Tích cực, chủ động, trách nhiệm

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 07:09 - Chia sẻ
Nhìn lại 3 ngày thảo luận tại hội trường về KT - XH, ngân sách nhà nước, tái cơ cấu nền kinh tế... các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ các ĐBQH cho đến các thành viên Chính phủ. Nhiều vấn đề nóng bỏng của đời sống dân sinh cho đến những bài toán rất lớn về phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn tới đã được các ĐBQH tập trung đánh giá và gợi mở những giải pháp, xác lập các yêu cầu đối với Chính phủ và các bộ, ngành trong quản lý, điều hành tới đây.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Cần kế hoạch hỗ trợ các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai

Tôi đặc biệt ấn tượng với 2 video về kết quả phiên giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” và “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” được trình chiếu tại phiên thảo luận của Quốc hội. Đây là điểm mới trong cách thức làm việc của Quốc hội, và quan trọng hơn, thông qua 2 video này, tôi và các ĐBQH đã có được cái nhìn tổng thể, sâu sắc hơn về 2 nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng này. Đây cũng là những vấn đề bức thiết của cuộc sống, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại và có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới. Có lẽ vì vậy nên trong 3 ngày qua, rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, tranh luận về 2 nội dung này.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) Ảnh: Trung Thành
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình)
Ảnh: Trung Thành

Qua 3 ngày thảo luận, tôi nhận thấy, các ĐBQH đã phát biểu ngắn gọn, súc tích nhưng đề cập được rất nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân đang quan tâm, lo lắng. Các ĐBQH không chỉ đề cập đến những khó khăn, hạn chế mà còn đưa ra những giải pháp để có thể giúp Chính phủ khắc phục trong thời gian tới.

Là ĐBQH của 1 tỉnh miền Trung, tôi có nhiều trăn trở đối với vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai và lũ lụt. Ngay trong thời gian Quốc hội tiến hành kỳ họp này, miền Trung đã phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề bởi bão lũ, thiên tai. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã giải trình làm rõ nhiều vấn đề, nguyên nhân, giải pháp trong việc quản lý thủy điện và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng cần bổ sung nhiều thông tin nữa để ĐBQH và cử tri yên tâm hơn. 

Mong muốn lớn nhất của tôi và cử tri hiện nay chính là làm thế nào để tiếp tục kiểm soát phòng, chống Covid - 19 hiệu quả, không để dịch bùng phát trở lại, tạo điều kiện để nhân dân tập trung sản xuất, kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Nhà nước cần có kế hoạch hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt cho các tỉnh miền Trung. Từ đó, sẽ tạo cơ sở, tiền đề hoàn thành kế hoạch phát triển năm 2020 và tạo đà cho giai đoạn năm 2021 - 2026.

ĐBQH Đôn Tuấn Phong (An Giang): Tận dụng và phân bổ nguồn lực hợp lý

Kỳ họp này, Quốc hội đã dành 3 ngày để thảo luận về tình hình KT - XH, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài chính quốc gia… Qua thảo luận, các ĐBQH đều thống nhất nhận định, đánh giá về năm 2020. Đó là năm vô cùng khó khăn và rất đặc biệt mà chúng ta vẫn nói là “trạng thái bình mới” trong bối cảnh cả thế giới chịu tác động của dịch bệnh Covid - 19, kinh tế suy thoái trầm trọng nhất kể từ suy thoái những năm 1929 - 1933. Đại đa số nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm, thì Việt Nam là một trong số ít các nước có nền kinh tế tăng trưởng dương. Dự kiến mức tăng trưởng GDP đạt từ 2% - 3%. Đây là kết quả ngoạn mục về phát triển KT - XH. Chúng ta kiểm soát được dịch bệnh hiệu quả với chi phí thấp, là điểm sáng trong tổng thể kiểm soát dịch bệnh trên toàn thế giới.

ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang) Ảnh: Hoàng Ngọc
ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang)
Ảnh: Hoàng Ngọc

Các ĐBQH kỳ vọng nước ta sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh chặt chẽ, hiệu quả để tạo nền tảng cho phát triển KT - XH trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta chưa biết bao giờ dịch bệnh trên thế giới sẽ chấm dứt. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng thống nhất cho rằng, tận dụng nguồn lực đầu tư, phân bổ nguồn lực đầu tư một cách hợp lý thì chúng ta sẽ lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo và cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Với phần giải trình của các thành viên Chính phủ tại phiên thảo luận, cá nhân tôi đánh giá là rất tích cực, chủ động, trách nhiệm, đã đi thẳng vào các vấn đề mà ĐBQH quan tâm. Nhiều bộ trưởng nắm lĩnh vực quản lý của mình rất chắc, từ những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mà đề xuất các giải pháp cần thiết để giải quyết những khó khăn nội tại của ngành.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Phải bàn câu chuyện lâu dài

