Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến:

Tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 16:26 - Chia sẻ
Tán thành với sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ việc dự thảo Nghị quyết giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi. Bởi lẽ, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn.

Xét xử nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí xã hội

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình cho biết, mục đích tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan. Tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội. Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Ảnh: Quang Khánh

Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết có 3 điều quy định các nội dung đó là, Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm. Dự thảo Nghị quyết giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết nếu được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2022.

Nâng cao hiệu quả tố tụng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và nêu rõ, Ủy ban Tư pháp tán thành với TANDTC đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15, khoản 1 Điều 146 và khoản 1 Điều 147 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến
Ảnh: Quang Khánh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả tố tụng; các vụ án thuộc diện xét xử trực tuyến sẽ được đưa ra xét xử khẩn trương, kịp thời trong thời hạn luật định; tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, xã hội. TANDTC đề xuất tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp thứ 13 ngày 26.8.2021 đã tán thành với chủ trương tổ chức xét xử trực tuyến. Mặt khác, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp. Một số nước trên thế giới đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động xét xử trực tuyến.

Về phiên tòa trực tuyến, TANDTC đề nghị cho phép: “Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng”, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của TANDTC trình Quốc hội cho phép Tòa án tổ chức phiên tòa trực tuyến; tán thành phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến như đề nghị của TANDTC, bởi vì xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn. Do đó, việc TANDTC giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác, là đã có sự cân nhắc thận trọng, bảo đảm tính khả thi.

Với việc TANDTC đề nghị quy định: “Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm”, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với dự thảo quy định khái niệm về phiên tòa trực tuyến, đồng thời sẽ tiếp tục rà soát để quy định khái quát, ngắn gọn hơn.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với dự thảo Nghị quyết quy định về các nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến bao gồm việc tuân thủ các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành và bổ sung thêm một số nguyên tắc của phiên tòa trực tuyến để thể hiện rõ tính chất đặc thù của phiên tòa trực tuyến.

Hoàng Ngọc