Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Tích hợp với các tiêu chí đô thị để bảo tồn bản sắc văn hóa Thủ đô

- Thứ Năm, 28/01/2021, 08:57 - Chia sẻ
Đó là nhấn mạnh của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Khóa XVII của Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến tại hội nghị đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo Chương trình về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025" vừa diễn ra.

Hoàn thành xây dựng NTM cấp thành phố vào năm 2025

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM thành phố Chu Phú Mỹ cho biết: Trong 5 năm qua, khu vực nông thôn Thủ đô đã có chuyển biến, tiến bộ rõ nét. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng và hiệu quả ngày càng nâng cao. Công tác xây dựng NTM đạt kết quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội dự kiến phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường. Thành phố cũng phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn này đạt từ 2,5 - 3%; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2025 đạt từ 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, sẽ tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; khuyến khích đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; phấn đấu mỗi năm đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu…

Về xây dựng NTM, đến năm 2025, thành phố phấn đấu có 100% huyện, xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; xây dựng thí điểm mô hình xã NTM kiểu mẫu Thủ đô và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cấp thành phố. Để nâng cao đời sống nông dân, đến năm 2025, thành phố đặt mục tiêu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên.

Toàn cảnh Hội nghị  

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chương trình 04-CTr/TU

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ huyện đạt chuẩn NTM đạt 100%; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 40%, NTM kiểu mẫu đạt 20% và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM cấp thành phố. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng NTM, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường…

Góp ý vào nội dung Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng: Thành phố cần bám sát vào tên gọi của Chương trình "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025". Trong đó, tách các nhóm chỉ tiêu nhằm tránh trùng lặp; rà soát kỹ hơn một số chỉ tiêu như: Làng nghề, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn… Đồng thời, bổ sung một số đơn vị vào thành phần Ban Chỉ đạo như: Ngành thống kê; văn hóa, thể thao và du lịch…

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền: Đầu năm 2020, trên địa bàn còn 27 xã chưa đạt chuẩn NTM nhưng đến cuối năm đã có thêm 12 xã được công nhận; 15 xã còn lại đang phấn đấu về đích vào tháng 6.2021. Qua đó, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu 100% các xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Thời gian tới, thành phố sẽ triển khai đồng bộ với cả nước về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo hướng dẫn của Trung ương. Tuy nhiên, với đặc thù của Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề xuất chủ trương xây dựng NTM của thành phố theo hướng tiêu chí đô thị để giao các đơn vị nghiên cứu, xây dựng làm tiêu chí đột phá trong giai đoạn tiếp theo…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã kế thừa kết quả thực hiện trong các giai đoạn vừa qua để hoàn thành dự thảo lần này. Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần bổ sung, hoàn thiện sớm để Ban Chỉ đạo báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố dự kiến vào cuối tháng 3.2021. Nhấn mạnh, Chương trình 04-CTr/TU đòi hỏi cả về chất và lượng rất cao so với Chương trình 02 của nhiệm kỳ trước. Nội dung Chương trình được thông qua tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII cũng xác định rõ: “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. “Vì vậy, cơ quan thường trực soạn thảo Dự thảo Chương trình cần bám sát vào nội hàm trên để thực hiện”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

Đối với các giải pháp thực hiện Chương trình 04-CTr/TU, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố phải bám sát vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã xác định và tích hợp dữ liệu của Cục Thống kê, của các sở, ngành để xây dựng bảo đảm sát thực tiễn. Cùng đó, Sở cần nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề riêng để thực hiện như: Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân… “Trong xây dựng NTM, dự thảo Chương trình phải tích hợp với các tiêu chí đô thị, không chỉ riêng 5 huyện đã có đề án phát triển lên quận mà còn bao gồm các huyện, thị khác để bảo tồn bản sắc văn hóa của Thủ đô. Về dự thảo phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU, cơ quan soạn thảo phải đưa thêm 3 đơn vị: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Cục Thống kê thành phố vào thành viên Ban Chỉ đạo”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị.

Khánh Duy