Xem - Nghe - Đọc

"Tiệc trăng máu" - bữa tiệc diễn xuất giàu biến hóa

- Chủ Nhật, 25/10/2020, 09:24 - Chia sẻ
"Tiệc trăng máu" (vừa ra rạp) không phải là phim Việt Nam đầu tiên quy tụ một dàn diễn viên nổi tiếng hoặc tài năng, nhưng có thể nói là phim Việt Nam đầu tiên quy tụ một dàn diễn viên nổi tiếng diễn chung từ đầu đến cuối trong một bối cảnh duy nhất.

"Tiệc trăng máu" là bộ phim remake mới nhất trong số rất nhiều phim remake thời khan hiếm kịch bản hay của điện ảnh Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Và thực tế, "Tiệc trăng máu" mới chỉ là bộ phim thứ 3 trong vô số phim "Việt hóa" được xem là thành công, cùng với "Em là bà nội của anh" và "Tháng năm rực rỡ". Điều thú vị là cả ba bộ phim này đều do hai đạo diễn, nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh và Nguyễn Quang Dũng dàn dựng. Họ phối hợp, đổi chỗ và hỗ trợ cho nhau để có những bộ phim “xác ngoại, hồn Việt” gần gũi và có cảm xúc nhất. 

Năm điều mà tôi thích nhất ở "Tiệc trăng máu":

1. Là bộ phim remake từ bộ phim Perfetti sconosciuti (Perfect Strangers) của đạo diễn Ý Paolo Genovese. Bộ phim giống như một vở kịch tình huống dựa trên concept “trò chơi” diễn ra phần lớn ở một bối cảnh duy nhất mà điện ảnh thế giới đã thực hiện nhiều lần, gần đây trên Netflix có bộ phim "The Boys in the Band" mà tôi gọi đùa là “Tiệc trăng bóng” vì cũng kể câu chuyện về một trò chơi của một nhóm bạn đồng tính để lột truồng những bí mật và ẩn ức của mỗi người. 

Nhưng sở dĩ bộ phim của Ý thành công lớn và lập kỷ lục Guinness được remake nhiều nhất thế giới là sự thông minh và tính phổ quát của chúng trong thời đại công nghệ, nơi chiếc điện thoại trở thành nơi ẩn giấu những bí mật, ẩn ức, dối trá của con người thời hiện đại.

Trong các bản làm lại, tôi xem ba bản của Hàn, Trung Quốc và Pháp (hai bản sau xem không hết). Nếu ở bản Ý, tôi thích tính nguyên bản (original) thì bản của Hàn, tôi thích nhất về tính sáng tạo, “Hàn hóa” thông minh với cái kết phá vỡ nguyên mẫu, phá vỡ tính ước lệ và sắp đặt kiểu sân khấu (quá nhiều tình huống ngẫu nhiên xuất hiện trong một bữa tiệc) và giúp cho bộ phim có một cái kết giễu nhại mang tính “hậu hiện đại” của cấu trúc “nếu… thì” có tính điện ảnh hơn. 

"Tiệc trăng máu" là sự cộng hưởng, kết hợp giữa hai bản Ý và Hàn, nên tôi gọi đó là “remake của remake”. Cũng giống như thành công của "Em là bà nội của anh" kết hợp giữa bản gốc của Hàn và bản remake thành công nhất của Trung Quốc, "Tiệc trăng máu" là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa hai bản của Ý và Hàn, giúp cho bộ phim vừa bám sát tính nguyên bản của bản gốc, vừa đưa bộ phim đến gần với khán giả Việt hơn nhờ tính Á Đông của nó. 

Nguồn: ITN

2. Về thể loại, có thể coi "Tiệc trăng máu" là một bộ phim thuộc dòng dramedy (bi hài kịch), nhưng tôi thấy bộ phim gần hơn với một satirical film (châm biếm, giễu nhại), nơi mà concept trò chơi tình huống trong một bối cảnh duy nhất, cũng là nơi để lột truồng những chiếc mặt nạ của ẩn ức, tổn thương, khủng hoảng, dối trá, lừa lọc, kỳ thị… của con người thời hiện đại.

Thể loại này giúp bộ phim khai thác được ba lát cắt: công khai, riêng tư và bí mật của con người trong thời đại công nghệ mà ít phim Việt đào sâu và phá bỏ được sự hời hợt bề mặt của nhiều phim Việt gần đây khi chỉ khai thác được lớp vỏ bên ngoài của con người hiện đại. 

Chất châm biếm của bộ phim được thể hiện rõ nét nhất qua ẩn dụ “nguyệt thực”: “Bản chất của con người cũng giống như nguyệt thực vậy, tưởng che giấu được mọi thứ, nhưng cuối cùng cũng lộ ra hết”.

