Tiêm vaccine đúng lộ trình

- Thứ Hai, 10/05/2021, 09:22 - Chia sẻ
Ngày 7.5, một nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu, An Giang đã tử vong do sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Đây là trường hợp hãn hữu, rất hiếm gặp trong lộ trình tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên trên tuyến đầu phòng chống dịch.

Trước khi tiêm, nữ nhân viên y tế này đã được khám sàng lọc và giải thích về các phản ứng sau tiêm. Tuy vậy, sau khi tiêm, bệnh nhân có phản ứng sốc, dù được xử lý theo đúng phác đồ nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau kháng viêm). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Trong khi đại dịch Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng con người, thì việc có được vaccine để tiêm phòng ngừa là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ Y tế. Khi số lượng được nhập về còn có hạn, việc tiêm phòng Covid-19 cũng phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Những liều vaccine đầu tiên sau khi nhập về được sử dụng cho đối tượng là những người ở tuyến đầu chống dịch theo Nghị quyết 21 của Chính phủ như: đơn vị điều trị cho bệnh nhân Covid-19, những người làm công tác xét nghiệm, truy vết, những người có nguy cơ rủi ro cao về khả năng lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vắc xin phòng COVID-19
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiêm vắc xin phòng Covid-19. (Ảnh: tienphong.vn)

Theo đánh giá, vaccine phòng ngừa Covid-19 có lẽ là loại ra đời nhanh nhất và được đưa vào sử dụng sớm nhất trong lịch sử sản xuất vaccine của nhân loại. Do đó, quá trình triển khai đã được cơ quan y tế tiến hành rất thận trọng, triển khai khám sàng lọc trước khi tiêm để bảo đảm an toàn.

Hiện Việt Nam đang sử dụng vaccine của AstraZeneca phòng Covid-19. Tính đến ngày 5.5, chúng ta đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Theo dự kiến, ngày 10.5 tới, Covax sẽ cung cấp tiếp 1,6 triệu liều cho Việt Nam trong kế hoạch phân bổ gần 39 triệu liều từ nay đến đầu năm tới, đủ tiêm cho hơn 19 triệu đối tượng ưu tiên. Và tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được 74% số vaccine hiện có, trong vài ngày sẽ tiêm hết số còn lại.

Số lượng những người tiêm vaccine Covid-19 đã lên tới hàng trăm nghìn trường hợp, cơ bản những người được tiêm sức khỏe đều an toàn. Ngày 6.5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng 3 Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các vụ, cục, văn phòng trực tiếp tham gia chống dịch đã tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc tiêm vaccine đã diễn ra thuận lợi, an toàn.

Cần nhấn mạnh rằng, việc tiêm vaccine nói chung không bảo đảm phòng bệnh 100%. Và trong quá trình tiêm vaccine nói chung và vaccine Covid-19 có những yếu tố không mong muốn có thể xảy ra, đây là điều rất khó tránh khỏi. Sự cố sau tiêm vaccine Covid-19 của nữ nhân viên y tế chỉ là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Không vì thế mà chúng ta lo ngại, nói “không” với tiêm vaccine phòng Covid-19.  

Để chủ động ứng phó, đẩy lùi dịch Covid-19, mỗi người dân cần tuyệt đối tuân thủ quy định về phòng, chống dịch của cơ quan y tế và cần tiêm vaccine phòng ngừa. Bởi như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã khẳng định, lợi ích vaccine ngừa Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ cho chính cho bản thân mỗi cá nhân và cộng đồng. Trong giai đoạn này khi vacxine con chưa đủ cần tập trung tiêm đúng lộ trình, đối tượng, theo kế hoạch đặt ra; góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.

Hà An