấy, thông điệp của bức tranh sẽ được truyền tải một cách tự nhiên nhất, để tất cả chung sức bảo vệ môi trường. Đỗ Thị Hồng Liên nhớ lại những ngày vẽ tranh đúng vào thời điểm sương giá của Hà Nội, nhưng “rất nhiều người thường xuyên khen ngợi, động viên, từ bác bảo vệ đến cô bán nước, các bà bán hàng rong… khi đi qua đều tấm tắc, thích thú ngắm nhìn những hình ảnh kể câu chuyện môi trường”.

Nghệ thuật đã thay thế bức tường nâu cũ kỹ và bong tróc, biến nó trở thành một tác phẩm xứng đáng để mọi người dừng chân. Nghệ thuật cũng thay đổi tâm thế của người dân, khi rất nhiều người ngắm nhìn các hình vẽ và tự nhủ từ nay sẽ không để xe sát bức tường, càng không thể vứt rác làm ảnh hưởng đến không gian… KTS Tạ Thị Thu Hương cho rằng: “Hà Nội có nhiều không gian công cộng đang ngày càng xuống cấp và không được giữ gìn đúng mức. Bức tranh tường này sẽ là một gợi ý để đóng góp vào vẻ đẹp không gian công cộng Hà Nội, để người dân tương tác với nhau, tạo ra câu chuyện, kỷ niệm với nơi chốn của mình”.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink ngắm nhìn hình ảnh trên bức tường mà ông vốn quen thuộc, thốt lên: Một bức tranh thì hơn nghìn lời nói. “Hy vọng những ai đến thăm khu vực này sẽ dừng chân ngắm nhìn và cảm thấy vui vẻ khi không gian ở đây trông thật xanh tươi, sáng sủa. Và với bức tranh tường này, Hà Nội cũng vừa có thêm một câu chuyện được kể, sinh động và ý nghĩa về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác của Việt Nam và Hoa Kỳ, thể hiện được mối quan tâm chung trong việc bảo vệ môi trường, Trái đất”.

Thái Minh