3. Đây không phải là phim Việt Nam đầu tiên quy tụ một dàn diễn viên nổi tiếng hoặc tài năng (Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Dòng sông hoa trắng, Mối tình đầu, Ngày lễ thánh, Đời cát...), nhưng có thể nói là phim Việt Nam đầu tiên quy tụ một dàn diễn viên nổi tiếng diễn chung từ đầu đến cuối trong một bối cảnh duy nhất.

Đây là cơ hội để các diễn viên thực lực phát huy hết khả năng tung hứng, phối hợp và thậm chí biến hóa như Thu Trang, Thái Hòa chẳng hạn. Trong một màn diễn chung kéo dài tới 80% thời lượng phim, ta có thể thấy được ai tỏa sáng và ai đang an toàn, chưa phá được vỏ bọc của mình.

Đây cũng là dịp để đạo diễn thể hiện được khả năng dàn cảnh nhóm (ensemble staging) để phát huy được tố chất của từng diễn viên và cả dàn, để giữ nhịp phim căng, chùng nhịp nhàng theo từng tình huống mà diễn viên ném ra nhưng không để bị rớt nhịp. 

Trong các màn diễn đôi, tôi thích nhất màn phối hợp giữa Thu Trang và Thái Hòa, Thái Hòa và Đức Thịnh. 

Nhưng để chọn một diễn viên duy nhất, tôi chọn Kaity Nguyễn. 

Khác bản Ý tập trung vào các cặp đôi trung niên, phiên bản làm lại của Hàn và Việt Nam chọn một nhân vật trẻ tuổi hơn để làm bật sự khác biệt thế hệ và thể hiện những ẩn ý tinh tế.

Ở bản Việt, Kaity Nguyễn là một diễn viên/nhân vật như vậy. Khác với 6 nhân vật trung niên còn lại đang đối mặt với những khủng hoảng tuổi trung niên và liên tiếp đeo những chiếc mặt nạ làm vỏ bọc của mỗi người, nhân vật của Kaity đại diện cho thế hệ trẻ, là nhân vật duy nhất không có bí mật hay không có ẩn ức gì phải che giấu. Cô đại diện cho một thế hệ trẻ tự tin, rạch ròi, sòng phẳng với cảm xúc của mình.

Diễn xuất của Kaity vừa khít với đòi hỏi của nhân vật. Chưa kể mỗi lần xuất hiện là sáng bừng khuôn hình. Lối diễn của cô cũng tự nhiên và mang màu sắc điện ảnh hơn các đàn anh đàn chị có kỹ năng vượt trội hơn nhưng vẫn vương lại một vài nét diễn kiểu sân khấu.

4. Trong khi bám sát kịch bản gốc và thừa hưởng những thay đổi tinh tế ở bản Hàn, kịch bản "Việt hóa" của Tiệc trăng máu phát huy rõ nhất ở thoại: duyên dáng, hóm hỉnh, tưởng “thô” mà không “thô” vì khả năng chơi chữ, tung hứng chữ nhịp nhàng và hợp lý của chúng. 

 5. Và cuối cùng là cái kết. Như đã nói ở trên, cái kết của "Tiệc trăng máu" thực chất là một dạng trò chơi kiểu "nếu… thì”.

Thực ra, trò chơi để điện thoại lên bàn để lột truồng nhân phẩm từng người thực ra không hề diễn ra mà chỉ là một tưởng tượng của nhà làm phim mà thôi. 

Cái kết này ban đầu khiến tôi khá bực mình, nhưng ngẫm lại thì thấy rất hợp lý. Vì (cũng như đã nói ở trên): nếu trò chơi này diễn ra với một loạt tình huống liên tiếp xảy ra với quá nhiều ngẫu nhiên, quá nhiều sắp đặt, bộ phim gần với một vở kịch sân khấu nặng tính ước lệ hơn là một phiên bản điện ảnh đòi hỏi sự chân thực, tự nhiên như cuộc sống.

Và nếu trò chơi trong phim chỉ là một tưởng tượng của biên kịch/đạo diễn (nếu họ chơi thì hàng loạt bí mật sẽ bị phơi bày như thế), tính giễu nhại, châm biếm của thể loại phim châm bi mang màu sắc hậu hiện đại được thể hiện rõ nét hơn.

Nếu tinh ý, bạn cũng nhận ra đạo diễn thường xuyên xử lý những góc máy của “con mắt thứ ba”, góc máy từ trên cao, góc máy bên ngoài cửa kính và góc máy phản chiếu qua gương. 

***

Với những điểm mạnh như trên, "Tiệc trăng máu" là một bộ phim tình huống mới mẻ, đáng để điện ảnh Việt học hỏi. Các tầng nghĩa được đào sâu và nhiều ẩn dụ thú vị của bộ phim giúp cho khán giả có nhiều phán đoán, soi chiếu và liên hệ với bản thân. 

"Tiệc trăng máu" có thể không bùng nổ về doanh thu, nhưng tôi nghĩ bộ phim này sẽ tạo được hiệu ứng nhờ truyền miệng và có thể sẽ trụ rạp lâu dài.

Bảo Khánh