Thường trực Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

- Thứ Ba, 25/01/2022, 14:38 - Chia sẻ
Sáng 25.1, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiến hành phiên họp mở rộng cho ý kiến về một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và các đại biểu tham dự đã thảo luận về quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; tính mới của sáng chế; trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; tính mới của giống cây trồng…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc họp

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự luật khó, chuyên môn sâu, do đó trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban đã tăng cường tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để có thêm thông tin, cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Cũng theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì quy định trong luật; vấn đề nào mới, chưa được thực tế kiểm nghiệm, hoặc cần điều chỉnh linh hoạt thì dự thảo Luật sẽ xác định một số nguyên tắc chung để giao quy định chi tiết. Với tinh thần nêu trên, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã có một số điều chỉnh so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Cho ý kiến về vấn đề giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, các đại biểu tán thành với quy định tại dự thảo Luật theo hướng được giao quyền đăng ký tự động và không bồi hoàn cho đơn vị chủ trì. Quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho pháp nhân thành lập theo pháp luật Việt Nam, cũng như cho cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Nhưng, một số ý kiến băn khoăn về cơ sở đưa ra quy định về phân chia lợi nhuận như đề xuất của Ban soạn thảo; đề nghị, làm rõ về quá trình tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của chính sách này. Một số ý kiến này lưu ý, các bộ, ngành cần có báo cáo giải trình thuyết phục cho việc phân chia lợi nhuận từ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về một số sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến xác định tính mới của giống cây trồng, do Thường trực Ủy ban Pháp luật có quan điểm giữ nguyên như quy định hiện hành, chỉ sửa đổi một số từ ngữ để bảo đảm đầy đủ và bao quát các đối tượng chịu tác động, khác với phương án Chính phủ trình Quốc hội (sửa đổi Điều 159 của Luật hiện hành). Về vấn đề này, đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, NN và PTNT, Tư pháp đã phát biểu giải trình, nêu rõ quan điểm của bộ, ngành về xác định tính mới của giống cây trồng.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại cuộc họp  

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Song, các đại biểu có quan điểm chưa thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật này với Luật Giá, Luật Hải quan; cũng như, một số vấn đề như xác định tính mới của giống cây trồng, các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, các cơ quan tiếp tục trao đổi làm rõ về những vấn đề còn quan điểm khác nhau, chú ý bám sát một số nguyên tắc. Đó là bảo đảm thực hiện đúng cam kết quốc tế; giải quyết vấn đề vướng mắc trong thực tiễn đang đặt ra; phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam về trình độ sản xuất, nhận thức của người dân, nhu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ giải trình ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, Chính phủ cần sớm xây dựng báo cáo về ý kiến của Chính phủ đối với một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi khai mạc Phiên họp thứ Tám (tháng 2.2022). 

P.Thủy