Quốc hội đã có 3 ngày làm việc rất sôi nổi, tâm huyết. Các ĐBQH và các thành viên Chính phủ đều đã nhìn thẳng vào sự thật, những mặt sáng, mặt tối để đề ra giải pháp phát triển KT - XH cho năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Bên cạnh các vấn đề lớn, mang tầm vĩ mô, nhiều ĐBQH đã đề cập đến những vấn đề dân sinh, rất thiết thực và nóng bỏng như: tình hình lũ lụt ở miền Trung, bảo vệ, phát triển rừng, hay việc vận hành an toàn các công trình thủy lợi, thủy điện…

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) Ảnh: Hoàng Ngọc
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
Ảnh: Hoàng Ngọc

Đối với vấn đề thủy điện, chúng ta đang là người được thừa hưởng cái lợi, hưởng thành quả từ các công trình, nhà máy này. Nhưng như tôi đã phát biểu và tranh luận trên nghị trường, vấn đề phải quan tâm là 40 - 50 năm nữa, khi hết khấu hao, khi không còn hiệu quả kinh tế thì tất cả công trình xây dựng ở nơi rừng sâu núi thẳm này sẽ là một quả bom nổ chậm. Nguồn tài lực nào, nhân lực nào để quản lý vấn đề này? Chúng ta phải bàn câu chuyện lâu dài, nêu vấn đề để Nhà nước huy động nguồn lực trí tuệ, tìm ra giải pháp khắc phục. Tôi cũng đánh giá rất cao Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ động, tích cực trả lời những vấn đề này.

Hay câu chuyện về bộ sách giáo khoa lớp 1 cũng là vấn đề rất khó, liên quan sát sườn đến tương lai con em chúng ta nên người người, nhà nhà đều quan tâm. Mỗi người quan tâm bằng trải nghiệm riêng, mong muốn riêng. Nhiều người cũng nhân dịp này nhớ lại bộ sách giáo khoa trong thời kỳ mình được học, nên có sự so sánh giữa bộ giáo khoa cũ và bộ sách giáo khoa mới, và đôi khi cũng chưa chia sẻ được với sự thay đổi của bộ sách giáo khoa mới. Bộ sách giáo khoa mới cũng còn hạt sạn này, hạt sạn kia, nhưng tôi cho rằng muốn hoàn thiện cần có thời gian thử thách. Chúng ta hãy bình tĩnh, từng bước khắc phục, chứ đừng tạo ra sự hoang mang với cả người biên soạn, với cả người sử dụng sách giáo khoa.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị): Rà soát, loại bỏ dự án thủy điện không bảo đảm an toàn môi trường

Các ĐBQH đã thảo luận rất sôi nổi và rất sâu tất cả lĩnh vực, từ vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, giáo dục, y tế, đào tạo, văn hóa, môi trường… Thậm chí, các đại biểu còn tranh luận, trao đổi lại với nhau về từng vấn đề. Đoàn Chủ tịch cũng đã mời các tư lệnh ngành kịp thời phát biểu giải trình, làm rõ hơn các vấn đề được ĐBQH đặt ra, từ đó tìm đến quan điểm chung, nhận thức chung về những vấn đề đặt ra có đúng hay không, đã trúng hay chưa và giải pháp sắp tới là gì. Tôi cho rằng, các nội dung được bàn thảo, tranh luận như vậy là rất thuyết phục.

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) Ảnh: Thanh Chi
ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị)
Ảnh: Thanh Chi

Thủy điện là một vấn đề được rất nhiều ĐBQH quan tâm trong 3 ngày vừa qua. Có ý kiến băn khoăn về việc quản lý, vận hành thủy điện; việc thủy điện có phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt, sạt lở đất hay không… Bộ trưởng Bộ Công thương đã 2 lần phát biểu, giải trình làm rõ băn khoăn của ĐBQH, khẳng định, thủy điện có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, bởi đây là nguồn năng lượng rất cần thiết. Các ĐBQH cũng đồng tình với đánh giá của Bộ trưởng và cho rằng, thủy điện có tính hai mặt. Như vậy, với những mặt tốt thì chúng ta phải thấy là tốt và phải làm tốt hơn. Những vấn đề bất cập, thậm chí những nguy cơ, hậu họa liên quan đến thủy điện thì chúng ta phải sớm khắc phục. Các ĐBQH đều mong muốn điều đó. Chúng ta phải sử dụng tốt nguồn lực này nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo đảm được vấn đề môi trường.

Đối với các dự án hồ thủy điện lớn, thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt. Đấy là những khu vực mà chúng ta bảo đảm, điều tiết được các hồ chứa. Còn trong thời gian vừa qua có xảy ra sự việc liên quan tới một số dự án hồ thủy điện nhỏ thì rõ ràng đây là câu chuyện phải rút kinh nghiệm ngay từ khâu khảo sát, đánh giá để đưa vào quy hoạch. Quy hoạch xong thì phải tổ chức khảo sát, đánh giá thực tế, nếu không đạt thì phải yêu cầu loại ra khỏi quy hoạch ngay. Việc này Bộ Công thương và Chính phủ vừa qua đã làm tốt khi đã rà soát, loại bỏ hơn 470 dự án thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch, bỏ 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện ra khỏi quy hoạch. Tôi đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát trong quy hoạch, nếu thấy dự án thủy điện nào thực sự không bảo đảm về mặt an toàn môi trường thì không nên đánh đổi.

H.Ngọc, T. Thành, T.Chi