Thượng tướng Lê Khả Phiêu - vị tướng giản dị, gần gũi, có tâm, có tầm

- Thứ Tư, 12/08/2020, 05:17 - Chia sẻ

Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Tôi được trực tiếp làm việc với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ông là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa IX tại Thanh Hóa.

Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi được phân công đi theo đồng chí Lê Khả Phiêu, để theo dõi cuộc tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên ĐBQH với cử tri tại Thanh Hóa. Ấn tượng đầu tiên về đồng chí Lê Khả Phiêu, đó là dù trên cương vị một vị tướng nhưng lại rất gần gũi với nhân dân, cử tri.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370, ngày 19.2.1998, tại Cần Thơ.
Nguồn: TTXVN

Nhớ lại kỷ niệm khi đi từ UBND tỉnh Thanh Hóa xuống huyện Tĩnh Gia, tôi cũng có xe, đồng chí Lê Khả Phiêu cũng có xe, nhưng đồng chí đề nghị: "Ông sang đi xe cùng với tôi, để anh em mình tâm sự, mình cả đời binh đao, ít có dịp nghe chuyện của Mặt trận. Cái nữa là để bớt xe đi, xăng xe là tiền của dân, của Nhà nước, mình tiết kiệm được tý nào hay tý ấy”. Một vị tướng không hề xa cách gì với nhân dân, với cấp dưới! Tôi cũng được nghe đồng chí tâm sự về cuộc đời binh nghiệp. Dù ở cương vị cao nhưng đồng chí cực kỳ khiêm tốn. Ông chia sẻ “sống với binh lính, nông dân quen rồi, nên phải nhờ ông thời gian tới giúp tôi tiếp xúc với nhân sỹ, trí thức, đồng bào dân tộc, các đại biểu tôn giáo”. Thậm chí còn hỏi tôi “tôi phát biểu như vậy có được không?”.

Có lẽ, trong môi trường quân đội, đồng chí Lê Khả Phiêu đã quen với cách xưng hô “thưa các đồng chí”. Tiếp xúc cử tri với nhiều đối tượng, thành phần khác nhau, tôi mạnh dạn kiến nghị đồng chí Lê Khả Phiêu "công thức" của Mặt trận ấy là “thưa các cụ, thưa các vị, thưa các đồng chí và các bạn”. Đồng chí vui vẻ lắng nghe và tiếp nhận lời kiến nghị dù nhỏ ấy của tôi. Chuyến đi ấy đọng lại trong tôi là nhân cách lớn của người lãnh đạo. Khiêm tốn, hòa đồng, giản dị.

Lần thứ hai, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ V của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (26 - 28.9.1999), tôi vinh dự được gặp lại đồng chí Lê Khả Phiêu trên cương vị Tổng Bí thư. Là người được phân công chuẩn bị bài phát biểu cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi ấy, tôi được nghe đồng chí chỉ đạo và nhắc nhở phải nhấn mạnh các quan điểm:

“Thứ nhất, sau Đại hội Đảng lần thứ VIII, chúng ta phải dựa vào kết luận của Đại hội, nhấn mạnh thành tựu 10 năm đổi mới, với vai trò quyết định là của nhân dân. Dân hưởng ứng đường lối đổi mới, mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Cái chưa được là qua quá trình đổi mới đó, bên cạnh việc mở cửa kinh tế thị trường, thì nhiều tiêu cực cũng nảy sinh, bộ phận tham nhũng, thoái hóa, biến chất ngày càng tăng. Nếu như Đại hội VI đổi mới, thì Đại hội VII, một số cán bộ có chức, có quyền thoái hóa, biến chất, đến Đại hội VIII là một bộ phận (chứ không còn một số) cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất”. Bài phát biểu được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị “phải nói đậm về cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Hội nghị Trung ương VI lần 2 đã đề ra. Yêu cầu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên huy động nhân dân giám sát cán bộ tại địa bàn dân cư theo đúng Chỉ thị 28 của Bộ Chính trị năm 1998”.

Nhắc lại thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc đổi mới đất nước, xét cho cùng là nhờ ý Đảng hợp lòng dân, vì vậy nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cảm ơn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gắn bó với Đảng trong suốt quá trình thành lập Đảng đến nay; Cùng Đảng tập hợp, đoàn kết nhân dân đi theo cách mạng. Trong Mặt trận, Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo. Bài viết của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó thật sự lay động lòng người, từ đó mọi người tham dự Đại hội đều thấy phấn chấn và thấy được trách nhiệm của mình.

Với già nửa đời người là binh nghiệp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sống với dân, sát dân và lo cho dân. Đồng chí là người kế tục sự nghiệp đổi mới của Đảng ta. Và cũng là một trong những người khởi xướng cho cuộc đấu tranh trong Đảng về chống thoái hóa, biến chất; xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước; sống có tâm, có tầm. Mối quan hệ giữa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với đồng chí, đồng đội, cấp dưới luôn rất mật thiết, không bao giờ đặt mình ở cương vị cao hơn. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là người chí tình, trước sau như một. Kể cả tới khi nghỉ hưu, nguyên Tổng Bí thư vẫn đến thăm cộng sự, đồng chí, đồng nghiệp, trọn vẹn nghĩa tình như xưa.

Hoàng Ngọc ghi