Xây dựng chương trình hành động và tiếp xúc với cử tri

Thuyết trình phù hợp, độ tin cậy cao

- Thứ Năm, 06/05/2021, 08:46 - Chia sẻ

Hà Thị Thiệp - Nguyên Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai

Để có bài thuyết trình phù hợp, có độ tin cậy cao trước cử tri, các ứng cử viên phải nghiên cứu trước những nhiệm vụ người đại biểu phải thực hiện, đối chiếu với vị trí việc làm chuyên môn hiện tại để xây dựng chương trình hành động phù hợp. 

Các ứng cử đại biểu HĐND các cấp mỗi khóa thông thường được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thống nhất giới thiệu có sự kế thừa giữa những người tái cử đại biểu HĐND và người lần đầu tham gia ứng cử. Đối với những người lần đầu tham gia ứng cử, mặc dù được tập huấn xong cũng rất khó hình dung việc xây dựng chương trình hành động của cá nhân để báo cáo trước cử tri.

Xây dựng chương trình hành động phù hợp

Tại hội nghị TXCT giữa ứng cử đại biểu HĐND các cấp, thông thường mỗi đại biểu được Ban Tổ chức hội nghị quán triệt và dành thời gian khoảng từ 7 - 10 phút để báo cáo với cử tri các việc nếu được cử tri tín nhiệm bầu tham gia đại biểu HĐND các cấp. Trong khoảng thời gian đó, ứng cử viên sẽ phải thuyết trình trước cử tri về những công việc sẽ làm nếu trúng cử đại biểu HĐND.

Để có bài thuyết trình phù hợp, có độ tin cậy cao trước cử tri, các ứng cử viên phải nghiên cứu trước các nhiệm vụ đại biểu HĐND các cấp phải thực hiện, được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015, đặc biệt là các chương, điều quy định trực tiếp về nhiệm vụ của đại biểu HĐND để biết các việc đại biểu HĐND các cấp phải làm sau khi trúng cử. Từ đó, đối chiếu với vị trí việc làm chuyên môn hiện tại của ứng cử đại biểu đang làm để xây dựng chương trình hành động của ứng cử đại biểu phù hợp.

Ví dụ, ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là Chủ tịch Hội Phụ nữ cấp xã thì chương trình hành động phải thể hiện được trách nhiệm người ứng cử đối với cử tri với vai trò là đại biểu HĐND tỉnh sẽ phải làm các việc gì để hoàn thành trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh; đồng thời, gắn với vị trí việc làm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, ứng cử sẽ phải kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ của người đại biểu HĐND với công việc chuyên môn để tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với tuyên truyền hội viên thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mà cá nhân tham gia làm đại biểu; tăng cường thăm nắm tâm tư nguyện vọng cử tri, tiếp thu chuyển tải đầy đủ ý kiến, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri đến với các cấp chính quyền địa phương và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri.

Luật cũng quy định, một người được giới thiệu tham gia đại biểu HĐND không quá hai cấp, vì vậy thông thường nếu một ứng cử viên cấp xã tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh hoặc cấp huyện sẽ tham gia đại biểu HĐND cấp xã. Vì vậy, chương trình hành động phải thể hiện được vai trò của ứng cử viên sẽ phải thực hiện nếu trúng cử và các lời hứa với cử tri phải phù hợp với chức trách nhiệm vụ được giao. Tránh việc một số ứng cử viên trong các nhiệm kỳ trước xây dựng chương trình hành động “hay”, hứa sẽ làm rất nhiều việc cho cử tri nếu trúng cử, nhưng thực tế các việc “hay” đó lại vượt quá thẩm quyền cá nhân của ứng cử viên có thể giải quyết được, dẫn đến nếu trúng cử đại biểu sẽ thất hứa với cử tri.

Ứng cử viên phát biểu tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ảnh: Thùy Linh 

Giữ hình ảnh đẹp và tôn trọng cử tri

Tại các hội nghị này, mỗi ứng cử đại biểu HĐND các cấp luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cử tri. Vì vậy, mỗi cử chỉ, hành động của ứng cử viên dù nhỏ nhất cũng đều nhận được sự chú ý của cử tri. Để giữ hình ảnh đẹp cho cá nhân ứng cử viên và tôn trọng cử tri, mỗi ứng cử viên phải lắng nghe, chấp hành nghiêm túc mọi điều hành của chủ tọa hội nghị; để điện thoại ở chế độ không làm phiền người khác, tập trung theo dõi diễn biến của hội nghị và quan sát bao quát toàn cảnh hội trường, không nên chú ý vào một điểm hoặc một nhóm người hay một người nhất định. Có thái độ nghiêm túc, lắng nghe các nội dung được trình bày tại hội nghị; không nên trao đổi riêng giữa các ứng cử viên trong khi hội nghị đang tiến hành nếu không có việc thực sự cần thiết; không xem văn bản, thông tin trên điện thoại, nếu có cuộc điện thoại thực sự cần thiết phải xin phép ra ngoài để trao đổi.

Quan sát diễn biến hội nghị, khi được chủ tọa hội nghị mời lên thông qua chương trình hành động của ứng cử, cần có thái độ cầu thị, tôn trọng cử tri, thông tin rõ ràng, mạch lạc, khẳng định bản lĩnh của ứng cử viên đã được cơ quan đơn vị, địa phương, thôn bản, tổ dân phố, Ủy ban MTTQ các cấp lựa chọn là có cơ sở được thể hiện ở bản lĩnh, trình độ và thái độ ứng xử cầu thị, tôn trọng cử tri.

Trong phần hội nghị tiếp thu ý kiến, kiến nghị cử tri, nếu cử tri quan tâm phát biểu cần làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công tác chuyên môn của ứng cử viên, nên lắng nghe, tiếp thu và có thể thông tin tới cử tri (nếu nắm rõ vấn đề), còn không xin phép được tiếp thu để xem xét và trả lời cử tri trong thời gian gần nhất.

Ngoài nội dung hội nghị, mỗi cử chỉ, lời nói, hành động của ứng cử viên phải được thể hiện đúng mực, đúng tác phong, lề lối của cán bộ, công chức; bên lề hội nghị nên có các giao tiếp, trao đổi với những người tiếp xúc một cách thân thiện, lựa chọn những trang phục công sở lịch sự, phù hợp, kín đáo.