Tiếng Mãn Châu sẽ thất truyền?

- Thứ Hai, 16/04/2007, 00:00 - Chia sẻ
Người Mãn Châu vẫn còn và không ngừng phát triển nòi giống. Thế nhưng, thổ ngữ của họ, từng được xem là một trong những ngôn ngữ chính thức ở Trung Quốc dưới triều nhà Thanh, đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

      Ngồi vắt chéo chân trên chiếc giường xếp bằng những viên gạch, bên cạnh đống lửa vẫn đang cháy âm ỉ, bà Meng Shujing vừa ôm đứa chắt trong tay vừa chậm rãi hát bài hát ru yêu thích của mình.
      “Ngủ ngoan con yêu, ngủ ngoan con yêu, để mẹ đi làm. Mẹ phải nhóm lửa, thổi cơm và cho gia súc ăn”
      Ở tuổi thất thập, nuôi trưởng thành 5 người con và có 14 đứa cháu, 5 đứa chắt, bà Meng, 82 tuổi, tin rằng lũ trẻ sẽ ngủ rất nhanh mỗi khi chúng được nghe những bài hát ru bằng thổ ngữ Mãn Châu. Tuy nhiên, bà cũng biết rằng những người vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ giao tiếp hàng ngày như bà chỉ không quá 20 người và vẫn đang sống biệt lập với cộng đồng tại vùng Đông Bắc Trung Quốc. 
      Theo các sử gia Trung Quốc, những người như bà Meng đều đã trên 80 tuổi và chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ so với gần 4 triệu người Mãn Châu còn lại đã chuyển sang sử dụng ngôn ngữ khác ở Trung Quốc. Trong lịch sử hơn 250 năm Trung Hoa nằm giữa sự cai trị của triều Thanh (một trong những triều đại có thế lực, ảnh hưởng và giàu có vào loại nhất trên thế giới, xuất thân từ một bộ tộc du mục), tiếng Mãn Châu đã được coi là ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Hán. Tiếng Mãn Châu gồm hai phương ngữ Bắc và Nam. Phương ngữ Nam là cơ sở của ngôn ngữ văn học. Chữ viết vay mượn từ chữ viết Mông Cổ từ cuối thế kỷ XVI. Trong nhiều thập kỷ xây dựng triều đại từ năm 1644, triều đại Thanh đã đặt tất cả lãnh thổ của Trung Quốc dưới sự cai trị của mình. Sau đó, họ đã thi hành chính sách bành trướng lãnh thổ sang cả Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và Đài Loan. Tuy nhiên, sự sụp đổ của triều đại này vào năm 1911 đã biến những người Mãn Châu trở thành một trong hơn 50 nhóm thiểu số ở Trung Quốc.
      Việc chỉ còn rất ít người vẫn tiếp tục duy trì ngôn ngữ của tổ tiên đồng nghĩa với tiếng Mãn Châu đang đứng trước nguy cơ biến mất. Khi đó, tất cả những gì còn lại về ngôn ngữ này sẽ chỉ là hàng đống tài liệu lưu trữ và sử sách tại các thư viện Trung Quốc và nước ngoài; những câu nói còn lưu lại tại những nơi tưởng niệm mà có lẽ không mấy ai, ngoại trừ các chuyên gia ngôn ngữ, mới có thể hiểu và lý giải nổi. 
      Zhao Jinchun, một người Mãn Châu với 20 năm trong nghề sư phạm trước khi trở thành một quan chức chính phủ ở thành phố Qiqihar cho rằng việc thổ ngữ Mãn Châu biến mất chỉ còn là vấn đề thời gian. Thổ ngữ Mãn Châu đang có chung số phận như nhiều ngôn ngữ thiểu sổ khác ở Trung Quốc, nơi mà văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa đang ngày một áp đảo và chiếm thế thượng phong. Theo các chuyên gia, tính đến cuối thế kỷ XXI này, số ngôn ngữ trên thế giới sẽ giảm 50% (còn khoảng 3.400 ngôn ngữ) so với thời điểm hiện tại. Trong thời gian gần đây, đại bộ phận dân Trung Quốc sử dụng tiếng Trung là ngôn ngữ chính thức. Những người sử dụng tiếng Mãn Châu còn lại rất ít, chủ yếu là con cháu thuộc ba dòng họ lớn dưới thời nhà Thanh từng đảm trách nhiệm vụ trấn thủ tại vùng biên giới tiếp giáp với nước Nga bây giờ. 
      Không những vậy, ngay tại những ngôi làng của người Mãn Châu trước đây, nhà truyền thống được làm từ gạch chưa nung hoặc bằng gỗ đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây theo kiến trúc hiện đại. Phần lớn những lễ hội truyền thống của người Mãn Châu không còn được tiếp tục nữa, ngoại trừ một số đám cưới hoặc lễ tang. Văn hóa Trung Hoa và cuộc sống hiện đại đang làm thay đổi bộ mặt làng xóm của người Mãn Châu. Nếu còn sót lại một tập tục đặc trưng của người Mãn Châu, thì đó là họ không bao giờ ăn thịt chó hay đội mũ da chó. Phong tục này để ghi nhớ công ơn của một chú chó đã cứu sống Nurhachi (1559 – 1626), người đã sáng lập nên bộ tộc Mãn Châu. 
      Liệu tiếng Mãn Châu sẽ tồn tại thêm được bao lâu? Theo bà Meng, dù phần lớn những người dân ở làng của bà đều sử dụng tiếng Trung nhưng bà sẽ tiếp tục dùng tiếng tổ tiên của mình. Bà rất ủng hộ những nỗ lực để duy trì ngôn ngữ tổ tiên. Người cháu 30 tuổi của bà, Shi Junguang, rất cố gắng nâng cao trình độ tiếng Mãn Châu. Anh cũng dạy viết và đọc cho 76 học sinh tuổi từ 7 – 12 tại ngôi trường duy nhất trong làng. Hiện anh đang dạy cho đứa con trai 5 tuổi của mình những chữ cái Mãn Châu đầu tiên và khuyến khích cậu bé tập giao tiếp với cụ. Tiếng Mãn Châu có tồn tại được hay không đòi hỏi không chỉ nỗ lực của bản thân người Mãn Châu.

Phương Linh