Dư âm Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV:

Tiệm cận với một Quốc hội tranh luận

- Thứ Ba, 24/11/2020, 06:22 - Chia sẻ
Đây là khẳng định của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh NGUYỄN MAI BỘ khi nhìn lại Kỳ họp thứ Mười vừa qua. Thực tế, thảo luận, tranh luận sôi nổi giữa các đại biểu Quốc hội với nhau khi cho ý kiến với các dự án luật; hay tranh luận giữa các đại biểu với bộ trưởng, trưởng ngành về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội… đã và đang từng bước hiện thực hóa chủ trương chuyển từ một Quốc hội tham luận sang một Quốc hội tranh luận và hành động mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra từ đầu nhiệm kỳ này.

Phản ánh cô đọng và chính xác nhất ý kiến cử tri

- Qua tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Mười đang diễn ra trên khắp mọi miền của đất nước, có thể thấy, cử tri đều đánh giá cao việc Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, trong đó có những quyết đáp quan trọng. Cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về kỳ họp gần như cuối cùng của nhiệm kỳ này?

- Kỳ họp thứ Mười là một trong những kỳ họp cuối của nhiệm kỳ Khóa XIV nên có thể có cái nhìn tổng thể, từ phương diện đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chất lượng phát biểu, tới điều hành của chủ tọa các phiên họp. Về phương diện đại biểu, tại kỳ họp này, có thể thấy rõ, trình độ, năng lực và bản lĩnh của các ĐBQH được nâng lên rõ rệt. Những đại biểu bản lĩnh tiếp tục duy trì và thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Những đại biểu mới ngày nào còn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên tham gia Quốc hội, thì nay đã trưởng thành rất nhiều.

Ảnh: Trung Thành

Về chất lượng phát biểu, tại kỳ họp này, các đại biểu đều tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, thể hiện chính kiến, phản ánh cô đọng và chính xác nhất ý kiến, kiến nghị, tâm tư của cử tri nơi mình ứng cử hoặc công tác thông qua lăng kính ngôn ngữ của ĐBQH. Vì vậy, các ý kiến thể hiện trên nghị trường rất đa dạng, và rõ nét nhất là tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, phiên chất vấn…

Về công tác điều hành các phiên họp, ĐBQH đều đánh giá cao chất lượng điều hành của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội ở từng phiên họp. Chủ tọa đã điều hành linh hoạt, hợp lý, khoa học, bảo đảm nhiều ĐBQH nhất phát biểu, và tỉnh, thành phố nào cũng có đại biểu phát biểu.

- Một trong những hoạt động được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đó là chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười. Đây cũng là hoạt động chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ này... thưa ông?

- Tương tự như Kỳ họp thứ Sáu, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua không theo nhóm vấn đề, và không giới hạn các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trực tiếp trả lời chất vấn, mà có tính chất tổng kết, tái giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Rõ ràng, cách thức này mang lại hiệu quả, giá trị rất lớn, giúp cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát các bộ trưởng, trưởng ngành, giúp các cơ quan quản lý nhân sự có thêm thông tin để đánh giá về các bộ trưởng, trưởng ngành. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp tuyển chọn nhân sự cho khóa tiếp theo.

Tôi đặc biệt ấn tượng với điều hành của Chủ tịch Quốc hội, rất khéo léo, tạo điều kiện để tất cả ĐBQH đăng ký chất vấn, tranh luận thể hiện chính kiến của mình, kịp thời yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung vào trọng tâm chất vấn; hoặc có những câu chất vấn, Chủ tịch yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành trả lời riêng với đại biểu, không làm mất thời gian của Quốc hội. Điều hành của Chủ tịch Quốc hội giúp người chất vấn hỏi hết và người bị chất vấn cũng phải trả lời hết.  

- Kỳ họp thứ Mười có lẽ cũng là lần đầu tiên, tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội có hình thức nghe báo cáo bằng video clip liên quan đến hai chuyên đề giám sát quan trọng là an ninh nguồn nước và bảo đảm an ninh năng lượng. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động này?

- Việc trình chiếu các video clip này thể hiện sự đa dạng, sáng tạo trong nỗ lực chuyển tải thông tin, tài liệu đến ĐBQH một cách trực quan, sinh động, thay vì cung cấp tài liệu bằng giấy. Cách thức này nên phát huy và duy trì tại các kỳ họp tiếp sau của Quốc hội, nhất là với những vấn đề quan trọng cần cung cấp thông tin tới ĐBQH.

Đã vượt qua việc “Chính phủ trình thế nào đồng ý như vậy”

- Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã rất quyết liệt đối với một số dự án luật chưa bảo đảm chất lượng, thậm chí sau khi Bộ trưởng giải trình vẫn có ĐBQH tiếp tục phát biểu tranh luận...?

- Có thể thấy, hoạt động xây dựng luật tại kỳ họp này có sự phát triển thêm một bước mới, thể hiện ở việc chúng ta đã vượt qua quan niệm “Chính phủ trình sang như thế nào cơ bản sẽ đồng ý như vậy”. Ở đây phải thấy rằng, Chính phủ trình dự án luật, dự thảo nghị quyết để Quốc hội xem xét, thảo luận, quyết định. Việc chấp nhận hay không là câu chuyện của Quốc hội. Điều này thể hiện rõ trong hai ngày cuối khi Quốc hội thảo luận về 3 dự án Luật: Giao thông đường bộ (sửa đổi); Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; và Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với tinh thần trách nhiệm cao, các ĐBQH đã xem xét đầy đủ các khía cạnh về tính hợp lý và bất hợp lý trong những dự án luật này, qua đó chứng minh rằng không phải cơ quan chủ trì soạn thảo cứ khẳng định sự cần thiết ban hành thì ĐBQH đều đồng tình ngay nếu lý lẽ, cơ sở chưa đủ thuyết phục. Điều này thể hiện rõ ở kết quả lấy phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH về những dự án luật này. 

- Khi Quốc hội đang dần đi vào kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện điều Chủ tịch Quốc hội đưa ra từ Kỳ họp thứ Nhất là chuyển dần từ Quốc hội tham luận sang một Quốc hội tranh luận và hành động?

- Rõ ràng, kết quả Kỳ họp thứ Mười cho thấy, chúng ta đã tiệm cận ngày càng gần với một Quốc hội tranh luận và hành động. Điều này thể hiện ngay ở những phần thảo luận, tranh luận rất sôi nổi giữa các ĐBQH với nhau khi cho ý kiến với các dự án luật; hay ở phần tranh luận giữa các đại biểu với bộ trưởng, trưởng ngành về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn cũng như các phiên thảo luận kinh tế - xã hội.

 - Xin cảm ơn ông!

Trung Thành - Thanh Hải thực hiện